20080905 02 04Gom góp 20 năm thương nhớ quê nhà, nữ họa sỹ Việt kiều Đức - Phạm Thị Đoàn Thanh đã đem những nỗi niềm đó vào tranh. Khoảng 50 bức tranh về đề tài miền núi phía bắc Việt Nam của chị sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội vào tháng 10/2008.

Cô gái Hà thành mê miền sơn cước

Năm 1968, bức tranh đầu tiên của cô gái Hà Nội khi mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam là bức Nữ dân quân tập bắn (chủ thể bức tranh là các cô dân quân miền núi phía Bắc). Lập tức, bức tranh này đã lọt vào “mắt xanh” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh khắc gỗ này được Bảo tàng mua với giá tương đương 1 chỉ vàng.

Đó là cái giá tương đối cao so với thời bấy giờ, bằng mấy tháng lương của công chức nhà nước. Bức thứ hai là Trẻ em tập vẽ, cũng là tranh khắc gỗ vẽ về các em bé miền núi ngồi tập vẽ dưới tán cọ. Bức này cũng được Bảo tàng mua. Rồi các bức vẽ sau này được một số tạp chí chọn cho trang bìa như Tạp chí Văn hóa nghệ thuật tháng 11/1977.

Lúc đó, đề tài miền núi chưa được mấy người quan tâm. Thế nhưng đối với cô gái trẻ Phạm Thị Đoàn Thanh, đó là miền đất của nghệ thuật, rất phù hợp với tranh lụa, sở trường của chị sau này. Và chị đã gắn bó sự nghiệp của mình với mảnh đất này. Các bức vẽ của chị cứ lần lượt ra đời với các chủ đề xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt và cảnh đẹp của miền núi phía Bắc, ngay cả khi chị đã chuyển sang Đức sinh sống.

Thời còn là họa sỹ cho báo Đại Đoàn Kết, hầu như năm nào chị cũng xin nghỉ 1 tháng để lên miền núi phía Bắc “ba cùng” với đồng bào để có thể có chất liệu cho các sáng tác của mình. Chị kể: “Suốt một tháng ở với đồng bào dân tộc, họ ăn gì mình ăn nấy. Chính những khoảng thời gian như vậy đã giúp tôi bắt được cái hồn của họ”.

Khi đã sang Đức định cư, thỉnh thoảng vợ chồng chị lại về Việt Nam, lên Tây Bắc ăn ở với đồng bào, dù thời gian có ít hơn, để lấy chất liệu sáng tác.

Vì thế có thể nói, tranh của chị  thật và gần gũi. Sở dĩ, chị có thể tiếp tục con đường nghệ thuật gian khổ này là nhờ có những người bạn Đức và sau này là chồng của chị, một kỹ sư người Đức. Năm 1989 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời họa sỹ Đoàn Thanh khi chị chấp nhận từ bỏ nghề vẽ để đi xuất khẩu lao động. Một cô gái Hà thành dù chưa hề quen chân lấm tay bùn, nhưng rất chịu thương chịu khó để một mình nuôi con trong muôn vàn khó khăn về vật chất.

Được cử làm đội trưởng đội thợ Việt Nam tại một nhà máy dệt ở Đông Đức, nhưng hầu như chị không phải làm việc cực nhọc vì người giám đốc nhà máy sớm phát hiện được năng khiếu hội họa của chị. Không những không phải làm việc cực nhọc, chị lại còn được ông giám đốc trích tiền của nhà máy mua màu vẽ cho chị.

Sau khi sang Đức được một năm chị đã được tổ chức một triển lãm tranh tại Berlin. Có lẽ, người Đức đã biết tới chị qua hai triển lãm trước đây của chị vào năm 1976 và 1981 khi chị là đại diện của Việt Nam tham dự.

Từ yêu tranh, đến yêu người, chàng kỹ sư Erich năm nào giờ đã trở thành người chồng rất chăm lo cho vợ. Anh đảm nhiệm mọi công việc lớn của người đàn ông để Đoàn Thanh chú tâm vào nghệ thuật. Rồi anh cũng chính là người động viên, cổ vũ chị trong bước đường nghệ thuật.

Anh sưu tầm các tài liệu tranh của nhiều họa sỹ nổi tiếng trên thế giới qua Internet để chị tiếp cận với nghệ thuật thế giới và hiện đại. Mỗi chuyến trở về Việt Nam lấy chất liệu sáng tác, anh lại cần mẫn cùng chị đi khắp nơi và cũng yêu Việt Nam như quê hương mình. Rất tiếc, thời gian này, Erich đang bận rộn với dự án xe điện ngầm ở London, nên không thể về cùng Đoàn Thanh dự triển lãm của chị.

Làm bạn bè thế giới háo hức đến Việt Nam

Đây là lần đầu tiên, những bức tranh của chị được trưng bày tại quê nhà sau 20 năm xa xứ. Trước đó, những bức tranh này đã từng được triển lãm tại một lâu đài cổ ở Berlin năm 2007, nơi chỉ dành để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các họa sỹ có tiếng ở nước ngoài.

Xem tranh Đoàn Thanh, nhiều người Đức muốn tới Việt Nam để được tận mắt xem miền núi phía Bắc Việt Nam đẹp thế nào mà người họa sỹ này đã mang tới cho họ. Xem tranh Đoàn Thanh, một nhà tạo mẫu người Đức đã thốt lên: “Bộ trang phục dân tộc của Việt Nam sao mà mốt thế, đẹp thế”. Ấy là khi họ xem bức tranh cô gái Thái vận trang phục dân tộc.

Họa sỹ Đoàn Thanh, tâm sự: “Tôi chỉ đơn giản nghĩ mình làm hết những gì có thể cho nghệ thuật và cho quê hương. Vì trong nghệ thuật, chẳng gì bằng xem tranh, hiểu người. Tôi vẽ với mong muốn đem cái đẹp của Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế”.

Bức ảnh cô gái dân tộc có đôi lông mày xếch không ngờ được người nước ngoài rất thích. Nhiều tờ báo nước ngoài ca ngợi bức tranh này. Và còn gì vui hơn khi các bức vẽ của chị được trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học, nơi có nhiều du khách nước ngoài tới xem.

Lan Anh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC