Xe công thanh lý không phải ở mức giá 1,5 triệu đồng nhưng chẳng biết bao nhiêu? Luật Hình sự sai sót là... tại người dân không góp ý.

 

Mấy ngày vừa rồi, thông tin “thanh lý 264 xe công, thu về 390 triệu đồng” khiến người dân đứng ngồi không yên, nhấp nhổm như phải cọc.

Chà chà, tiền thuế của dân bỏ ra để mua xe cho công bộc, năm bảy trăm triệu một chiếc, giờ thanh lý giá rẻ hơn đồng nát sắt vụn. Con nhà nghèo xót lòng, xót ruột lắm chứ.

May quá, vị lãnh đạo Cục Công sản (Bộ Tài chính) đã mau mắn giải thích, con số 390 triệu nêu trên chỉ là định giá tài sản sau khấu hao.

Số xe công sẽ được đấu giá công khai minh bạch, ai cũng có thể mua theo đúng giá thị trường, các ông bà chủ cứ yên tâm, không cần lo lắng gì cả.

Giải oan xe công thanh lý 1,5 triệu, luật sai tại... dân - 0

Xe công làm buồn... ngân sách. Ảnh minh họa của báo Lao động

Thế nhưng, quy tắc thông thường đều nói, tài sản hết khấu hao thì giá trị khấu hao bằng 0 chứ không phải giá trị của tài sản đó bằng 0.

Vậy có thể tạm hiểu rằng 264 xe vẫn còn giá trị khấu hao những ''390 triệu đồng''. Cái sự không minh bạch, lập lờ nằm ở chính điểm này. Dư luận không lên tiếng thì giá trị của chúng bằng 0, dư luận lên tiếng rát quá thì quy trình thanh minh sẽ là: tổng giá trị khấu hao còn lại khoảng 390 triệu đồng.

Còn nữa, Cục Công sản không biết số xe công được bán cho ai và giá trị thị trường bao nhiêu?  Các đơn vị bán xe cũng không cần báo cáo chỉ chủ động nộp lại ngân sách nhà nước. Nghĩa là chúng ta tin nhau là chính, nghi ngờ có hại lắm! 

Vui thật, có lẽ do ta không hiểu được tính toán vi diệu của các quan trên. Có lẽ các quan lo xa rằng nếu cứ để xe chạy hết sạch sành sanh giá trị thì bán cho ai, không khéo thành tàu ma lơ vơ mãi ở vịnh Hạ Long rồi mới được di dời. Phải để lại chút ''màu mỡ riêu cua'', có vậy, đấu giá mới trơn tru, trót lọt được chứ?

Lại nữa, cứ tính từng xu lẻ bán xe thì hiểu sao được nỗi niềm của những người quản lý số tài sản công của đất nước.

 Riêng cái chuyện xe cộ đã trăm công nghìn việc. Nào là phân cấp phân bậc để phân bố loại xe, nào là tìm đại lý để mua sao được hoa hồng cao nhất (cũng để nộp về Nhà nước chứ đâu). Rồi còn phải cân lên đặt xuống chuyện thanh lý xe nào trước xe nào sau, Bộ nào, tỉnh nào được ưu tiên cấp xe mới...  

Tính toán sai một ly cũng đã gấp mấy lần giá bán mấy 264 cái xe thanh lý, lo con săn sắt là tuột ngay con cá cờ. Quy trình chuẩn rồi, cứ thế mà thực hiện thôi.

Mà giả sử trong trường hợp xấu nhất, xe công bị thanh lý lại cho họ hàng, quen biết của các công bộc thì sao?

Người dân vốn khoan dung, độ lượng, ai lại đi chấp nhặt ba cái chuyện lẻ tẻ, tính đi tính lại không bằng một phần ngàn thất thoát sau thương vụ ụ nổi M83.

Ai mua được thì mừng cho họ, so đo đố kỵ với nhau, hóa chẳng phải để người ngoài cười chê, truyền thống tương thân tương ái người Việt vẫn tự hào chỉ là trong... chuyện viễn tưởng?

Thói đời là vậy, việc của mình không lo lúc nào cũng chỉ xía mũi vào việc người rồi phán xét đúng sai.

Luật Hình sự đã duyệt qua bao nhiêu cấp còn sai và phải lùi thời điểm có hiệu lực đấy thôi, không ai chịu quan tâm mà chỉ biết chăm chăm chuyện có xe hơi cũ nát.

Người ta đã tổng kết rõ rành rành 5 dạng sai: Một là, một số quy định thuộc phần những quy định chung mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với quy định tại phần Các tội phạm; Thứ hai, bỏ sót định lượng, trùng định lượng, cách quy định không thống nhất về hậu quả xảy ra, ảnh hưởng đến nội dung, chính sách xử lý hình sự; Thứ ba, có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật; Thứ tư, quy định vị trí các khung hình phạt trong cùng điều luật không tiếp nối; Thứ năm, viện dẫn sai điều, sai kỹ thuật lập pháp.

Đấy nhé, đường lối không sai lấy một ly, chỉ những ''lỗi  kỹ thuật'' mà trẻ lên 10 với logic phổ thông cũng biết. Mà các cơ quan chức năng đã mất bao nhiêu công của, đăng tin đăng bài, khuyến khích người dân nhận xét, góp ý về Luật Hình sự sửa đổi 2015? Tiếng nói của các quý vị đâu mất rồi?

Ai mà không biết, các cơ quan chính phủ thì vừa điều hành vừa làm luật, lo từ chuyện mâm cơm có độc đến chuyện cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.

Cơ quan thẩm tra là Quốc hội chỉ có mấy trăm người mà quyết hết luật này tới luật khác. Làm như vậy thì sức đâu cho xuể, nhầm lẫn sai sót là chuyện thường tình. Mà những vị công bộc ấy chẳng phải do chính các vị chọn ra hay sao?

Tóm lại, những sai sót này là tại... người dân. Vậy nên, người bên trái hãy xin lỗi người bên phải và ngược lại đi, thế mới đúng là biết điều chứ nhỉ, thưa quý vị thân mến?

Nguyên An
Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC