Cộng đồng người Việt ở Berlin và sự mở rộng đoàn kết Đông – TâyHiện nay, trong bối cảnh một đất nước thống nhất, mà chúng ta nói về Việt kiều Đông – Tây nghe như chẳng mấy hợp thời.

Thế nhưng, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải nhìn nhận và đối diện với một thực tế khách quan, rằng quả thật có nhiều điều còn rất khác nhau cần phân tách, đánh giá chính xác để giúp những người có trách nhiệm có được những chủ trương, chính sách cộng đồng thích hợp và hiệu quả, nhất là trong thời điểm hiện nay, trong khí thế cả nước đang tưng bừng đi vào Lễ hội một ngàn năm Thăng Long.

Cũng một vấn đề tương tự như thế, một sự thật được nhìn nhận trong người dân Đức rằng, hiện nay có một số người dân Tây Berlin, và thậm chí một số không ít người dân Đức, có ý kiến cho rằng thành phố cần phải xây lại cái bức tường đã được phá vỡ từ năm 1989, bởi họ đã thất vọng quá nhiều về cuộc sống kinh tế ngày càng khó khăn, kể từ lúc Berlin và cả nước Đức hoan hỷ trong men say thống nhất, hòa bình mà không phải tốn một viên đạn nào từ cả hai phía!

Nước Đức đã thống nhất hơn 20 năm, cái bức tường mà Cộng hòa Dân chủ Đức đã xây vội vàng trong một đêm tháng 8 năm 1961, tuy nó đã mất đi nhưng hầu như vẫn còn hiện diện trong đầu dân họ một cách kiên cố, sự phân biệt Đông - Tây qua cách nói người Đông (Ossis) phân biệt với người Tây (Wessis) như là một sự chế giễu mỉa mai để khẳng định cái thực tại này.

Đây là một thực tế khách quan mà những người có trách nhiệm trong xã hội Đức không ai mong muốn, vì vậy thông qua nhiều biện pháp chính trị, xã hội và kinh tế, những người này ra sức phá vỡ cái bức tường vô hình càng ngày càng dày hơn, to hơn và cao hơn trong đầu của một số người dân. Nhưng nhìn chung mọi người đều phải nhìn nhận rằng, sự thống nhất nước Đức đã mở ra cho người dân nhiều hạnh phúc mới, đó là hòa bình, ổn định chính trị và sự phát triển tự do cá nhân trong khuôn khổ tiến bộ và văn minh toàn xã hội. Sự thịnh vượng và an ninh của khối Âu Châu nói riêng và toàn thế giới nói chung có được những nền tảng lâu bền và vững chắc hơn.

Kể từ lúc bức tường Berlin sụp đổ và sự tan rã của khối Đông Âu, mối liên hệ giữa người Việt Đông – Tây Berlin đã có được nhiều điều kiện thuận lợi mới, dễ dàng gặp gỡ giao lưu hơn ngày xưa, sự hiểu biết nhau cũng càng ngày càng được tăng lên, vòng tay bạn hữu càng ngày càng mở rộng. Người miền Nam hiểu người miền Bắc hơn, người Hà Nội hiểu người Sài Gòn hơn, một số những thành kiến cũ của đôi bên ngày càng bớt đi và sự thống nhất Việt Nam, với cái nhìn như vậy, cũng đã hình thành ngay trên chính nước Đức thống nhất.

Phân tích sâu hơn một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra được nhiều thành phần với hoàn cảnh khác nhau của Việt kiều Đông – Tây Berlin. Đại đa số người Việt ở bên Đông có nguồn gốc là những người ra đi trong chương trình hợp tác lao động cũ giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Đức mà bên này người ta gọi là nước Đông Đức (DDR: Deutsche Demokratische Republik) để phân biệt với nước Cộng hòa Liên bang Đức là Tây Đức (BRD: Bundesrepublik Deutschland).

Đại đa số những người này ở lại sau ngày thống nhất, tiếp tục làm ăn và sinh hoạt trong hoàn cảnh mới, cố gắng tìm nhiều con đường để hợp thức hoá sự ở lại Berlin, như lấy vợ, lấy chồng người có quốc tịch Đức, sinh con nhỏ để được diện “ăn ở theo“. Tìm công ăn việc làm mới để có thu nhập chính thức ổn định, tạo thêm điều kiện tốt trong sự hợp thức hóa giấy tờ lưu trú.

Một số lớn không đủ điều kiện ở lại thì có nhiều con đường để chọn, một là về nước, hai là ở lại trong tình trạng “sống chui“ bất hợp pháp, thứ ba là nộp đơn xin tỵ nạn chính trị và cách cuối cùng là trốn qua một nước thứ ba để chờ đợi một thời cơ và vận hội mới. Còn một cách thứ năm nữa được một thiểu số nhỏ không đáng kể áp dụng thành công, đó là khai mắc bệnh nan y hay một loại bệnh gì đó và chứng minh được rằng khi về Việt Nam sẽ không có khả năng trị liệu, nhà nước Đức xét cho ở lại vì lý do nhân đạo. Ngoài ra chắc cũng còn có thêm vài cách nào nữa đó mà chính tôi chưa được biết.

Cộng đồng người Việt ở Berlin và sự mở rộng đoàn kết Đông – Tây_0   Một mùa thu hoạch của người Việt tại Đức

Sau này lại xuất hiện thêm một lớp người Việt mới sang, cả bên Đông lẫn bên Tây, đó là những người đi theo diện lấy vợ, lấy chồng, đi theo diện con nuôi hay con lai, đi theo con đường xuyên rừng từ Nga hay Tiệp, đi du lịch rồi ở lại, đi du học, vân vân và vân vân.

Cái khó khăn của người Việt bên Đông là nhiều người không được đào tạo nghề nghiệp đúng theo nhu cầu xã hội hiện đại, thiếu khả năng chuyên môn vững chắc, hầu thích hợp với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động tự do của nước Đức thống nhất, sự không thông thạo nói tiếng xứ người là một cản trở vô cùng to lớn khi hòa nhập vào xã hội mới. Những khó khăn này đã đưa một thiểu số người vào con đường làm ăn phi pháp dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo ra nhiều tiếng xấu và mâu thuẫn trong cộng đồng người Việt và xã hội người Đức.

Xã hội người Việt phía bên Tây Berlin cũng có nhiều thành phần và hoàn cảnh khác nhau. Đại đa số ra đi từ miền Nam, ngay từ trước những năm 60 hay 70 đã có nhiều thanh niên ra đi theo con đường du học tại Tây Đức. Sau ngày thống nhất đất nước Việt Nam, nhất là từ năm 1979 trở đi, nhiều người đến Đức chính thức hay bán chính thức, là thuyền nhân hay theo diện dựng vợ gả chồng. Đa số những người này ra đi trong hoàn cảnh đất nước đầy bất ổn về nhiều mặt, không mấy vui vẻ, nếu không nói là trong mất mát và nước mắt.

Hầu hết người Việt bên Tây có giấy tờ cư trú hợp pháp và một cuộc sống ổn định, vì được chính quyền Tây Đức lúc ấy, trong bối cảnh đang đấu tranh chính trị với Đông Đức, hết sức giúp đỡ như tìm công ăn việc làm, đóng tiền bảo hiểm bệnh tật, thuê nhà cho ở, cho tiền sắm sửa cuộc sống lúc ban đầu và cho tiền hằng tháng để sống, tổ chức những lớp dạy tiếng Đức, cũng như tạo cơ hội để hòa nhập vào xã hội.

Có thể nói đó là thời kỳ vàng son của những người đến nước Tây Đức thuở ấy, người Việt ta như đã cặp được vào bến bờ một miền đất hứa, được bước chân lên một thiên đường nơi hạ giới. Bây giờ so với ngày ấy, sự giúp đỡ hôm nay đã không còn như xưa nữa, vì cái mục đích nhằm đấu tranh chính trị giữa hai nước Đức đã không còn và cũng bởi nước Đức đã nghèo đi vì nhiều lẽ, như phải gánh vác và xây dựng một giang sơn to lớn đồ sộ mới, cõng theo trên lưng một người em Đông Đức cũ què quặt rách nát về kinh tế với hơn 17 triệu miệng ăn, gánh vác và xây dựng một khối Âu Châu thống nhất trong vai trò đàn anh vì có thực lực mạnh về kinh tế, cộng thêm với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu làm nền kinh tế của Đức xấu đi một cách nghiêm trọng. Riêng tại thủ đô Berlin, theo thống kê hiện nay có đến hơn 20% dân chúng thuộc diện nhà nghèo, có nghĩa là tiền hằng tháng họ thu nhập vào không quá 742 euro để chi tiêu mọi việc cho cuộc sống như tiền nhà (khoảng 250 euro), điện nước (khoảng 60 euro), ăn mặc và giải trí hay sách báo (250 euro), di chuyển (khoảng 30 euro), thuốc men và vân vân, mà trong số thành phần thuộc diện nghèo ấy người ngoại quốc chiếm đến 75%.

Thời kỳ vàng son đã qua đó cũng chính là con dao hai lưỡi, một mặt nó giúp cho người Việt có được một cuộc sống êm đềm không phải bon chen lúc ban đầu, mặt khác nó làm cho ý chí phấn đấu để vươn lên tốt hơn bị trì trệ. Thời ấy ít ai, nhất là những người trong lứa tuổi trung niên, nghĩ rằng mình phải đi học một cái nghề gì đấy để bảo đảm cuộc sống lâu dài sau này, kết quả là ngày nay, khi thời vàng son đã qua đi, người Việt lớn tuổi bên Tây Berlin chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội là chính, mà số tiền ấy càng ngày càng bị cắt giảm nặng nề.

Trong thế hệ người Việt bên Tây đi trước năm 1975 theo diện du học thì hiện nay đa số có nghề nghiệp và kiến thức tốt, xây dựng được một cuộc sống vững vàng và tự lập trong xã hội, hầu hết đã trở thành công dân Đức, con cháu của họ cũng theo chân bố mẹ, tiếp tục học hành và hòa nhập tốt vào xã hội xứ người. 

Về quan điểm chính trị, lớp người này đã chia thành hai phe rõ rệt: phe ủng hộ Việt Nam Cộng hòa và phe phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, hai bên trong thời nóng bỏng ấy cũng đã có những xung đột và bạo hành nhất định, bên này chụp mũ bên kia là phản quốc, bên kia chụp mũ bên này là cộng sản, vân vân và vân vân. Sự cọ sát nóng bỏng và đôi lúc nguy hiểm ấy ngày nay đã bớt đi nhiều, vì chính sách mở cửa của Việt Nam đã tạo cơ hội cho nhiều người về thăm đất nước, gần gũi lại với quê nhà và người thân, hiểu thực tế đất nước rõ hơn và nhìn được những nỗ lực của những người có trách nhiệm trong nước.

Có một điều mà lịch sử phong trào người Việt hải ngoại sau này nên ghi để tránh ngộ nhận là không phải những người Việt ở Tây Berlin thời ấy xuống đường phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là những người cộng sản, vì đại đa số thật sự là những thanh niên và thanh nữ thời ấy còn rất trẻ, đang độ tuổi mười chín đôi mươi, với lòng nhiệt huyết yêu nước không vụ lợi hay bè phái, đau lòng trước cảnh đất nát nhà tan trên quê hương, họ không đặt nặng lý tưởng về chính trị mà chỉ ước ao được đấu tranh thành công cho một đất nước thống nhất hoà bình.

Đó là những người trí thức trẻ, sống ngay trên quê hương Các-Mác (Karl Max, 1818-1883), tương đối thông thạo ngôn ngữ Đức, đa số là thành viên của các tổ chức sinh viên và người Việt yêu nước, có tham gia tìm hiểu trong nội bộ về chủ nghĩa xã hội cũng như các nguyên tắc căn bản của kinh tế chính trị Mác-Lênin, một số sinh viên triết học và kinh tế cùng nhau mày mò đọc và nghiền ngẫm bộ sách Tư bản luận (Das Kapital) nguyên bản dày cộm do chính ông tổ lý thuyết cộng sản là Các-Mác viết ra, họ càng hiểu hơn ai hết đó là những điều có trong lý tưởng và mong ước tốt đẹp của loài người, và chính từ đó mà nhận ra được rằng ít ai có đủ khả năng và điều kiện để trở thành người cộng sản!

Rồi cũng chính những người thanh niên và thanh nữ ấy, những người đã một thời hăng say biểu tình đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam, cũng đã vận động được dân chúng xuống đường, đòi Trung Quốc ngừng sự đe dọa tranh chấp tại biên giới phía Bắc Việt Nam, lần cuối cùng rầm rộ với hơn mười ngàn người Đức vào năm 1979 ngay giữa thành phố Tây Berlin, với khẩu hiệu “Đừng đụng đến Việt Nam!“ (tiếng Đức: Hände weg von Vietnam!).

Những cuộc vận động biểu tình đông đảo như vậy sau này không thể thực hiện được, vì trong nước lúc ấy đang là thời kỳ kiệt quệ và bất ổn về mọi mặt, đang ồ ạt với làn sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi, đôi lúc với hoàn cảnh thảm thương, đã làm hình ảnh Việt Nam bị lu mờ và mất sức thuyết phục, phong trào yêu nước của Việt kiều bên Tây Berlin mất phương hướng và lòng tin vào đất nước, đi dần đến chỗ bế tắc, mệt mỏi rồi tan rã. Sự khủng hoảng ấy, cho đến ngày nay vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến cuộc sống và tâm lý của không chỉ những người Việt ở Tây Berlin, mà còn của phong trào yêu nước trên nước Đức và toàn thế giới.

Trong khi Việt kiều bên Đông dễ dàng đi vào tổ chức, vào hội đoàn, vào hoạt động cộng đồng thông qua sự đóng góp tích cực của Đại sứ quán với sự hoạt động bền bỉ và năng động của Ban Công tác Cộng đồng, thì người Việt bên Tây không hề chú trọng đến những hoạt động cộng đồng như thế, ngoài cái lý do vì sự khủng hoảng niềm tin và tổ chức như tôi đã viết ở trên, còn có những lẽ sau đây. Thứ nhất là đa số họ đi làm việc trong xí nghiệp Đức, bị ràng buộc vào giờ giấc hành chính, thì giờ ít ỏi còn lại cuối tuần hay ngày nghỉ thì ưu tiên dành cho gia đình, sắp xếp việc nhà, chợ búa, giặt giũ hay đi thăm con cháu hoặc bạn bè, thư giãn qua những giải trí thoải mái tự do khác thay vì phải bị ràng buộc vào hoạt động của hội đoàn nào đó. Thứ hai là họ không có cơ hội hoặc không muốn hay chưa muốn gần gũi với những tổ chức của Đại sứ quán vì lý do này hay lý do nọ. Thứ ba là họ chưa thấy được những tác động tích cực mà những sinh hoạt cộng đồng có thể mang tới cho cuộc sống của họ. Thứ tư là cái bức tường Đông - Tây Berlin, đang còn nằm trong đầu dân Đức, hình như cũng còn ngự trị đâu đó trong đầu một số người Việt  ở bên Tây.

Nhiều lý do nêu trên thì người Việt bên Đông ít mắc phải, vì đa số họ không làm trong xí nghiệp Đức mà làm ăn buôn bán lẻ như mở tiệm quần áo, tiệm neo (nails), mở quán ăn, tiệm cắt và uốn tóc, tiệm bán đồ khô hay lương thực phẩm, dịch vụ du lịch hay buôn bán vé máy bay, vân vân. Những người bên Đông Berlin thường tụ họp làm ăn cùng nhau trong những khu chợ như Đồng Xuân hay Thái Bình Dương, từ sáng cho tới tận 20 giờ đêm, từ thứ hai cho đến hết ngày chủ nhật. Cuộc sống hầu như chung đụng với nhau suốt ngày, một người có tin gì đặc biệt thì hầu như “cả làng“ đều biết, trong ý nghĩa tích cực và cả tiêu cực của nó, người bên Đông vì thế rất dễ giao lưu với nhau, dễ sinh hoạt chung, Ban Công tác Cộng đồng dễ dàng tổ chức, giúp đỡ và quản lý. Trong một thời gian ngắn mà bên Đông bao nhiêu hội đoàn đã ra đời, hầu như người nào cũng có được “sân chơi“, nào là hội phụ nữ, hội thơ, hội đá banh, hội bóng bàn, hội nhiếp ảnh, hội người Hà Nội, hội cựu chiến binh, vân vân và vân vân.

Nhưng cũng vì “tụ đàn“ với nhau nhiều quá như thế mà đa số người Việt bên Đông không còn thấy sự cần thiết của thế giới bên ngoài, họ không quan tâm nhiều đến xã hội và con người Đức, cả ngôn ngữ Đức cũng không quan trọng trong đời sống cho mấy. Bù lại, như tôi đã viết, người Việt bên Đông dễ dàng đến với tổ chức, nắm bắt nhanh chóng được thông tin và chủ trương mới của nhà nước liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với người bên Tây, trong thực tế một số chủ trương thoáng mở và một số biện pháp hay quyết tâm của nhà nước cũng đã gây được sự quan tâm, như quyền sở hữu nhà đất, luật đầu tư, quyết định về cấp giấy miễn thị thực, những tiến bộ của hải quan tại các sân bay, chủ trương tích cực trong vấn đề trọng dụng chất xám Việt kiều, tin tức về sự ra đời của làng khoa học và công nghệ Việt kiều, làn sóng đông đảo người Việt đã về làm ăn thành công trong nước, những bàn luận khá lý thú hãy còn dở dang chưa có quyết định cuối cùng chung quanh việc tạo cơ hội cho Việt kiều trở thành viên chức nhà nước hay được tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị bên nhà, và những biện pháp đấu tranh quyết liệt chống và bài trừ tham nhũng, quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính quyền, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thành phố và lối sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, quyết tâm bài trừ nạn “tiến sỹ giấy“ và “bằng cấp giả“ nhằm bảo vệ giá trị đích thực của các học vị chân chính ở trong và ngoài nước, tiêu diệt nạn bè phái, quyết tâm bảo vệ đất nước cả vùng biển, vùng đất và vùng trời, phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trong những tình huống Việt kiều về nước bị bọn côn đồ vô học đánh đập và làm nhục cũng như trong việc các phụ nữ Việt Nam bị nạn khi đi làm dâu ở xứ người, vân vân và vân vân.

Thế nhưng những quan tâm này cũng dừng lại ở một mức độ nào đó rồi thôi, họ trở về trong trạng thái hy vọng pha lẫn với nhiều nỗi lo lắng, ưu tư, vì trong quá khứ những người bên Tây đã chứng kiến nhiều biến đổi bất ngờ trong quá trình “bung rồi bóp“, “mở rồi khép“ của nhiều chủ trương và chính sách.

Những sự bất ổn ấy trong quá khứ đã làm người bên Tây Berlin càng trăn trở hơn với mơ ước và hy vọng rằng đất nước Việt Nam, hiện nay đang ra sức hội nhập vào cộng đồng tiến bộ thế giới, trong khí thế ngàn năm Thăng Long, sẽ mạnh dạn chuyển mình và quyết liệt tiến tới những chuyển biến đột phá, đạt đến ngưỡng cửa dân chủ văn minh ngang tầm thời đại trong những lãnh vực hết sức quan trọng của một đất nước như  pháp luật, chính trị, thông tin ngôn luận, xây dựng nhà nước pháp quyền, sự công bằng và đồng thuận xã hội, tạo tiền đề căn bản để chủ trương, nghị quyết hay chính sách Việt kiều của nhà nước đến gần người Việt ở bên Tây với hiệu quả tốt đẹp tự nhiên, bền vững và lâu dài, chứ không như hiện nay, chỉ có thể đến được với một số người đang ở bên Đông.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC