Đã có nhiều người bạn buôn bán thuốc lá lậu cùng tôi bị cảnh sát tóm. Có đêm tôi mơ thấy bị bắt mà toát cả mồ hôi nhưng ma lực của tiền vẫn hút tôi về phía nó.

Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất ra đời. Theo thỏa thuận bấy giờ giữa hai nhà nước (CHDC Đức và CHXHCN Việt Nam), những người lao động Việt Nam, dù nhà máy có giãn thợ hay phá sản, ai muốn vẫn được phép ở lại nước Đức, nếu họ tự tìm được việc làm và nhà ở. Và, tất nhiên, ai xin ở lại - những kẻ đi một bước cờ liều lĩnh ấy - không được nhận 3000 D.m, tiền đền bù của nước Đức.

Nhà thì không khó lắm, bởi khá nhiều nhà máy có người Đức nhân ái, tử tế giúp người Việt có nhà. Còn kiếm tiền? Phải tự tạo ra thôi! Chúng tôi, những kẻ hôm qua còn cùng một đội, nay tan tác khắp nơi, hầu hết đổ ra hè phố, trở thành kẻ buôn bán lang thang. Phải chấp nhận như thế, để sống, để tồn tại trong nước Đức mới.

Như đàn chim di cư lênh đênh trên mặt sóng - nói như kiểu nhà văn Đỗ Chu - chúng tôi suốt ngày trên đường phố. Ngày ngày tôi đi lấy quần áo, băng, bật lửa, những đồ là lạ từ Thổ, từ Tây Đức về bán trên các nẻo chợ quanh vùng phụ cận Berlin. Chúng tôi chọn bán hàng ở tất cả những nơi có đông người qua lại. Đặt bàn gỗ xuống, căng ô ra, bán hàng từ sớm tinh mơ tới khi tối mịt. Bốn mùa kể cả khi nắng rát, lúc băng giá, buốt cứng đôi chân. 

Bấy giờ, sau đổi tiền, đa số người phía đông Đức tự dưng có trong tài khoản một lượng tiền D.m lớn. Nước Đức thống nhất, hệ thống thương mại bán lẻ phía Đông lạc hậu cũng dần tan rã. Sự đổ vỡ tất yếu này, ít nhiều tạo ra một lỗ thủng bất ngờ, cung cầu mất cân đối. Hàng hóa ở phía Tây tràn ngập, phía Đông hàng hóa ít ỏi và đơn điệu. Vì thế, chính đội ngũ lao động thất nghiệp người Việt vô tình trở thành lực lượng bán lẻ linh hoạt, “trám“ vào cái lỗ thủng đó. 

Chúng tôi bán băng đĩa, đồ lặt vặt như bật lửa lạ, đồng hồ điện tử; những thứ mà ngày xưa ở Đông Đức chỉ bầy bán trong các shop, nơi trả ngoại tệ kèm hộ chiếu nước ngoài. Việc buôn bán của tôi rất thuận lợi. Buôn một lãi một. Tức là tỉ xuất bán lẻ cho lãi ròng 100 %. Ai cũng như vậy, những kẻ làm thuê nghèo rớt năm xưa chỉ sau dăm tháng đã có những sấp tiền D.m thơm mùi phương Tây. 

Giới buôn bán thuốc lá lậu và ký ức buồn của những người Việt tha hương - 0 Đội ngũ lao động thất nghiệp người Việt vô tình trở thành lực lượng bán lẻ đồ lặt vặt, nào băng đĩa, bật lửa lạ hay đồng hồ điện tử (ảnh minh họa)

Nhưng cũng bấy giờ, chúng tôi sống ở tâm trạng đầy lo âu, rằng có thể bị đuổi về quê nhà bất cứ lúc nào. Bởi giấy phép cư trú do Sở ngoại kiều Đức cấp cho tụi tôi vẫn chỉ có thời hạn, gọi là loại visa tạm. Nó giá trị chỉ hai năm. Điều ấy luôn ám ảnh người Việt ở phía Đông và tâm lí sợ hãi nơm nớp ấy giục những kẻ tha hương phải tìm các loại hàng hóa mang lại lợi nhuận cao nhất, kiếm tiền nhanh nhất để phòng bị.

Ở khu vực bến tầu, nhà ga bấy giờ quan sát kỹ sẽ thấy bên phía Tây Berlin có vài anh Italia và vài anh da đen bán thuốc lá rất chạy. Tìm hiểu ra, chúng tôi biết được họ đang bán thuốc không tem - thuốc lá lậu. Một gói thuốc lá lậu, mua từ 1,7 tới 2 hoặc 2, 5 D.m, trong khi gói thuốc có tem bán công khai trong các cửa hàng giá 4 D.m. Thế là dân nghiện thuốc Đức xịn ở Đông Đức (khi ấy cũng thất nghiệp) bỗng trở thành khách hàng của đám bán thuốc không tem.

Một tháng, một gã Đức trung niên hút khoảng 30 gói thuốc, mỗi gói thuốc mua rẻ 1 D.m thì một tháng đã tiết kiệm được 30 D.m. Số tiền ấy đủ mua 40 chai bia hoặc 6 chai rượu trắng. Còn những người bán thuốc lá không tem, nếu bán ở các phiên chợ biên giới, từ 9 giờ sớm tới sẩm tối nườm nượp kẻ qua lại, mỗi ngày có thể bán lẻ từ 50, tới thậm chí tới 100 cây thuốc.

Một cây thuốc không tem bán lãi trung bình 10 D.m. Mười cây lãi 100 D.m và nếu bán 100 cây, lợi nhuận thu về tới 1000 D.m trong 1 ngày. Đổi ra Đô La Mỹ, những năm đầu thập kỉ 90, 1000 D.m ấy hẳn là một số tiền khổng lồ, nếu đem về quê hương.

Vậy là người Việt bổ sung vào đội quân bán thuốc lá lậu ấy. Nguồn mua ban đầu cũng rất lèo tèo, tụi tôi đón tầu từ Tiệp và Hung về, mua lại vài chục cây thuốc của đám buôn lậu, nhét vào xó xỉnh nào đó trên tầu, thậm chí dắt quanh bụng, trùm áo khoác lên. Rồi nguồn ấy cũng thưa dần vì cảnh sát và hải quan đặc biệt chống buôn lậu Đức bắt đầu ngăn chặn kiểm soát gay gắt. 

Vùng Berlin, nguồn hàng hóa chính là đón khách ở các ga tầu từ Ba Lan, Tiệp hay Nga về hoàn toàn bị chặn. Nhưng khi thế giới ngầm đã ngửi thấy mùi tiền trên bàn tay bán lẻ của những lao động người Việt nên “đầu vào“ thuốc lá lại trở nên dồi dào hơn. Thuốc lá lập tức được vận chuyển với khối lượng lớn, hàng vạn cây một chuyến, chứ không phải là vài chục cây lẻ tẻ theo chân mấy ông bạn Ba Lan, Tiệp, Hung, buôn bán cò con, lẩn như chạch trên những chuyến tàu nhanh xuyên qua biên giới tới Đức.  Thuốc từ cảng Hamburg về trong các container, từ các chiếc trực thăng  Mil Mi-6 đổ xuống doanh trại Nga, thuốc cũng từ những chiếc xe xuyên lục địa dài như toa tầu hỏa, giả vờ quá cảnh qua Đức, chờ một đêm bão gió, mưa hay tuyết ngang trời, bất ngờ đổ ụp xuống một cánh rừng Đức, để rồi vài chục cái xe Bus của người Việt bâu lại “ăn hàng“. 

Bán buôn thuốc lá là một công việc nguy hiểm. Nguy hiểm khi bị hải quan Đức săn đuổi. Nhưng nguy hiểm hơn là lớ ngớ gặp một nhóm vài tay lính Nga. Họ biết sắp về nước nên liều đánh chuyến cuối cùng bằng cả tiểu liên không kêu và những chiếc lưỡi lê sắc lạnh. Có vụ bạn bè tôi tham một mối hàng với giá mời chào khá rẻ, hứa hẹn lợi nhuận lớn nếu trót lọt, đã phải mất cả chì lẫn chài. 

Ngoài tiền là hàng vài trăm ngàn D.m hay USD, họ  còn bị trói và tống giẻ vào mồm, ngồi cả vài ngày trong mưa gió, giữa rừng thẳm. May mà số họ còn son, chưa chết mục xương trong khu rừng thông hay sồi khi gặp được những người Đức đi hái nấm, giải thoát cho.

Tôi chưa từng có trải nghiệm bán buôn nên quyết định đi theo một người bạn để mục sở thị. Theo kế hoạch là bạn tôi nhận hàng từ xe tải lớn. Chuyến đi trải nghiệm ấy thú vị đến hãi hùng. Khi xe vừa vào ăn hàng của xe tải xuyên quốc gia dài tới 20 mét, thì trực thăng Đức chở cảnh sát và lực lượng hải quan tinh nhuệ từ đâu bất ngờ ập đến. Các đèn ở nóc ô tô cảnh sát đồng loạt bật lên, để bãi nhận hàng trong khu rừng sáng bừng như ban ngày. 

Chuyến đi ấy tôi thoát hiểm nhờ tìm thấy một khe cạn. May mà hải quan Đức trong chuyến săn ấy, không mang theo chó nếu không họ đã tóm sống một kẻ viết có ý thức trót đi theo đám bán buôn, đang ngồi trong một hốc đất, trước mặt phủ đầy rễ phủ. Nguy hiểm. Cực kì nguy hiểm với nghề bán buôn là vậy.

Tuy không có kinh nghiệm của dân buôn lớn, nhưng trước khi chuyển nghề sang viết lách, tôi đã từng gia nhập đội quân bán lẻ thuốc lá. Quanh nơi tôi ở có chợ phiên thành phố và chợ phiên biên giới. Chúng tôi để các tải thuốc trong xe và trong các bụi cây quanh nơi bán. Kẻ đứng bán, người đưa thuốc để mỗi phiên chợ như thế có thể mang về tiền lời từ 500 đến 1000 D.m. Trong dăm tháng tiền vào như nước chảy. Thời gian đầu, ngay cả các cảnh sát nghiện thuốc cũng mua thuốc của tụi tôi. Nhưng thời gian trôi đi, những kẻ bán thuốc lá có tem thất thu nặng và đội quân chống buôn bán thuốc lá lẻ xuất hiện. 

Cảnh sát Đức không bắt ai thì thôi, chứ đã định bắt thì rất tài. Họ đóng giả người mua, ghi nhận các điểm bán, như trinh sát trước và tung quân mở các chiến dịch vây bắt. Tôi buôn bán quần áo, nhưng cũng không bỏ những phiên chợ có thể bán thuốc lá với tiền lời cao. Tôi bán thuốc như thế được nửa năm. Đã có nhiều người bạn buôn bán cùng tôi bị tóm. Song qua 17 lần vây giáp mà tôi vẫn thoát. Tuy vậy, nhiều lúc tôi cũng sợ. Có đêm tôi mơ thấy bị bắt mà toát cả mồ hôi. Bị bắt có nghĩa là bị ghi vào sổ đen của cảnh sát. Nhưng ma lực của tiền vẫn hút tôi về phía nó. 

Giới buôn bán thuốc lá lậu và ký ức buồn của những người Việt tha hương - 1 Ở đời có vay có trả, sau lần thoát nạn cuối cùng, sợ hãi, nhục nhã, tôi đã từ bỏ thế giới vàng, từ bỏ sự buôn bán với những món lợi khổng lồ (ảnh minh họa)

Cho tới một hôm, chẳng thể bất lực nhìn đám đông không biết đánh vần chữ sợ, cảnh sát mở đại chiến dịch truy quét. Gần trăm cảnh sát mặc thường phục tiến tới khu chợ biên giới. 20 người Việt và dăm người Thổ cùng bị bắt. Họ còng tay và xích những người này vào bước hàng rào B40 ngay đầu chợ. Vài người Đức tới phản đối: Không được làm nhục con người. Cảnh sát im lặng. Đám đông người Đức ồn ào phản đối như biểu tình trước viên chỉ huy hôm ấy, buộc cảnh sát sau đó phải bỏ kiểu xích người vào lưới hàng rào.

Tôi đã thoát cú quây bắt kinh hồn ấy bằng cái mũ có những sợi lông thú nhuộm vàng. Nhưng tận mắt chứng kiến cảnh đó, trong lòng tôi bỗng thấy nhói đau. Đứng bên kia đường nhìn sang, nắng vàng trưa ấy soi tỏ những bông hoa Forsythien vàng rực, từng đọt hoa chói chang đang xuyên qua băng tuyết mọc lên. Trời ơi nhục ơi là nhục! Sự đói khổ và nỗi đau nào dồn con người ta vào hoàn cảnh trớ trêu như thế. Những giọt nước mắt đắng cay chợt ứa ra trên suốt chặng đường tôi lái xe về nhà.

Phải xuyên qua tuyết như những đóa hoa kia. Tôi thức suốt đêm trằn trọc và từ ngày sau đó không còn bán thuốc lá nữa. Ngày nay, nghĩ lại những năm tháng ấy, tôi và những người bạn từng ở Đức đều nhớ đến cái duyên cớ để từ chối sự làm ăn phi pháp. Nhiều người Việt hôm nay hòa nhập ở Đức đã tôn trọng luật pháp Đức, làm ăn công khai và trở thành những doanh nhân có tiếng. Họ luôn ý thức rõ, dù gì cũng không thể làm ăn như những năm tháng lắm buồn vui đó.

Tôi biết có nhiều người ngày đó kiếm được không ít tiền từ việc buôn bán thuốc lá lậu. Nhưng không hiểu sao, theo năm tháng, số tiền ấy cứ tan theo mây khói. Mất mát và điêu đứng, bởi tiền nào kiếm được nhanh và dễ dàng thì ra đi cũng như vậy, nhất là những đồng tiền làm ăn phi pháp. Chỉ còn lại những đồng tiền sạch, buôn bán quần áo, hoa và quán ăn có nộp thuế đàng hoàng...

Tôi đã từ bỏ thế giới vàng, từ bỏ sự buôn bán với những món lợi khổng lồ như vậy đó. Cuộc sống đều có vay có trả, nếu nợ nhiều quá thì đến đời nào mới trả hết. Đúng như ông cha thường nói:  “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy/ Ăn cơm với cáy thì ngáy o o...“

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC