"Nơi đảo xa": Bài hát khẳng định chủ quyền biển đảo

Nhạc sĩ Thế Song

 

Có những nhạc sĩ mà tên tuổi và hình ảnh khắc sâu trong tâm trí hàng chục triệu người qua nhiều thế hệ bởi ca khúc của họ có sức lay động con tim, mãi mãi đi cùng năm tháng. Thế Song là một trong những nhạc sĩ như thế. 

Với ca khúc “Nơi đảo xa”, ông đã được thính giả mến mộ vinh danh là “nhạc sĩ của biển đảo” và bài hát đó là “đảo ca”. Nhạc sĩ Thế Song xứng đáng được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với loạt bài hát về biển đảo.

Trong những ngày này, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn ngang ngược hạ đặt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người ta thường nghe thấy những giai điệu da diết của ca khúc “Nơi đảo xa”. Bài hát vang lên trên sàn diễn, trong xưởng thợ, trên chốt biên phòng, trên tàu Cảnh sát biển, trên boong tàu kiểm ngư, trên giảng đường và trở thành nhạc chờ của cả triệu thuê bao. Bất cứ nơi nào, ở đâu dường như đều nghe thấy ngân vang tha thiết:

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua”…

Càng lay động hơn khi lời ca của lính biển đảo hướng về đất liền:

“Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới

Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai

Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui

Đây con tàu ra khơi, đây con tàu xa khơi”…

Trong thời điểm cả nước đang hừng hực khí thế bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, ca khúc “Nơi đảo xa” vang lên như một lời khẳng định hùng hồn: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam! Đồng thời khơi dậy và lan truyền tình yêu quê hương đất nước.

Nhạc sĩ Thế Song (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Song) người gốc Hà Nội. Ông sinh năm 1933 tại làng An Trạch (nay là phố An Trạch, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Thế Song là một nhạc sĩ tài ba, ông sáng tác đa thể loại, nhưng dấu ấn đọng lại trong cuộc đời ông nhất vẫn là những ca khúc viết về biển đảo. Ngoài ca khúc “Nơi đảo xa” ông còn có rất nhiều tác phẩm viết về biển đảo như: “Mênh mang Trường Sa”, “Hoa hồng biển đảo”, “Sóng ru”, “Ngôi nhà lính đảo” … 

Tôi có cơ duyên gắn bó với ông từ khi còn rất nhỏ. Ông là người yêu và sau đó là chồng chị gái tôi. Ông có dáng người tầm thước, mắt sâu, đẹp trai, nụ cười luôn nở trên môi. Suốt những năm tháng bên ông, tôi chưa bao giờ thấy ông nóng giận. Bây giờ ông là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng tôi vẫn nhớ hồi trai trẻ ông lại là võ sĩ quyền Anh. Không ít lần tôi trốn học đi xem ông tập đánh bốc. Nhờ niềm đam mê cùng sự kiên trì tập luyện mà ông trở thành một võ sĩ quyền Anh của đất Hà Thành và đã có lần thượng đài tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung Hữu Nghị Việt - Xô). Nhìn cách ông di chuyển, xuống tấn, né đòn, tấn công đối phương nhanh như chớp tôi thật ngưỡng mộ. Vì thế đã có thời gian tôi là môn sinh của ông. Trong lúc hướng dẫn tập quyền Anh thỉnh thoảng ông vẫn dùng vài câu tiếng Pháp như: để hạ đối thủ nhanh nhất phải “direct” vào mặt đối phương, tôi nhớ như in hình ảnh ông làm mẫu cho tôi xem. Ông từng kể, thời Pháp dân mình hay bị bọn Tây nó bắt nạt lắm, có lần ông đã đụng độ với một thằng Tây da trắng ở phố Hàng Bông. Hắn to gấp rưỡi ông, nên coi thường người Việt local (bản xứ) nhưng hắn đâu biết rằng, chỉ cần một cú ra đòn là hắn đã đổ như một cây chuối. Đánh xong, ông không kịp mừng chiến thắng mà phải chuồn ngay trong tiếng hoan hô của những người dân chứng kiến.

Nhạc sĩ Thế Song từng có nhiều năm tháng gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông trưởng thành từ diễn viên đoàn ca nhạc rồi sau đó là biên tập viên âm nhạc của Đài.

Vào năm 1979, ông đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh. Trên đường về, ông cùng với nhạc sĩ Phạm Tịnh ghé vào cây số 8 - thành phố Hạ Long, là trạm sửa chữa tàu biển số 48 của Quân chủng Hải quân. Ông vẫn nhớ có chiến sĩ vừa từ đảo trở về kể rằng, anh đã ở đảo 2 năm, mọi thứ gian khổ, khó khăn, kể cả hy sinh, các anh đều chịu được, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Chiến sĩ khác thì tâm sự rằng: Ở đảo xa toàn con trai, nhiều lúc thèm được nhìn một người con gái... Các anh em chiến sĩ nói rất nhiều, kể rất nhiều. Những câu chuyện của các chiến sĩ hải quân đã khơi nguồn cảm xúc mạnh mẽ nơi trái tim người nhạc sĩ và ca khúc “Nơi đảo xa” đã thành hình.

Sau đó, nhạc sĩ Thế Song mời Tiến Thành đến nhà để tập. Và NSƯT Tiến Thành là người đầu tiên thể hiện thành công ca khúc “Nơi đảo xa”. Theo Thế Song, dù sau này có đến mấy chục ca sĩ từng hát “Nơi đảo xa”, nhưng không ai hát thành công và xúc động như Tiến Thành. Nay Tiến Thành đã đi xa mất rồi.

Nhạc sĩ Thế Song được coi là người con của biển đảo, ông đã chắt lọc bao nhiêu ngôn từ về biển đảo để cho ra đời ca khúc “Nơi đảo xa” và ca khúc ấy đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam bởi giai điệu đẹp, lời hát trữ tình cùng những hình ảnh mới lạ, khó quên mà rất đỗi thân thương “giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô”. Nơi đảo xa dù rất xa ấy nhưng vẫn gần gũi xiết bao với đất liền vì có các anh, những chiến sĩ quân đội nhân dân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và nơi ấy lại có những bông hoa san hô đang nở rộ - biểu tượng cho sự lãng mạn của những người lính ở giữa biển khơi. Bài hát đã đi vào lòng người qua bao năm tháng.

Nơi đảo xa: Bài hát khẳng định chủ quyền biển đảo_0

Nhạc sĩ Thế Song thăm đảo Trường Sa năm 1995

Vậy mà mãi đến năm 1995, khi “Nơi đảo xa” đã trở nên quá thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, Thế Song mới có dịp đến Trường Sa cùng nhạc sĩ Doãn Nho, Lương Nguyên, nhà văn Như Phong... Đêm giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cởi trần hát “Nơi đảo xa” rất hay và cảm động. Và càng cảm động hơn khi bất ngờ được biết tác giả bài hát đang có mặt tại đây, anh em chiến sĩ vây lấy ông trong niềm cảm mến hân hoan, như là người thân từ bao giờ. Ông nói: “Nơi đảo xa” là tình yêu với người lính đảo đang ngày đêm giữ gìn mảnh đất cha ông, là tình yêu đối với Tổ quốc thiêng liêng, tôi sung sướng lắm. Gần nửa tháng ở Trường Sa, tôi lại được nghe rất nhiều tâm sự của những người lính đảo. Đó cũng là cảm hứng để tôi viết thêm nhiều ca khúc khác về biển đảo như: “Biển chuyện tình hóa đá”, “Biển mưa...”.

“Nơi đảo xa” được nhiều ca sĩ thể hiện, bắt đầu từ Tiến Thành dù hồi ấy kỹ thuật phòng thu còn rất thô sơ. Đến thời điểm này còn có Trọng Tấn, Anh Thơ, Việt Hoàn, Tùng Dương và nhiều ca sĩ khác đã thể hiện “Nơi đảo xa”. Tuy mỗi người một màu sắc, một phong cách nhưng đều nói lên được tình cảm ba chiều của người viết, người hát và người nghe với biển đảo quê hương. Tháng 9-2011 Đài Truyền hình VTC, mạng Việt Nam Go.vn và Báo Tuổi trẻ đã thực hiện bài hát “Nơi đảo xa” với 1.000 người tham gia. “Nơi đảo xa” trở thành đồng vọng trái tim và tình yêu đảo xa của học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, người lao động, cựu chiến binh… cùng những ca sĩ nổi tiếng như Lưu Hương Giang, Giáng Son, Đức Tuấn, Minh Quân… làm xúc động lòng người.

{youtube}http://www.youtube.com/watch?v=aTsPJBsBwoQ{/youtube}

 

Thế nhưng ít ai biết rằng, hiện nay tác giả của “đảo ca” nổi tiếng này - nhạc sĩ Thế Song đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Ở tuổi bát tuần, ông lại bị tai biến lần thứ hai, sau khi điều trị tại Quân y viện 108, nhạc sĩ đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn phải tiếp tục điều trị tại nhà riêng.

Nhạc sĩ Thế Song hãy cố lên, vì bên cạnh ông còn có Hội Nhạc sĩ, rất nhiều bạn bè, công chúng và người thân luôn cầu mong cho ông sớm bình phục để tiếp tục cống hiến và cho ra đời những tác phẩm bất hủ.

Nguyễn Ngọc Minh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC