Việc Nga can thiệp quân sự ở Ukraine làm dấy lên luồng dư luận kêu gọi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) áp đòn trừng phạt hà khắc nhất nhằm vào lĩnh vực kinh tế của Nga.

1 Trung Phat Swift La Gi Ma Ukraine Mong Doi Phuong Tay De Chung

SWIFT là nền tảng xương sống trong thanh toán tài chính toàn cầu. Ảnh: NE

Một trong những yêu cầu then chốt nhất mà chính quyền Ukraine đưa ra với Mỹ và phương Tây là ngắt Nga khỏi SWIFT, hệ thống kết nối liên ngân hàng hữu dụng nhất thế giới. Vậy SWIFT là gì và tại sao Nga vẫn chưa bị ngắt khỏi hệ thống này?

Sơ lược về SWIFT

SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication). SWIFT được thành lập năm 1970, đặt trụ sở tại Bỉ, có ban điều hành gồm 25 người và được hàng chục tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán.

Đây là một hệ thống nhắn tin an toàn giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới. Tiêu chuẩn hóa cao khiến SWIFT trở thành hệ thống giao dịch có độ tin cậy, cho phép các ngân hàng xử lý giao dịch khối lượng lớn trong thời gian ngắn.

SWIFT đã trở thành xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2020, có khoảng 38 triệu tin nhắn được truyền qua nền tảng SWIFT – theo thống kê của Annual Review. Mỗi năm, có hàng nghìn tỉ euro được chuyển qua hệ thống này. Dù vẫn có một số lựa chọn thay thế khác, như cách Nga và Trung Quốc thanh toán qua hoán đổi tiền tệ, nhưng SWIFT là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Lý do cấm vận SWIFT lại gây tác động lớn

Nếu bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, các ngân hàng của Nga sẽ gặp khó khăn lớn trong tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu. Cụ thể, các doanh nghiệp, cá nhân có tài khoản ngân hàng tại Nga sẽ bị hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vay vốn và đầu tư ở nước ngoài.

Hiện có khoảng 300 ngân hàng, định chế tài chính của Nga sử dụng nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống SWIFT.

Nếu Nga bị cấm vận SWIFT, đó cũng không phải là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng. Trên thực tế, năm 2019, một số ngân hàng của Iran đã bị ngắt khỏi hệ thống này , sau khi chính quyền Donald Trump áp trừng phạt chống Tehran. Trước đó, Iran cũng từng bị “đóng băng” khỏi SWIFT trong giai đoạn 2012-2016. Theo bà Maria Shagina, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow, trừng phạt này đã khiến Iran đã mất gần 50% doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị trao đổi ngoại thương.

Tại sao Mỹ và phương Tây chần chừ trừng phạt SWIFT nhằm vào Nga?

Bị loại khỏi SWIFT, kinh tế Nga sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cùng với đó, châu Âu cũng gánh thiệt hại. Đây mới là nguyên nhân khiến lãnh đạo nhiều nước châu Âu không ủng hộ áp đặt biện pháp này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận chặn Nga tiếp cận SWIFT sẽ đẩy Đức đứng trước nguy cơ cao không nhận được khí đốt và nguyên liệu thô từ Nga - một quan ngại được nhiều nước EU như Italy, Hungary, Cyprus và Latvia chia sẻ.

Trừng phạt SWIFT khiến Nga bị loại khỏi phần lớn các giao dịch tài chính quốc tế, trong đó có lợi nhuận thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, vốn đem lại 40% tổng thu ngân sách của Nga. Nhưng biện pháp này cũng khiến các chủ nợ khó khăn hơn trong việc thu lại tiền. Mỹ và Đức có nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi vì ngân hàng của họ là những người sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để kết nối, giao dịch với các ngân hàng Nga.

Vì thế, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lựa chọn hướng trừng phạt khác nhằm vào các ngân hàng, thiết chế tài chính của Nga. Các ngân hàng trong EU bị cấm nhận tiền gửi từ công dân Nga với giá trị từ 100.000 euro trở lên.

Một số tập đoàn, công ty sở hữu nhà nước của Nga cũng bị tước quyền tiếp cận nguồn tài chính từ EU. Bên cạnh đó là đòn phong tỏa tài sản đặt trên lãnh thổ EU nhằm vào một số tài phiệt Nga, cá nhân có mối quan hệ với Tổng thống Putin.

Về phía Mỹ, trong vòng cấm vận được đưa ra hôm 24/2, Tổng thống Joe Biden tuyên bố áp trừng phạt đối với 5 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, chặn các ngân hàng này trong các giao dịch bằng đồng USD. Bộ Tài chính Mỹ cho biết mỗi ngày, các định chế tài chính Nga thực hiện khoảng 46 tỷ USD giao dịch ngoại hối, trong đó 80% bằng USD và phần lớn giao dịch đó sẽ bị cắt đứt theo trừng phạt mới.

Đáng chú ý, Tổng thống Joe Biden thừa nhận các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

“Đây luôn là một lựa chọn, nhưng ở thời điểm này đó chưa phải là quan điểm thống nhất của EU”, ông Biden nêu quan điểm khi trả lời trước báo giới hôm 24/2.

Hoài Thanh (Theo Euronews, Newsky)

Nguồn: baotintuc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC