Đại dịch Covid-19 đã khiến 2.093 trẻ em mồ côi và sẽ gây ra những tác động lâu dài, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Báo cáo của Ủy ban Xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sáng 20/10, thông tin trong số 2.093 trẻ em mồ côi này, riêng TP HCM có hơn 1.500 em.

"Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn học tập, nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, đảm bảo an sinh của trẻ em", báo cáo nêu.

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho hay Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức huy động sức mạnh đại đoàn kết và các nguồn lực xã hội trong nước, nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số những người dân "mắc kẹt" tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách....

1 Gan 2100 Tre Em Mo Coi Vi Covid 19

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống Covid-19, sáng 20/10. Ảnh: Hoàng Phong

Cũng theo Ủy ban Xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Nhưng thời gian qua, văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Báo cáo của Ủy ban nêu vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cơ quan này đơn cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên chỉ trong vòng một ngày; Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường...

Bà Nguyễn Thúy Anh nói việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng... Về bố trí nguồn lực, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn, song nguồn huy động từ xã hội giảm dần. Vì vậy, bà Thúy Anh nêu rõ ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính.

Ủy ban Xã hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng chống Covid-19, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến dịch bệnh...

Ủy ban cũng đề cập đến việc nghiên cứu phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học kịp thời, an toàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần và bảo vệ trẻ em.

Hoàng Thùy - Viết Tuân 

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC