Hành trình tủi nhục đến “miền đất hứa” - kỳ 3Biên giới Ba Lan mà đoàn vượt biên không thể đi qua Thế rồi chúng tôi cũng chui qua được hàng rào vào đất Ba Lan. Khi chúng tôi đi sâu vào địa phận nước này được một lúc thì bị lính biên phòng phát hiện và bắt giữ.
Họ giải chúng tôi trở về Ukraina. Chúng tôi bị giam giữ tại trại giam của lính biên phòng Ukraina... Chúng tôi bị đưa đi lăn tay, chụp ảnh rồi bị hỏi cung: Lý do nhập cư? Đi bằng đường nào? Nhập cư như thế nào? Sau khi từng người bị hỏi cung xong, chúng tôi bị giải xuống trại giam.

Nằm trong nhà tù Ukraina, tôi thấy trên tường có rất nhiều tên người Việt Nam. Họ để lại dấu tích khi bị bắt vào trại tù này. Tới bữa ăn tôi nhận được một mẩu bánh mì đen rất khó nuốt trôi.

Tôi bị giam khoảng 3 tuần thì được trả tự do. Có một chủ đường dây đến đón chúng tôi về. Nhưng không phải ốp cũ nữa mà của ốp khác. Họ đã chuộc chúng tôi ra với giá bao nhiêu tôi không biết.

Bà chủ đường dây mới có tên là T.B bắt mỗi người chúng tôi phải gọi điện về nhà ở Việt Nam bảo nộp thêm 1.000 USD nữa. Mọi người đều không muốn đóng nữa vì theo hợp đồng ở nhà là đã đóng trọn gói trước khi đi.

Chúng hoạnh họe từng người một bắt ra gọi điện về gia đình để đóng tiền. Tôi còn nhớ có một anh không đóng tiền và nói với gia đình là mình vẫn mạnh khỏe, thế là bị chúng đập đầu vào tường, đánh cho túi bụi, mặt mũi sưng húp thật đáng sợ.

Thời gian chậm chạp trôi qua, tôi lại phải một lần nữa vượt biên. Chủ đường dây cho biết kỳ này chúng tôi phải đi đường khác, phải vượt qua biên giới Slovakia vì đường Ba Lan đã bị kẹt.

Đêm hôm đó, chúng tôi đang lầm lũi vượt qua biên giới thì bất chợt đèn pha bật sáng rõ cả một khu rừng. Lính hô chúng tôi nằm úp mặt xuống đất. Tất cả đều làm theo riêng cô H. 56 tuổi, do quá sợ hãi đã vùng dậy chạy nên bị lính biên phòng bắn vào chân. Sau này tôi nghe nói cô đã về Việt Nam vì không đủ can đảm đi tiếp nữa.

Tôi còn nhớ hôm bị bắt đúng vào 27 Tết, tất cả chúng tôi trông ai cũng đều suy sụp và nhớ nhà khủng khiếp. Riêng tôi chỉ mong được quay về nhà, về với vòng tay của mẹ và mái ấm gia đình. Trong tôi không còn một chút hy vọng nào vào tương lai nữa.

Hai tháng tù mà tôi cứ ngỡ 20 năm không được ăn no mặc ấm. Trời lạnh, hai bàn tay buốt cóng, vậy mà mỗi sáng sớm tất cả nhóm nam giới phải lên rừng cưa cây thông gánh về trại tù. Tới bữa chỉ được ăn một mẩu bánh mì đen và miếng bơ nhỏ, mỗi lần ăn là nước mắt lại chảy nhưng vẫn cố nuốt để tồn tại cho qua ngày.

Tôi còn nhớ mỗi khi bị bắt, chúng tôi đều khai tên họ, ngày tháng năm sinh giả để họ không thể điều tra ra. Vì chúng tôi đã bị bắt nhiều lần, nên khi điểm danh có người không biết họ đọc tên mình nữa vì không nhớ nổi tên giả mình tự khai trong hồ sơ.

Hơn hai tháng sau, chúng tôi lại được một đường dây chuộc ra. Lần này chúng tôi về thủ đô Kiev, nằm đó cho qua mùa tuyết rơi. Đến một ngày nắng ấm 8 người chúng tôi được “xuất kho” đợt đầu tiên. Chúng tôi được chuyển lên biên giới, nằm tại đó 5 ngày rồi vượt rừng để đến Slovakia.

Lần vượt rừng này anh em chúng tôi đều đuối sức không thể đi nhanh như những lần trước. Không biết bằng sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua nổi những ngọn núi cao, lội qua được những dòng suối sâu và trơn. Thế rồi chúng tôi cũng đến được hàng rào dây kẽm gai giữa Ukraina và Slovakia.

Khi sang đến Slovakia chúng tôi ở lại 3 ngày, sau đó vượt biên giới sang Séc. Đến thủ đô Praha, chúng tôi được đưa về một căn hộ. Nhóm tôi là nhóm đầu tiên đến đây.

Họ thông báo rằng, chúng tôi may mắn đến được đây, chứ tất cả số người còn lại bị kẹt ở Ukraina không thể qua biên giới được nữa vì tình hình rất căng thẳng. Những lời an ủi đó làm chúng tôi rất mừng vì đã đi thoát và cũng rất lo cho những người còn kẹt lại.

Bọn tôi ở lại đây một tuần chuẩn bị lên đường vượt sang “miền đất hứa” mà chúng tôi muốn đến. ở đây, chúng tôi được điện thoại về nhà, ba mẹ rất vui mừng vì tôi đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Chủ đường dây hỏi chúng tôi muốn qua biên giới bằng cách đi bộ hay đi ô tô. Nếu đi ô tô thì phải nộp thêm 300 USD nữa. Tôi và các anh chị trong đoàn đồng ý nộp thêm tiền vì đã quá mệt và sợ không an toàn tính mạng.

Thế nhưng, rút cục chúng tôi vẫn bị lừa vì đến biên giới làm gì có ô tô. Chúng tôi phải chui lủi vượt rừng để sang Đức. Cuối cùng chúng tôi cũng được đưa tới Berlin.

Mấy anh em bị nhốt vào một ngôi nhà cũ nát bỏ không. Bọn dẫn đường bắt tôi gọi điện cho người nhà tôi ở Berlin đến nhận “quà” từ Việt Nam. Khi người nhà tôi đến chúng bắt nộp 100 euro tiền nhà trọ và tiền điện thoại.

Thế là sau gần 10 tháng cuối cùng tôi cũng đã đến nơi mà mình mong đợi. Từ một sinh viên trẻ khỏe, nặng gần 55kg khi đến nơi tôi chỉ còn chưa được 45kg, mặt hốc hác, quần áo rách rưới.

Và khi được ăn bữa cơm tử tế đầu tiên sau 10 tháng đói khát, tôi đã ăn nghiến ngấu và đầy bản năng giống như những người sắp chết đói của năm 45 thế kỷ trước.

Nhưng có lẽ, điều thất vọng nhất khi ngồi viết lên những dòng tâm sự này là, đến nay tôi vẫn không có việc làm, cuộc sống hoàn toàn nhờ vào sự cưu mang của người nhà.


Vũ Việt tâm sự: Em muốn đem câu chuyện về cuộc đời mình kể lại cho tất cả những người có ý định ra đi biết và hiểu, trên đời này làm gì có miền đất nào bằng quê hương, có mái ấm nào bằng gia đình và chả có nơi nào không phải bỏ sức lao động ra mà tiền lại chạy vào túi mình cả.

Qua câu chuyện này em muốn nhắn gửi tới những người đang có ý định ra đi tìm miền đất hứa như em hãy suy nghĩ thật kỹ và lựa chọn cho mình một con đường đến tương lai khác. Thực tế phũ phàng và hoàn toàn không giống như những gì em nghĩ khi còn ở quê nhà.

Trả lời câu hỏi: “Em không ngại khi câu chuyện này được đăng tải lên báo chí?”, Việt đáp: Mọi sự sợ hãi em đều trải qua, nhiều người cũng đã trải qua như em, nhưng họ không dám kể vì những lý do khác nhau, có lẽ họ không muốn gia đình ở nhà lo lắng hay sợ bị phiền hà hoặc bị trả thù nên tất cả đều im lặng. Sự im lặng này dẫn tới hậu quả những người đi sau bị lừa gạt.



Theo TPO.


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC