Venezuela, Argentina hay Hy Lạp là những cái tên nổi bật với nhiều lần vỡ nợ chỉ trong vài năm.

Hôm 12/4, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài sau khi đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong bối cảnh giá cả tăng cao. Quốc đảo ở Ấn Độ Dương này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Dĩ nhiên, ngoài Sri Lanka, nhiều nước khác cũng đã từng rơi vào tình cảnh này.

Lebanon, Argentina, Belize, Zambia, Suriname: năm 2020

Lebanon – quốc gia từng được gọi là “Thụy Sĩ của Trung Đông” – vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 3/2020. Nước này khi đó chìm trong khủng hoảng kinh tế và biểu tình phản đối chính phủ. Khối nợ của Lebanon từ lâu đã thuộc nhóm lớn nhất thế giới, tương đương 170% GDP.

Liên hợp Quốc cho biết đồng pound Lebanon đã mất 90% giá trị và 4 trên 5 người dân nước này hiện sống dưới mức nghèo khổ. Lạm phát tại đây đã lên 3 chữ số, Covid-19, xung đột Nga – Ukraine và vụ nổ tại cảng ở Beirut năm 2020 càng khiến khủng hoảng tại đây thêm tồi tệ.

1 Nhung Quoc Gia Tung Vo No

Cửa kính ngân hàng Bank of Beirut bị vỡ sau một cuộc biểu tình năm 2020. Ảnh: AP

Các chủ nợ liên tục thúc giục Lebanon tái cấu trúc. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, nước này mới đạt thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khoản cứu trợ 3 tỷ USD để thoát khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ được giải ngân nếu Quốc hội Lebanon chấp thuận gói ngân sách 2022 và luật ngân hàng mới để chống tham nhũng và kế hoạch tái cấu trúc nợ.

Tháng 5/2020, Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử. khi Covid-19 làm trầm trọng thêm vấn đề suy giảm kinh tế, lạm phát tăng tốc và thiếu ngoại tệ mạnh.

Nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin không thể trả 500 triệu USD tiền lãi cho các khoản nợ nước ngoài. Chính phủ Argentina đã không đạt thỏa thuận tái cấu trúc 65 tỷ USD nợ nước ngoài với các chủ nợ trái phiếu. Trong khoản này còn gồm cả số trái phiếu phát hành trong các đợt tái cấu trúc sau khi nước này vỡ nợ năm 2001. Khối nợ của Argentina được nắm giữ bởi hàng loạt công ty đầu tư, trong đó có những cái tên như BlackRock và Pharo Management.

Argentina cũng đã gặp khó khăn từ trước đó. Họ liên tục hứng chịu khủng hoảng kinh tế và chính trị, khiến tiền tệ mất giá, người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng và thị trường tài chính lao đao. Trong khi đó, chính phủ không sẵn sàng giảm chi tiêu công, mà thường in tiền hoặc vay đôla để giải quyết.

Trước đó, năm 2001, họ vỡ nợ tới 100 tỷ USD – lớn nhất lịch sử thời đó. Đến năm 2016, họ mới quay lại thị trường tín dụng quốc tế.

Đại dịch cũng khiến Belize (quốc gia ở Trung Mỹ), Zambia (Đông Phi) và Suriname (Nam Mỹ) rơi vào vỡ nợ năm 2020, do hoạt động kinh tế bị gián đoạn.

Venezuela: năm 2017 và 2018

Tháng 11/2017, Venezuela – quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới – bị hai hãng đánh giá tín nhiệm là Fitch và S&P Global Ratings tuyên bố vỡ nợ một phần. Chịu tác động từ giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế này rơi tự do, thiếu thốn cả lương thực và thuốc men do không có nguồn thu đáng kể nào ngoài xuất khẩu dầu mỏ.

2 Nhung Quoc Gia Tung Vo No

Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua lương thực. Ảnh: Reuters

Tổng cộng, nước này khi đó nợ khoảng 196 tỷ USD, theo nghiên cứu của Harvard Law Roundtable. Ngoài các khoản nợ trái phiếu, Venezuela còn nợ tiền Trung Quốc, Nga, các hãng cung cấp dịch vụ dầu mỏ, các hãng hàng không Mỹ và nhiều tổ chức khác.

Dù Moskva đồng ý hỗ trợ 3,15 tỷ USD giúp nước này tái cấu trúc nợ, Caracas vẫn một lần nữa vỡ nợ vào tháng 1/2018.

Hy Lạp: 2015

Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ với khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 6/2015 khi không thể hoàn trả 1,5 tỷ euro. 2 tuần sau, họ lỡ hẹn thêm một khoản thanh toán nữa cho IMF trị giá 456 triệu euro. Tuy nhiên, một khoản vay khẩn cấp ngắn hạn từ quỹ khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép họ trả các khoản nợ này.

Olympic Athens 2004 được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài. Lạm chi cho Olympic đã làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này.

Tháng 8/2015, 4 tổ chức đại diện cho nhóm chủ nợ của Hy Lạp – Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã chấp thuận cấp tới 86 tỷ euro cho nước này. Đây là gói cứu trợ thứ 3 Hy Lạp phải nhận chỉ trong 5 năm.

Gói này nằm trong chương trình cứu trợ lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu, với tổng cộng 289 tỷ euro. Đổi lại, các nhà hoạch định chính sách Hy Lạp phải chấp thuận cải tổ và thắt lưng buộc bụng hà khắc. Tháng 8/2018, Hy Lạp chính thức được ra khỏi chương trình cứu trợ.

Ecuador: năm 2008 và 2020

Tháng 12/2008, Tổng thống Ecuador Rafael Correa thông báo ngừng thanh toán gần 40% nợ công lần thứ 3 trong 14 năm. Quốc gia Mỹ Latin này cũng bị đại dịch đẩy vào tình trạng vỡ nợ lần nữa năm 2020, nhưng đã tái cấu trúc sau đó với sự hỗ trợ của IMF.

Nga: năm 1918 và 1998

Nga vỡ nợ với khối nợ bằng ngoại tệ năm 1918, khi nhà lãnh đạo Vladimir Lenin từ chối thanh toán nợ trái phiếu do Sa hoàng phát hành.

Đến tháng 8/1998, Nga tuyên bố hoãn thanh toán nợ nước ngoài trong 90 ngày, hạ giá đồng ruble và vỡ nợ với khối nợ trong nước. Nợ nước ngoài của Nga khi đó là 141 tỷ USD. Fitch ước tính nợ trong nước của họ tương đương 50,6 tỷ USD.

Quốc gia này chịu tác động lan truyền từ khủng hoảng tài chính châu Á. Đồng ruble cũng bị ảnh hưởng bởi đầu cơ khi giá dầu lao dốc. Trong khi đó, dầu là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Phải mất hơn 10 năm sau, Nga mới có thể quay lại vay tiền trên thị trường quốc tế.

Hiện tại, dưới các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nước ngoài lần nữa trong năm nay. Cách đây vài ngày, S&P thậm chí tuyên bố Nga vỡ nợ vì trả bằng đồng ruble thay vì đôla Mỹ.

Mexico: năm 1982

Tháng 8/1982, Mexico cho biết không thể thanh toán khoản nợ 86 tỷ USD. Sau đó, Mỹ đã hỗ trợ nước láng giềng bằng các khoản vay khẩn cấp. IMF cũng vào cuộc, với yêu cầu Mexico cải tổ cấu trúc kinh tế. Các chủ nợ là ngân hàng thương mại sau đó phải xóa lượng lớn nợ cho nước này.

Năm 1995, IMF lại phải giải cứu Mexico lần nữa với khoản vay 17,8 tỷ USD. Đây chỉ là một phần trong gói cứu trợ quốc tế 50 tỷ USD cho nước này.

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC