Những ước mơ sẽ thành sự thật?Mải mê với đồng tiền bát gạo cái cộng đồng người Việt Nam tại Ðức vốn đã nhỏ nhoi và mỏng manh ấy lại quên đi cái vốn „văn hóa dân tộc“ của mình. Họ đã quên rằng cái mất lớn nhất của một con người là đánh mất „dân tộc tính“ trong mình. Họ quên họ là ai, từ đâu đến và văn hóa của là gì? Họ không yêu chính mình và đương nhiên con cái của họ cũng không thể yêu những bậc sinh thành ra chúng. Ðương nhiên những lý do rất buồn ấy đã làm cho cái không khí sống của cộng đồng người Việt nhạt nhẽo và hời hợt.
Từ nhiều năm nay số lượng người Việt nam sinh sống và làm ăn tại Cộng hòa liên bang Ðức đã dần dần ổn định do những chính sách cởi mở và nhân đạo của chính phủ Ðức dành cho họ.Việc cư trú tại nước Ðức cũng phần nào được nới lỏng nhờ những chính sách mới đối với người ngoại quốc. Trong số đó rất nhiều người Việt Nam đã được định cư lâu dài. Họ yên tâm làm việc và chăm lo tới cuộc sống riêng của mình.

Trong hàng ngàn người Việt nam đó có một số ít người đã ăn nên làm ra nhờ vào việc mở nhà hàng, buôn bán nhỏ, hoặc liên doanh với trong nước mở những trung tâm giao dịch buôn bán các mặt hàng xuất khẩu.

Nhưng không phải tất cả đều xuôn xẻo. Khi cầm trong tay giấy phép lưu trú thì hầu hết mọi người mới hiểu rằng trước mắt họ còn rất nhiều khó khăn để hội nhập vào cuộc sống trên nước người. Ðại đa số người Việt Nam trên nước Ðức đi làm thuê trong hãng xưởng và nhà hàng với đủ các loại nghề. Từ nghề lau chùi dọn dẹp ở khách sạn tới rửa bát trong nhà hàng, tiệm ăn. May mắn cho một số ít người nào đó được làm trong những hãng Ðức lớn có đồng lương ổn định. Nhưng đa số vẫn buông ra những câu thở dài “Cũng lam lũ và vất vả lắm“. Thật đúng như vậy cuộc sống ở đâu cũng vậy đều phải làm việc…và làm việc. Nhưng ở nơi đây ngoài những giờ phút làm việc ở công sở, nhà hàng, tiệm ăn thì họ chỉ còn biết chui vào căn nhà của mình và âm thầm „hưởng thụ“ trong bốn bức tường trống lạnh.

Cuộc sống của người Việt là vậy. Cũng thật dễ hiểu vì họ đâu có phải sống cho riêng họ đâu. Ngoài những lo toan thường ngày như tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền bảo hiểm vv…là những lo toan cho người thân nơi quê nhà. Khi nghe tin một người thân ở quê hương ốm đau bệnh tật thì không nhiều thì ít mỗi gia đình nho nhỏ ấy lại „viện trợ về nhà“.

Với một thống kê nho nhỏ ngay tại vùng München thì có tới 80% người Việt nói: „Thực sự chúng tôi chưa bao giờ được hưởng thụ theo đúng nghĩa một chút nào cả“. Ðó là chưa nói nhiều người còn phải đi làm thêm để kiếm tiền chi trả cho những phụ phí bị „lủng“ hàng tháng. Cuộc sống cứ trôi đi như thế cho đến khi họ cảm nhận ra sự „vô nghĩa“ đang đeo đuổi mình thì đã muộn.

Nhiều bậc cha mẹ còn ngán ngẩm than thở vì sự cô đơn do sự vô cảm của con cái mang đến. Không ít ra đình con cái của họ không biết nói tiếng Việt và hàng ngày chúng tránh xa những người đã sinh ra chúng bằng những cử chỉ và thái độ hững hờ. Có nhiều người than thở “Con tôi chẳng bao giờ đi chơi với bố mẹ. Chúng nó lẩn tránh những cuộc vui mà người Việt tổ chức và đó là chưa nói chúng vùi mình vào các trò chơi trên Computer năm, bảy tiếng đồng hồ mỗi ngày“.

Mải mê với đồng tiền bát gạo cái cộng đồng người Việt Nam tại Ðức vốn đã nhỏ nhoi và mỏng manh ấy lại quên đi cái vốn „văn hóa dân tộc“ của mình. Họ đã quên rằng cái mất lớn nhất của một con người là đánh mất „dân tộc tính“ trong mình. Họ quên họ là ai, từ đâu đến và văn hóa của là gì? Họ không yêu chính mình và đương nhiên con cái của họ cũng không thể yêu những bậc sinh thành ra chúng. Ðương nhiên những lý do rất buồn ấy đã làm cho cái không khí sống của cộng đồng người Việt nhạt nhẽo và hời hợt.

Không ít những nhà tổ chức văn nghệ than thở rằng „Tổ chức một đêm văn nghệ cho người Việt thật khó“ bởi vì “...họ rất thiếu trách nhiệm và tính cộng đồng rất thấp“. Một nhạc sĩ, nghệ sĩ nói: „Tôi rất muốn tham gia biểu diễn đóng góp cho cộng đồng nhưng thật buồn khi thấy thái độ thiếu văn hóa và thiếu tinh thần xây dựng“. Sau một đêm tổ chức tết hoặc liên hoan vv...thật buồn là những người tổ chức ra nó lại là những người đi dọn những „hậu quả“ của cuộc vui.

Những ước mơ không thành sự thật bắt đầu từ đó. Ai cũng có những mơ ước và đã là giấc mơ thì người nào cũng có những giấc mơ đẹp và mong muốn nó biến thành sự thật. Nhưng khi người ta không số có trách nhiệm với chính bản thân mình thì làm sao có thể gặt hái thành quả tốt được. Ai cũng muốn có được cuộc sống hạnh phúc, công ăn việc làm đàng hoàng nhưng lại không muốn đóng góp xây dựng nơi mình đang ở. Thật nghịch lý khi phải lý giải những ấu trĩ ấy. Nhưng cũng thật dễ hiểu bởi cái „tính ăn đong“ ở trong con người Việt vẫn còn.

Sống ở một đất nước văn minh như nước Ðức không phải người Việt nào cũng thay đổi được „cái tôi“ hẹp hòi vốn có.

Một gia đình theo đạo Tin lành và cứ mỗi buổi chiều Chủ Nhật đều đi lễ tại nhà thờ thế nhưng khi nhà chức trách tới kiểm tra và đòi gia đình đó đóng tiền Tivi hàng tháng thì ông bố sai con khóa trái cửa để „lậu được cái gì hay cái ấy“. Chúa dạy họ nói dối ư? Không! Chúa không dạy thế! Chính họ quên ngay lời Chúa dạy trước khi bước khỏi nhà thờ và cũng chính họ quên trách nhiệm với cuộc sống.

Một bà mẹ suốt ngày trì triết quát tháo đứa con mới tròn ba tuổi và luôn buông ra những câu rất „chợ trời“ với người chồng của mình. Thật khó nghe những ngôn từ chợ búa và thiếu văn hóa ấy trong bữa cơm gia đình. Chưa nói đến chuyện hai vợ chồng bàn bạc đến một việc lớn hơn thì nó sẽ khủng khiếp như thế nào.

Nhiều người phụ nữ Việt nam nơi hải ngoại đã hiểu sai về sự „bình đẳng“, „tự do“, „dân chủ“ trong khuôn khổ gia đình. Không thể „tay bo cãi vã chồng“ và „nói chồng như hát hay“ theo kiểu „hàng tôm hàng cá“ mà bảo là bình đẳng được. Chúng ta còn lễ nghĩa và đạo làm người của dân tộc Việt mà nhất là người phụ nữ Việt Nam phải có cái nét đẹp đáng kính trọng đó. Ðó là tính tôn trọng và thùy mị nết na với cha mẹ, chồng, con.

[img]http://www.tintucvietduc.de/uploads/img445d264795e6b.jpg" border="0" alt="Những ước mơ sẽ thành sự thật?" title="Những ước mơ sẽ thành sự thật?" align="center" style="margin-right: 10px; margin-bottom: 10px;" />

Có người nói: „Cứ đến các Wohnheim của người Việt Nam ở phía Ðông Ðức thì sẽ biết những nét đẹp của người Việt“. Câu nói có ý mỉa mai ấy cũng không có gì quá tả cả. Chỉ cần chúng ta tới thăm bạn bè ở Berlin, Leipzig, Plauen, Dresden....thì cái thói „ăn thì ở sổi“ rõ ràng tới mức nào. Ðó là chưa nói tới „làng Vũ Ðại – Zwickau“ mà nhiều người gọi tên với tâm trạng buồn bã.

Cái thói quen buông thả, vô trách nhiệm với chính mình và cộng đồng đã làm họ mất đi cái sức mạnh tiềm tàng vốn có ở người Việt Nam đó là sự chăm chỉ và thông minh. Nước Ðức những năm gần đây trong xu thế hội nhập vào cộng đồng chung châu Âu gặp không ít khó khăn. Nhiều hãng xưởng vừa và nhỏ phá sản do không bán được hàng. Công ăn việc làm đối với người Ðức còn không có huống hồ đối với người ngoại quốc. Người Việt Nam vừa nhỏ bé vừa yếu ớt thì làm sao có thể chen chân vào những hãng xưởng lớn. Họ chỉ còn tìm đến các ông chủ tiệm ăn và làm các công việc mà người bản xứ không làm. Nhưng than ôi quán xá cũng „nguội lắm mình ơi“ thì tìm việc làm ở đâu. Với vốn tiếng Ðức ít ỏi và quen thói ăn sổi từ lâu lúc này những người ấy mới ngán ngẩm và tìm hướng „về“.Thế là ước mơ được sống và tiến lên trong thế giới văn minh thay bằng ý chí thụt lùi có ngụy biện. „Tôi về tìm cửa làm ăn ở nơi quê nhà !“ Sự ngụy biện yếu đuối và nhạt nhẽo.

Không lẽ cả đời người cứ thấy khó khăn một chút là đầu hàng ngay ư? Không lẽ nếu làm ăn tốt bên này thì không làm được ở nhà ư? Không phải như thế, chẳng qua đó là thứ ngụy biện để trốn tránh trách nhiệm với cuộc sống hiện tại.

Người ta nhìn lại cách đây hơn 50 năm của nước Ðức. Những thước phim tài liệu còn ghi lại cảnh đổ nát hoang tàn từ những làng mạc tới các thành phố lớn của nước Ðức. Những người dân Ðức chỉ ước mơ có một điều là đất nước họ mau chóng được xây dựng trở lại. Những ước mơ ấy được chắp thêm đôi cánh là lòng yêu nước vô bờ bến và họ đã chiến thắng. Một nước Ðức của ngày hôm nay có được là nhờ vào tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường mà người ta thường ca ngợi như một thứ „dân tộc tính“ đáng nể của „Người Germany“.

Năm nay nước Ðức không có mùa hè. Người ta bảo như thế và nước Ðức sẽ còn phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa. Nhưng người dân Ðức vẫn bình thản đối mặt với nhưng khó khăn ấy và họ tin rằng mọi sự tốt lành sẽ tới. Họ vẫn ước mơ và họ sẽ đưa những bước ước mơ đó thành sự thật. Quả bóng tròn của giải Word Cup sẽ lăn trên khắp các sân cỏ nước Ðức. Nước Ðức sẽ vào cuộc!

Những người Việt Nam nghĩ sao? Những giấc mơ đẹp và đáng chân trọng không lẽ đánh mất ư? Không lẽ ở một đất nước văn minh vào bậc nhất thế giới này mà mỗi con người Việt Nam chúng ta không thể thay đổi được cách sống và cách nghĩ của mình? Không lẽ trong từng gia đình không hiểu rằng nếu một ngày nào đó ta đánh mất chính ta thì cuộc sống sẽ vô nghĩa như thế nào?...

Những ước mơ không thành sự thật nếu chẳng ai chịu tự trả lời những câu hỏi đã và đang đặt ra. Những ước mơ ấy sẽ trở thành hão huyền với một con người, một nhóm người và cao hơn là cả một dân tộc nếu như sự suy nghĩ và hành động như người Việt hải ngoại hiên nay.

Người ta nói „Những ước mơ sẽ thành sự thật!“
Chúng ta cũng nghĩ thế?

Trần Minh Hòa
Tập san văn hóa Hoa Sen Trắng
www.hoasentrang.de
Cộng Hòa Liên bang Ðức
15-08-2005


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC