Nhiều cha mẹ nói rằng việc la mắng, bạo lực với con cái chỉ vì họ muốn tốt cho đứa trẻ nhưng bạo lực bằng lời nói chưa bao giờ được khuyến khích trong cách dạy con, bởi nó gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

Phụ huynh đừng bao giờ đổ lỗi cho con làm mình nóng giận mà nên nhận thức rằng, khi nóng giận là lỗi của chúng ta không kiểm soát được cảm xúc và chưa hiểu con.

Nguyên nhân cha mẹ thường la mắng và nổi nóng với trẻ

Do cha mẹ thiếu hiểu biết

Thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ, về những tác động tiêu cực mà những lời mắng chửi mang lại, họ cũng không nhận thức được trách nhiệm của mình trong mỗi cái sai của con.

Họ thường chỉ mắng cho bõ tức, nói những lời cay độc để con vì thế mà sửa chữa khuyết điểm. Họ không biết rằng những đứa con được giáo dục bằng chửi rủa, đánh đập thường khó phát triển tâm lý, tình cảm và cả trí tuệ một cách toàn diện. 

Bất lực trong giáo dục

Đây cũng là hậu quả của một quá trình giáo dục không có khoa học, không thấu hiểu rõ tâm lý, không gần gũi và tâm sự với con, quá nuông chiều, quá buông lỏng, đến khi con hư rồi lại quá nóng giận với những trạng thái tiêu cực.

Giận cá chém thớt

Điều này xảy ra với rất nhiều gia đình. Khi áp lực cuộc sống đè nặng khiến tâm trí cha mẹ không thoải mái. Giữa lúc đó, chỉ cần con vi phạm bất kỳ điều gì dù là nhỏ nhất hay làm phiền hoặc làm họ “ngứa mắt” là có thể châm ngòi cho một trận chửi rủa không thương tiếc. Nghiêm trọng hơn, có những người còn dựa vào con, mắng con nhưng đích ngắm đến lại là người bạn đời của mình. Sự oan ức và thiếu bao dung của cha mẹ trong trường hợp này có thể khiến trẻ cực kỳ ức chế và căm tức.

Đôi khi, người lớn không ý thức được việc họ bị ảnh hưởng bởi quá khứ. Nhưng thực tế tính cộc cằn, thô lỗ, hay chửi rủa của bố mẹ có ảnh hưởng đến họ và đến lượt mình, họ cũng làm như vậy với con cái.

Tác hại khi quát mắng trẻ 

+ Kích hoạt hành vi bạo lực ở trẻ

+ Ngôn ngữ kém phát triển - điều này thấy rất rõ trong cách trẻ giao tiếp với cha mẹ và bạn bè. Trẻ chỉ thường la, khóc, hay cắn đánh để thể hiện điều trẻ muốn hay không muốn.

1 Cha Me Hay Quat Mang Noi Nong Voi Tre Dung Do Tai Tre Hu Su That Co The Khien Ban Phai Hoi Han Vi Sai Lam Cua Chinh Minh

+ Ảnh hưởng tới thể chất: Hậu quả của việc quát mắng thường xuyên là trẻ liên tục bị căng thằng. Căng thẳng quá mức làm tăng nguy cơ cao phát triển các bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố, rối loạn tự miễn hay tử vong sớm sau này.

+ Mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái bị phá vỡ: La mắng con cái chỉ khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. La mắng chưa bao giờ tạo ra sự đồng cảm, nó chỉ khiến 2 bên mâu thuẫn gay gắt hơn".

+ Không biết cách yêu thương chính mình: Bị la mắng thường xuyên sẽ khiến trẻ không xem trọng bản thân mình. Trẻ luôn cảm thấy những điều mình làm là sai lầm, là không đáng được trân trọng. Lâu dầu, trẻ sẽ có xu hướng bỏ bê mình, sống buông thả hơn, nổi loạn hơn…

Cha mẹ nên làm gì để không làm tổn thương trẻ sau khi lỡ nổi nóng với trẻ 

1. Nhận lỗi với trẻ

Cha mẹ nên cho trẻ thấy tất cả mọi người ai cũng có lúc mắc lỗi, và dũng cảm nhận lỗi là điều cần làm. Bạn chỉ cần ngồi hay bế trẻ để tầm mắt cả hai ngang bằng nhau, và nói "Mẹ xin lỗi vì đã quát con. Mẹ yêu con nhiều". Nếu trẻ làm sai, hãy giải thích tại sao mẹ không đồng ý, mô tả cái gì trẻ đã làm sai và hướng dẫn cách trẻ làm tốt hơn.

2. Hãy sửa lỗi, đừng chỉ nhận lỗi

Cố gắng đừng để sự nhận lỗi về cách ứng xử sai của bạn lặp lại. Điều này không hay tí nào! Nó làm mất đi ý nghĩa nỗ lực của bạn để trẻ hiểu: sai cần dũng cảm nhận lỗi và khắc phục.

3. Đặt kỳ vọng phù hợp với khả năng của trẻ

Việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng con sẽ làm tốt hoặc làm được nhiều hơn khả năng sẽ càng khiến mức độ thất vọng gia tăng khi trẻ không đạt được như những kỳ vọng đó. Vì vậy, chính cha mẹ cần điều chỉnh mức độ kỳ vọng ở con, biết đâu là giới hạn của trẻ để không tự làm bản thân bực bội.

4. Kiểm tra lại vấn đề từ phía cha mẹ

Nhiều ông bố bà mẹ đã tự nhận mình là người nóng tính, rất dễ nổi cáu và hét lên với con. Nhưng đã bao giờ cha mẹ xem lại mình: liệu có phải gần đây bạn không ngủ đủ giấc, có gặp vấn đề gì căng thẳng bên ngoài. 

Ngoại trừ lí do là hành vi của trẻ chưa tốt thì bản thân cha mẹ liệu có chuyện gì khiến cha mẹ dễ dàng cáu giận và muốn xả bực bội hay không?

Theo Mộc - VietNamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC