Rất nhiều bà mẹ có con tuổi lên 3 đã bị khủng hoảng, thậm chí “phát điên”, nhưng theo chuyên gia đó là do họ chưa biết phương pháp dạy con đúng, cũng như thiếu những người đồng hành tin cậy.

Mẹ muốn “phát điên” vì con trai phá phách

Trẻ ở độ tuổi lên 3 có lẽ là thời điểm khiến nhiều bà mẹ cảm thấy bị “ám ảnh” nhất. Ở tuổi này, ngoài những câu hỏi liên tục mỗi ngày thì trẻ còn có nhiều hành động khiến không ít mẹ bất ngờ hoặc "tăng xông". Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nhiều gia đình cho rằng, khi trẻ 1-5 tuổi, việc dạy và chăm sóc con là trách nhiệm của người mẹ. Theo các chuyên gia, quan điểm này không chỉ khiến trẻ thiếu cơ hội phát triển toàn diện mà còn tạo áp lực lên người mẹ, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của họ.

TS Phạm Văn Tư - Phó khoa Công tác xã hội (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý cho biết, ông từng tiếp nhận một bà mẹ đưa con trai 3 tuổi đến điều trị tâm lý và nói rằng, chính mình cũng đang “phát điên” vì con.

Người mẹ là giáo viên, chồng chị là chủ doanh nghiệp và luôn coi việc chăm sóc và dạy con là trách nhiệm của vợ. Anh thậm chí muốn vợ nghỉ việc để toàn tâm, toàn ý lo cho con, trong khi bản thân chỉ chú tâm tới công việc. Có nhiều ngày bố còn không nói với con một câu, vì sáng đi làm thì con chưa ngủ dậy, tối về nhà con đã ngủ say.

1 Bi Chong Mang Lam Co Giao Ma Khong Biet Day Con Vo Voi Dua Con Di Kham Su That Khien Nhieu Nguoi Bat Ngo

Người mẹ stress khi con hiếu động, vẽ lên tường, đập đồ đạc.... Ảnh minh họa.

Rất yêu thương và dành nhiều thời gian cho con nhưng người mẹ nhiều khi thấy bất lực vì con quá nghịch ngợm và hiếu động. Chị chia sẻ: “Con tôi nghịch ngợm leo trèo khắp nơi, rồi vẽ lên khắp tường nhà, khiến chúng tôi phải đôi lần thuê thợ về sơn lại. Gần đây nhất, khi không được xem kênh tivi yêu thích, con phản ứng bằng cách kéo TV xuống đất cho hỏng luôn".

Khi thấy con có những biểu hiện như vậy, người chồng thay vì dạy con, chia sẻ với vợ lại buông những lời khiến vợ cảm thấy bị tổn thương. “Khi tôi giải thích, anh ấy quát mắng và nói rằng: 'Em là cô giáo mà không dạy được con thì còn đi dạy ai nữa'. Những lời đó khiến tôi thấy tổn thương, đầu óc căng thẳng, dễ nổi điên. Thậm chí, có lúc tôi còn coi con là nghiệp chướng mà mình tạo ra”, người mẹ tâm sự với chuyên gia.

Mỗi ngày hãy dành 10 phút đúng nghĩa cho con

Tiếp nhận trường hợp trên, TS Phạm Văn Tư cho rằng, đứa trẻ hoàn toàn không có vấn đề về mặt tâm lý và phát triển, người cần trị liệu chính là bố mẹ của cháu bé. Theo ông Tư, sở dĩ cháu bé có hành động đập phá đồ đạc, vẽ lên tường vì mẹ chưa biết cách hướng dẫn, dạy dỗ nhưng lỗi lớn nhất lại thuộc về người bố, khi không dành thời gian cho con, có những lời nói khiến vợ bị tổn thương tâm lý nặng nề. Người mẹ nếu không được tư vấn, can thiệp sớm có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

2 Bi Chong Mang Lam Co Giao Ma Khong Biet Day Con Vo Voi Dua Con Di Kham Su That Khien Nhieu Nguoi Bat Ngo

TS Phạm Văn Tư cho biết, cả bố và mẹ cần tôn trọng và phối hợp với nhau để dạy con hiệu quả.

Với trường hợp của đứa trẻ, ông Tư cho rằng bố mẹ cần học hỏi thêm kiến thức để hiểu hơn về đặc điểm tâm sinh lý ở lứa tuổi của con. Ở tuổi lên 3, trẻ đang phát triển tư duy, ngôn ngữ nên việc khám phá, tò mò, thích thể hiện là rất bình thường. “Tôi tư vấn cho người mẹ hãy mua dụng cụ (giấy, màu) để con thỏa thích vẽ. Tuy nhiên, khi vẽ thì bố mẹ phải chơi cùng con, hướng dẫn con chỉ được vẽ vào giấy, không vẽ lên tường. Với việc trẻ đập đồ đạc, gia đình có thể mua đồ chơi nhựa cho con ném, đập và hướng dẫn con chơi đúng cách. Sau 2 tuần hướng dẫn, người mẹ chia sẻ rằng con đã có thay đổi tích cực, điều này cũng khiến chị thoải mái và bớt áp lực, căng thẳng hơn”, ông Tư chia sẻ.

Với người bố, theo chuyên gia, dù bận công việc đến đâu bố cũng nên dành thời gian gần con hơn, mỗi ngày chỉ cần 10 phút đồng hành sẽ giúp con cân bằng cảm xúc, tốt cả về tâm lý và trí tuệ. Theo vị chuyên gia này, để đứa trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là về mặt cảm xúc, cần có sự tham gia của cả cha và mẹ. Vai trò của người cha thường sẽ dẫn dắt đứa trẻ hành động theo chuẩn mực tốt hơn.

“Cách quan tâm của người cha rất đơn giản, thay vì hỏi những câu tạo áp lực về học tập thì có thể ngắm nhìn con, cười với con hoặc một hành động ôm con ấm áp… Hay trước khi đi ngủ chỉ cần người cha bỏ điện thoại xuống vài phút để lắng nghe con, kể vài mẩu chuyện đơn giản... Những việc này vừa giúp con thân thiết với mình vừa là cách để bản thân giảm stress sau một ngày làm việc mệt mỏi", ông Tư nói.

Theo Người đưa tin




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC