Độc đáo lễ hội làng Trường Lâm  Từ lâu, người dân khắp mọi miền đất nước đã biết đến lễ hội làng Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội) với màn múa "Giảo Long" (múa rắn) nổi tiếng nhưng ít ai biết cũng ở phường Việt Hưng này còn có lễ hội làng Trường Lâm độc đáo không kém.

Lễ hội Trường Lâm diễn ra từ ngày 24 đến 26-3 (mùng 9 đến 11 tháng Hai âm lịch) năm nay với ý nghĩa hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có nhiều điểm mới, hứa hẹn mang đến bữa tiệc văn hóa truyền thống đầu xuân hấp dẫn cho du khách gần xa.

Lưu giữ những giá trị văn hóa quý

Như nhiều lễ hội truyền thống, nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất của làng Trường Lâm là đình và chùa, nhưng có điểm khác là cụm di tích này có từ thời Lý và luôn được nhân dân trong vùng gìn giữ, phát huy bằng tấm lòng trân trọng, bằng cái tâm thành kính. Ông Âu Xuân Kiên, Trưởng Tiểu ban di tích Trường Lâm cho biết: Đình Trường Lâm thờ 3 vị Thành hoàng làng là Thánh Linh Lang Đại vương - Thượng đẳng phúc thần; Công chúa Đào Hoa (còn gọi là Thiên tiên Đào Anh phu nhân - Thượng đẳng thần) và Công chúa Phù Nương - Trung đẳng thần. Theo thần tích, Linh Lang là Hoàng tử Hoằng Chân, con Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đã có công đánh đuổi giặc Tống xâm lược (1076-1077), được dân gian coi là vị thần trấn giữ phía Tây Kinh thành Thăng Long, còn 2 vị công chúa đã có công dạy hát dân ca… Chùa Trường Lâm hay "Linh Quang tự", tương truyền có từ thời Lý, là nơi nhân dân thờ cúng Phật…

Đây là những công trình kiến trúc, tín ngưỡng văn hóa khá độc đáo vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đình có cảnh quan thoáng rộng, quy mô bề thế, gần quốc lộ 1 nên khá thuận tiện cho du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Tòa đại đình gồm năm gian, hai trái với bộ vì kèo bằng gỗ lim, cấu tạo theo kiểu "thượng giá chiêng chồng rường con nhị hạ kẻ". Hậu cung của đình còn ghi câu đối "Lý triều đế tử trấn quốc thị Hoằng Chân. Giang Nguyệt chiến công liệt oanh truyền thiên cổ" (nghĩa là Thái tử Hoằng Chân con vua Lý có công giữ nước. Chiến công sông Nguyệt oanh liệt truyền từ xưa tới nay)... Chùa Linh Quang được bố trí mặt bằng kiểu chữ Đinh, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như 14 đạo sắc của các triều đại từ Lê Cảnh Hưng đến thời Nguyễn, hai hoành phi gỗ sơn son thếp vàng… Nơi đây, vào sáng mùng Một Tết năm Mậu Tuất (18-2-1958), Bác Hồ đã về chúc Tết và động viên nhân dân Việt Hưng tích cực chống hạn, tăng gia sản xuất.

Trải qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, di tích đình, chùa Trường Lâm mặc dù đã được nhân dân nhiều lần tu sửa, chống đỡ nhưng vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo tồn di tích lịch sử cho muôn đời sau, năm 2009, quận Long Biên hỗ trợ gần 8 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo nhà tả vu, hữu vu, nhà tưởng niệm Bác Hồ, cổng đình Trường Lâm… Công trình văn hóa trọng điểm của quận Long Biên đến nay đã hoàn thành và được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội đề cao tinh thần trị thủy

Ông Nguyễn Danh Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Long Biên, Trưởng BTC lễ hội Trường Lâm cho hay: Lễ hội làng Trường Lâm năm 2010 đánh dấu nhiều sự kiện lớn nên được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Phần rước hội, rước nước, rước văn sẽ có sự tham gia của đoàn Bồng Lai - quê Thánh Mẫu thuộc huyện Quế Võ, đoàn Đình Bảng quê hương Lý bát đế, thuộc thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và một số địa phương liên quan. Phần hội sẽ có canh hát quan họ do các liền anh, liền chị Đoàn quan họ Bắc Ninh biểu diễn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác, như thi đấu cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền hơi, bóng bàn, thư pháp...

Ông Bùi Thế Quân, Phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên cho biết thêm: Trong số 269 nơi thờ Linh Lang Đại vương trên cả nước thì quận Long Biên có 13 nơi thờ, trong đó di tích đình Trường Lâm được cử làm Trưởng cụm thờ Linh Lang Đại vương trên địa bàn quận. Ông Quân cũng khẳng định: Nét độc đáo của lễ hội làng Trường Lâm so với các nơi khác là nghi thức múa "lột rắn", thực chất đó là hình thức diễn xướng ca ngợi công đức của Thánh Linh Lang. 15 thanh niên trong trang phục quần trắng, áo trắng viền vàng đóng rắn đi luồn trong cung, nằm cuộn trong kiệu bát cống vừa đi vừa xướng: "Bạch xà đại tướng, mình dài muôn trượng, đi khắp 4 phương, hộ quốc an dân, khang dân vật thịnh, trở về làng ta, là Trường Lâm sở, mở hội xướng ca, đình trung vui vẻ, chúc già mạnh khỏe, trẻ được bình an, con cháu thảo hiền, nhân dân thờ phụng…". Nhìn một cách tổng thể, những nghi lễ trong lễ hội Trường Lâm là sự đề cao tinh thần trị thủy của cư dân nông nghiệp.

Có thể khẳng định lễ hội Trường Lâm không chỉ là nghi thức tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với dân, với nước mà còn là hình thức giáo dục thế hệ trẻ biết phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo HNM.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC