Tôi tưởng mình đã thoát khỏi cái công việc xú uế ấy nhưng không! Ở Đức, khi tinh giản biên chế, hết việc tôi lại phải muối mặt nhờ vả. Xin mãi mới được vào đội vệ sinh ở trời Tây và lại phải... dọn hố xí.

Bi hài một lần nữa lại xảy ra...

Đội lao động người Việt Nam do tôi quản lí giải tán.

Sau khi đưa đội trở về Việt Nam, ở lại nghỉ ngơi với gia đình 8 ngày, rồi bay ngược về Đức, quay lại nhà máy.  Phó giám đốc nhà máy điện tử tên là Rosanski, cũng là bạn khá thân, gọi tôi tới và nói:

“Công nghệ Đông Đức lạc hậu rồi, sản phẩm giá cao quá chỉ bán được cho vài nước.  Tình hình này buộc nhà máy chỉ còn lại một nửa lao động. Đội lao động do anh quản lý đã về nước rồi, không cần đội trưởng nữa.

Nếu anh còn muốn làm việc ở đây thì có thể làm ở đội vệ sinh không?“. 

Còn biết làm gì nữa? Ở Đức, ngay cả làm vệ sinh công nghiệp cũng phải học ở trường hai năm, như thế tức là anh bạn này ưu tiên mình quá rồi. Vả lại, muốn kiếm ngoại tệ mạnh và đi xem thế giới ra sao, tôi phải có tiền.  Tôi chìa bàn tay ra, đáp lời không cần suy nghĩ: “Rô này, tớ từng đào hầm, đánh nhau chai hết cả tay, từng là công nhân phụ hồ sau chiến tranh, vôi ăn rộp mất cả vân tay.

Việc gì tớ cũng làm được“. Rosanski cười: “Ok. Vậy mai anh đến đội vệ sinh nhận việc“.  

Bi hài chuyện dọn hố xí ở trời Tây - 0 Được bạn giao việc cho, tôi hài lòng hết sức (Ảnh: ST)

Ngay ngày hôm sau, tôi có quyết định chính thức về đội vệ sinh nhà máy. Giấy ghi rõ, bãi nhiệm chức đội trưởng đội Việt Nam, mức lương giảm một nửa so với khi tôi là đội trưởng, 600 D.m. Đội vệ sinh có 24 người.

Chúng tôi chia ra, cứ ba người một tổ, phụ trách từng khu nhỏ, tẩy hóa chất sạch sẽ như lau như li tất cả các tòa nhà, công xưởng của nhà máy.  Buổi đầu, tổ của tôi đi dọn cái phòng ăn mênh mông. Phải chất hết ghế lên bàn, quét bụi và đánh bóng sàn gỗ rộng 500 mét vuông để kịp 5 giờ 30 đón công nhân vào ăn.

Cái máy đánh bóng sàn kiểu bàn xoay, thớt đánh bóng to bằng cái mâm, dầy khoảng 20 phân, rất nặng, giữa cái mâm là cái cần điều khiển.  Tay tổ trưởng cao lớn rất ít nói, chỉ tôi sơ sài các nút bấm, hãm và lia máy rồi bảo: “Làm đi“. Tôi cầm lấy cần, vừa bấm điện, cái thớt lập tức quay, chuyển động trượt tít trên mặt sàn gỗ, tạo ra một lực li tâm hất tôi ngã văng. 

Hai thằng Đức trong tổ tôi như biết trước điều đó, bật cười hô hố. Thì ra, phải biết cách điều khiển để không mất thăng bằng. Không thể để họ coi thường, tôi lồm cồm bò dậy và nắm lấy tay điều khiển. Bấm nhẹ nút khởi động rồi tắt ngay.

Thì ra nó như con thuyền, phải biết thuận theo chiều quay chứ không thể dùng sức tay, tôi nhận ra ngay điều ấy. Tôi tập điều khiển cái máy khỉ gió ấy trong hai đến ba giờ, vã hết mồ hôi, để rồi sau đó, nó bị tôi thuần phục, nhịp nhàng ngoan ngoãn đánh bóng hết 500 mét vuông sàn gỗ. Ngày thứ hai, tôi điều khiển nó như múa ba lê trước con mắt thán phục của tay tổ trưởng biệt danh Elefant (con voi). 

Mọi việc cứ trôi đi. Tôi học cách lau kính với cái dụng cụ như gạt nước và miếng da mềm chứ không phải là giẻ lau. Việc ấy cũng phải mất dăm ngày sao cho kính trong suốt, không vết ố hay vệt nước. Lại học cách quét nhà bằng cái chổi đẩy chứ không phải chổi gắn đầy lông hóa học như ta.

Tất cả đều phải học... Tôi sợ nhất là việc hót bụi dưới các tấm thảm trải chân đặt trước các cửa ra vào. Hơn hai trăm tấm như thế rải rác khắp nơi. Thứ bụi bé li ti rơi ra từ đế giày, nếu bám vào tay, vào người sẽ chui qua các lỗ chân lông làm da mẩn đỏ lên và ngứa suốt ngày. 

 

Bi hài chuyện dọn hố xí ở trời Tây - 1 Tôi lọ mọ học đủ cách làm mọi thứ cùng hai thằng tây cao to (Ảnh: ST)

Cả việc tẩy các phòng, kho chứa hóa chất cũng chán lắm. Dù đã đeo mặt nạ và quần áo bảo hộ, tắm rửa sạch, dầu hóa chất vẫn làm tôi bứt dứt và ngứa đỏ cả “vùng kín“. Những công việc ấy tụi “ma cũ“ bắt tôi làm, trong khi chúng ở ngoài lau cửa kính và làm các việc không phải tiếp xúc với trăm ngàn thứ hóa chất độc hại.

Tôi đã rất cố gắng để học hỏi hai tay người Đức cùng tổ. Tay “Con voi“ trông cao to, dữ tợn nhưng lại rất tốt bụng. Khi bắt đầu có cảm tình với “anh đội trưởng cũ“ người Việt nhỏ bé, hắn chỉ bảo tôi tận tình hơn và khi thấy tôi mệt là xách hộ xô, đồ, máy móc.  Còn một thằng nhỏ hơn, có bên mắt trái bị hỏng vì chơi bóng thì có thái độ kỳ thị người nước ngoài ra mặt. Thằng bé ấy vừa học xong lớp công nhân rồi vào tổ của tôi.

Mấy ngày đầu, nó chuyên bắt bẻ và cố tình làm cái xô đựng nước bẩn bắn vào mặt tôi, rồi cười khoái chí.  Một lần, nó còn dám gọi tôi với cái tên phân biệt: “Đồ Pít–Chi, đi lấy cà phê!“. Tôi nhịn và nghĩ: “Chỉ cần mày ở nơi nào vắng, tao sẽ cho mày biết tay“. 

Lần ấy, tổ trưởng sai hai thằng lên tầng 6 lau quét hành lang bị mưa tuyết hắt ướt. Vừa vào thang máy, tôi ép sát nó vào trong, quát lên: “Ai là đồ Pít-Chi?“. Nó đẩy tôi ra. Lập tức tôi ra đòn tay cận chiến, nắm vai, ép sát cườm tay chặn ngang cổ họng hắn. 

Cái xương quai xanh bị bàn tay luyện tập quá nhiều của tôi móc bấm làm hắn đau và tức thở nhăn mặt. Hắn co chân định thúc phản công. Tôi lập tức dùng đầu gối đánh hai nhát khá mạnh vào bắp đùi trong của hắn. Cú đánh ấy sẽ làm tê liệt đùi trên. 

Tôi lại gằn giọng: “Mày bảo ai là Pít–Chi?“. Thằng nhóc chỉ hơn tôi năm bẩy cân bị đòn bất ngờ, nhũn người ra, quỵ xuống. Thang máy dừng, cửa mở, tôi sốc lại áo, không quên nói: “Tao mà đánh mày một nhát, thì mày mãi mãi thành thằng đàn ông “vô dụng“.  Thằng “ma cũ“ sợ hãi nhìn tôi hỏi: “Mày biết kung-fu hả?“. Tôi cười với thằng nhóc mới 21 tuổi: “Tất nhiên. Tao đi lính 11 năm.

Ở quê tao ai cũng biết võ như Lý Tiểu Long“. Từ đó thằng nhóc ấy không bắt nạt tôi nữa.  Một ngày, chúng tôi phải hạ những lá cờ rách ở ban công của tòa nhà lớn, thay thế cờ mới. Công việc này phải đeo dây bảo hiểm. Tôi không hiểu sao “thằng chột“ ấy lại không đeo dây khi bước ra lan can. Tuyết bay và rất trơn.  Thằng bé bỗng trượt một cái và rơi người ra ngoài.

Tay hắn túm lấy cột cờ. Rắc, cái cột sắt lâu ngày chợt gãy cong xuống, đưa người hắn vào không trung. Hắn kêu lên và chới với. Từ đó rơi xuống đất khoảng 4-5 mét, nguy hiểm làm sao.  Tôi từ trong nhao ra. Sàn gạch đầy tuyết và băng rất trơn. Tôi chỉ kịp nghĩ tới một mạng người, tay nắm cọc sắt kế bên và nhoài người ra, tay kia nắm lấy bả vai hắn kéo vào.

Hắn nặng hơn tôi sáu bảy cân, trời lại rất lạnh, nên khi gắng sức kéo hắn lên, bàn tay tôi như rách ra.  Tôi nhăn mặt, nín khí, cố hết sức kéo và cuối cùng cũng đưa được hắn trở lại nơi an toàn. Thằng bé ngồi bệt xuống nóc ban công tới mấy phút mới hoàn hồn.

Sau đó, hắn ôm choàng lấy tôi, vỗ vỗ vào vai: “Mày là đồng nghiệp tốt“.  “Tiên sư mày“ - tôi chửi hắn bằng tiếng Việt – “Tao gấp đôi tuổi mày, bằng bố mày rồi đấy nhé“. “Mày nói gì đấy?“, hắn giương đôi mắt hỏi. “Không“, tôi cười, hắn cũng cười. Sau vụ ấy, tôi được coi như người anh hùng của tổ vệ sinh nhà máy.  Không còn chuyện đẩy việc khó hay nguy hiểm cho tôi nữa. Chúng tôi phụ trách cả khu năm tầng của phân xưởng gắn chíp toàn nữ. Tôi phải vệ sinh tám phòng mỗi tầng, đeo găng tay gom giấy vệ sinh lại, cho vào các túi lớn. 

Ở đâu cũng vậy, gian vệ sinh của công nhân nữ đều rất bẩn và bừa bãi. Một lần vừa làm xong, tay xách xô đựng các lọ hóa chất tẩy hố xí, khử mùi và túi rác đựng đầy băng vệ sinh bẩn thỉu ra tới cửa, tôi gặp cô thư kí giám đốc đi vào.

Becna là một thiếu nữ rất xinh đẹp, mắt xanh, tóc vàng óng, dáng mảnh mai thanh thoát với đôi môi hồng và làn da mịn trắng như tuyết. Hai năm làm việc ở nhà máy đủ để chúng tôi quen nhau.

Có dịp dự tiệc Lễ quốc khánh Đức, Becna còn mời tôi nhẩy vì khi đó chức đội trưởng trong nhà máy rất được trọng vọng. “Ô. Thọ đấy hả?“, cô trợn tròn đôi mắt xanh nhìn tôi. “Vâng, tao đây“, tôi nói. “Tao tưởng mày chết rồi“.

Đó là một câu nói đầy hàm ý vì đội lao động người Việt giải tán, chẳng ai nghĩ tôi ở lại làm công nhân vệ sinh.   

Bi hài chuyện dọn hố xí ở trời Tây - 2 Gặp lại Becna, tôi vừa xấu hổ vừa ngượng ngùng (Ảnh: ST)

Becna vẫn ái ngại nhìn tôi: “Sao mày lại làm việc này, mày là kĩ sư kinh tế cơ mà?“. Tôi nhún vai: “Tao muốn ở lại và việc nào chả là công việc“. Becna lại nhìn xuống túi nilon lớn đầy rác rưởi và băng vệ sinh bẩn thỉu trên tay tôi. Đến lượt cô nhún vai.

Tôi chào cô gái xinh đẹp rồi bước đi chầm chậm. Thực ra khi ấy, tôi muốn chạy thật nhanh khỏi cái nhà máy này, thoát nhanh khỏi khu vệ sinh buồn nôn với những miếng băng bẩn thỉu. Tôi bước xuống cầu thang và chạy.  Xuống tới mặt đất, tôi ngồi sụp xuống và rút thuốc ra châm. Tuyết rơi trắng xóa trên mặt đất lạnh tới âm 15 độ C mà người tôi nóng ran.

Không thể khóc được. Con người ta ở hoàn cảnh nào cũng buộc phải sống và đấu tranh để tồn tại. Mối quan hệ với đồng loại dù khác biệt màu da sắc tộc và ý nghĩ, vẫn có thể cảm hóa bằng sự chân thành. Và những hoàn cảnh trớ trêu như thế có thể làm tổn thương tới tận cùng lòng tự ái, làm con người ta dễ tủi thân, nhất là khi ở những vị trí cao trượt xuống đáy xã hội. 

Nhưng, lòng tự trọng của một con người đâu phải là sự tự ái. Mục đích sống và thái độ với công việc, với con người thì dù ở vị trí nào anh vẫn là anh, tôi vẫn là tôi. Nghĩ như thế, tôi đứng dậy, rũ nỗi buồn và sải những bước chân chắc nịch đạp trên tuyết trắng, nghe rõ tiếng sồn sột, tiến tới ngôi nhà của tổ vệ sinh nhà máy. Đó là kỉ niệm lần thứ hai dọn hố xí. Một công việc tưởng giản đơn mà không hề dễ dàng.

Phải học để thuần thục đôi tay và thuần thục sự thích nghi để giữ vững bài ca bất khuất trong tâm hồn một người Việt Nam nhỏ bé.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC