ảnh bài Du lịch Việt ngang tầm khu vực: Bộ trưởng né trả lời - 0 Trước nhiều câu hỏi liên quan đến việc du lịch VN có ngang tầm khu vực được hay không, Bộ trưởng VHTT&DL không trả lời thẳng.

Cụ thể, trong báo cáo về việc thực hiện lời hứa hậu chất vấn gửi đến Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trả lời câu hỏi “năm 2020, du lịch Việt Nam có ngang tầm được khu vực không?”, nhưng không đi vào trực tiếp nội dung câu hỏi.

Bộ trưởng cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Với câu hỏi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra là đến bao giờ ngành du lịch Việt Nam bằng được Thái Lan, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không giải đáp trong báo cáo thực hiện nghị quyết chất vấn nhưng có thể hiểu, cũng đến mốc năm 2020, khi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm của ngành sẽ đủ sức cạnh tranh.

Du lịch Việt ngang tầm khu vực: Bộ trưởng né trả lời - 1

Ngành du lịch mới chỉ chú ý đến báo cáo số liệu thống kê

Được biết, đây cũng là 2 câu hỏi, các ĐBQH cũng như đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại phiên chất vấn hơn 2 năm trước (kỳ họp thứ 5 – tháng 6/2013).

Thế nhưng, qua 3 kỳ quốc hội câu hỏi này vẫn chưa được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra câu trả lời chính xác, tất cả đều là những thông tin tránh trả lời trực tiếp.

Thay vào đó, luôn là những báo cáo về con số, thành tích, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khoe thành tích năm 2015, trong năm chúng ta đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% vào GDP cả nước.

Mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế đề ra cho năm 2015 thì thực tế là hết năm 2013 chỉ tiêu này đã đạt. Những con số này khiến Bộ trưởng lạc quan nhận định ngành Du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020, về đích trước từ 3 đến 4 năm.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra báo cáo này cho rằng, báo cáo mới thống kê tổng lượng khách du lịch năm 2013, 2014 theo xu hướng tăng mà chưa nêu rõ những thách thức mà ngành du lịch đã và đang phải đối mặt trong thời gian tới.

Như kết cấu hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ dẫn tới khả năng tiếp cận các điểm du lịch còn bị hạn chế, đặc biệt là vùng cao vùng sâu. Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc, đồng bộ và liên kết.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch còn thiếu, hoạt động khai thác du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ trong mùa du lịch cao điểm chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, ngân sách để quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, đặc biệt là so với các nước trong khu vực; kinh phí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều từ nguồn lực xã hội.

Trước đó, ngày 29/5, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn từng đưa ra nhận định các báo cáo thống kê du lịch vẫn nặng về thành tích. Đây là tình trạng khá phổ biến về tình hình các con số trong  các bản báo cáo về du lịch.

Đã đến lúc cần phải có một cách thức, một phương thức tiếp cận và cách thức triển khai thực hiện để tiến tới được thống kê, có được kết quả đánh giá tương đối xác thực về số lượng khách quốc tế, khách nội địa, chi tiêu của mỗi loại khách, tổng thu từ khách du lịch và các chi tiêu khác.

Để thấy, ngành du lịch vẫn đang chú trọng đến thành tích, số lượng nhiều hơn là các biện pháp chất lượng, dài hơi.

Châu An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC