Nhà giáo dục Trung Quốc Đào Hành Trí từng nói, cần phải giải phóng tâm trí, bàn tay, bàn chân, không gian và thời gian của trẻ em, để chúng hoàn toàn có cuộc sống tự do và được giáo dục thực sự từ cuộc sống tự do.
"Cho phép nghịch bẩn là bước đầu tiên để trẻ được tự do. Nếu sợ bẩn mà cấm đoán trẻ khám phá những điều mới lạ thì đó là thiệt thòi lớn", nhà giáo dục này khẳng định.
Nhà tâm lý giáo dục Vương Hòa (Trung Quốc) chia sẻ một câu chuyện: "Người bạn họ Vương đã thay đổi quan điểm của tôi về những đứa trẻ được coi là "ở bẩn". Vương thích sạch sẽ, nhà cửa lúc nào cũng sáng choang, thơm tho, không một cọng rác. Tuy nhiên cô nói rằng nếu quay lại thời điểm khi con gái còn nhỏ, chắc chắn sẽ không chọn sự sạch sẽ.
Thời đó, khi con gái đòi ăn một mình, Vương không cho vì sợ "con ăn rơi vãi". Kết quả đến 7 tuổi, mẹ vẫn đút cho ăn. Khi con chơi với lũ trẻ hàng xóm, hễ nhìn thấy chúng tay chân dính bùn đất, Vương lại hét lên ngăn cản. Ở nhà con gái thích vẽ khắp nơi, nhưng vì sợ bẩn nên cô chỉ cho con vẽ vào giấy. Dần dần cô bé trở nên thiếu nhiệt tình và ít quan tâm tới mọi việc.
Nếu bố mẹ luôn dặn rằng không được chạm vào cái này, đừng động đến cái kia, trẻ như bị giam cầm và không dám chủ động "chạm" vào thế giới. Những đứa trẻ như vậy không những không hạnh phúc mà còn mất đi tính chủ động khám phá cuộc sống.
Quần áo bẩn có thể giặt sạch, phòng bừa bộn có thể dọn dẹp nhưng nếu trẻ mất khả năng chủ động tìm kiếm kiến thức và học hỏi vì sợ bẩn thì lợi bất cập hại.
Đừng để nỗi lo sợ bẩn của bố mẹ phá hỏng trí tò mò, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ."
Nhà văn Pháp Jean Henri Fabre – tác giả của cuốn sách "Côn trùng ký" từ nhỏ đã là một đứa trẻ thích khám phá. Cứ rảnh rỗi, cậu bé lại nằm dài trên bãi cỏ quan sát đàn kiến. Jean Henri hứng thú xem kiến vàng đánh nhau với kiến đen. Trong quá trình quan sát, cậu phát hiện ra kiến dùng nụ hôn để truyền tải thông tin. "Thế giới côn trùng thú vị đến mức khiến tôi quên ăn quên ngủ", nhà văn nhớ lại.
Vì tò mò, Jean Henri luôn dành thời gian quan sát, chính điều này đã tích lũy cho ông một lượng lớn kiến thức về thế giới côn trùng và cho ra đời cuốn "Côn trùng ký" nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng thử tưởng tượng, nếu bố mẹ của Jean Henri sợ bẩn, họ bắt con trai dừng quan sát kiểu như "Đừng nằm trên mặt đất, khiếp quá", có lẽ sẽ không có nhà văn cũng như "Côn trùng ký".
Khi trẻ được nghịch bẩn thoải mái thì các giác quan của trẻ cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tay trẻ được sờ thử nhiều loại chất liệu, mùi thơm của không khí sẽ kích thích khứu giác của trẻ phát triển.
Sự đa dạng của thế giới xung quanh cũng giúp thị giác của trẻ phát triển. Vậy nên, cho dù cảm thấy e ngại trước việc nghịch bẩn của trẻ, bố mẹ cũng nên cho con ra ngoài chơi nhiều hơn. Lấm bẩn sẽ không là vấn đề gì nếu trẻ học được nhiều điều mới lạ.
Các chuyên gia ở Bắc Mỹ đã nghiên cứu sự sáng tạo trong nhiều năm và chỉ ra sự sáng tạo đến từ sự tò mò và tâm lý ham chơi. Những trò chơi có vẻ "bẩn thỉu", chẳng hạn như viết nguệch ngoạc, bôi bẩn trên giấy vẽ, nhảy trên bùn cát nhớp nháp hay tháo tung những loại đồ chơi khác nhau... đều thể hiện sự tò mò, muốn khám phá của trẻ.
Yêu thích sạch sẽ là đúng, nhưng nếu bố mẹ phá hủy khả năng sáng tạo của con mình vì mục đích sạch sẽ, thì điều đó không hề có lợi.
Nghịch bẩn chính là một trò vui của trẻ con và việc ấy rất tốt cho sự phát triển cả cơ thể và tâm hồn của trẻ. Ảnh minh họa
Nghịch bẩn còn mang lại một số lợi ích khác cho trẻ
Chơi bẩn tốt giúp trẻ hạnh phúc
Có những loại vi khuẩn tự nhiên trong đất kích hoạt các tế bào thần kinh sản xuất ra serotonin - chất quan trọng trong nhiều chức năng cơ thể, cũng là chất tự nhiên có khả năng chống trầm cảm. Nói cách khác, nghịch bẩn có thể giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc.
Nghịch bẩn cũng rất tốt cho hệ thống miễn dịch, đặc biệt ở trẻ em
Các nhà khoa học cho rằng tiếp xúc sớm với thiên nhiên, các vi khuẩn trong đất sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh tốt hơn.
Có một hội chứng là rối loạn do thiếu tiếp xúc với thiên nhiên. Trong thế hệ công nghệ ngày nay, trẻ em không có đủ thời gian vui chơi ngoài trời và việc này có liên quan tới hội chứng giảm chú ý, dễ trầm cảm và béo phì.
Những em bé vui chơi ngoài trời cười nhiều hơn, điều này có nghĩa là huyết áp và mức độ stress của trẻ thấp hơn.
Trẻ em chơi ngoài trời phát triển tốt các tính cách
Trẻ trở nên tò mò, ưa mạo hiểm và tự biết tạo động lực cho bản thân, cũng như có khả năng hiểu và chấp nhận thử thách cao hơn.
Theo GĐXH