Nổi bật nhất trong cơn mưa gây ngập lụt Hà Nội hôm qua là hình ảnh một người đàn ông được nhân viên bảo vệ cõng từ xe vào lề đường.

Cõng sếp trong mưa, có nên ném đá ông Trời? - 0

Tranh biếm họa của báo Tuổi trẻ cười

Người người phải bỏ việc quay về vì không thể vượt qua biển nước, xe cộ chết máy cả đống, trôi dạt lềnh bềnh. Cơn mưa xối xả kéo dài suốt cả đêm 24.5 đã nhấn khu vực phía Tây TP Hà Nội vào trong biển nước, cho đến giữa trưa ngày 25/5, giao thông các tuyến đường Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Mễ Trì… rối loạn vì nước ngập.

Trong cơn mưa lịch sử gây ngập ấy, như thường lệ, các dịch vụ lại nở rộ, dịch vụ kéo xe và người qua đoạn đường ngập nước của một số người dân ven các tuyến đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Trần Thái Tông rất đắt hàng. Mỗi lượt kéo xe và người mang về cho người kéo số tiền từ 30.000-50.000 đồng.

Nhưng gây xôn xao nhiều nhất không phải nỗi khốn khổ của người dân Hà Nội trong mưa ngập mà là hình ảnh một người đàn ông, chắc là sếp, được nhân viên bảo vệ cõng từ xe biển xanh vào chỗ khô ráo cho khỏi ướt giầy.

Chuyện chỉ có vậy thôi. Nhưng cư dân mạng thì có vẻ như khó chấp nhận hình ảnh này.

Nhiều người nói rằng là một người đàn ông, hoàn toàn có khả năng đi lại thì nên cởi giầy, lột tất rồi lội qua nước bởi chỉ có một vài bước chân, nên tránh gây phiền đến người khác những chuyện nhỏ nhặt như vậy.

Cõng sếp trong mưa, có nên ném đá ông Trời? - 0

Còn nhớ hồi năm 2014, một quan chức Trung Quốc là ông Vương Quân Hoa

 Phó chánh văn phòng thành phố Quý Khê, tỉnh Giang Tây cũng đã bị cách chức vì yêu cầu thuộc cấp cõng mình qua một đoạn đường ngập nước cho khỏi...ướt giày.

Ông này đến chỉ đạo tìm kiếm 3 học sinh tiểu học bị rơi xuống nước trên đường đi học về, 1 em đã chết, 2 em còn mất tích. Chính quyền địa phương biện hộ rằng nhân viên thuộc cấp này chủ động xin cõng ông Vương Quân Hoa, nhưng cuối cùng ông vẫn bị cách chức.

Những nhân vật là cán bộ cấp trên được cấp dưới cõng cho khỏi ướt giày thường bị cư dân mạng “ném đá” và phản đối rất kịch liệt.

Ở ta, trường hợp người đàn ông trong bức ảnh lan truyền trên mạng ngày hôm qua cũng vậy.

Thế thì phải có cách nào để giải quyết tình trạng này chứ?

  1. Thứ nhất, nên chăng, thay vì “ném đá” vị cán bộ được cõng, cư dân mạng nên “ném đá” ông Trời, bởi ông Trời chính là người gây nên thảm cảnh này, ông Trời mưa không điều độ, khiến cho sân ngập nước và nhân viên bảo vệ phải vất vả cõng đại biểu đến dự hội nghị.
  2. Thứ hai, nếu cảm thấy nghề “cõng sếp” là một ngành nghề có thể hái ra tiền, bởi các sếp thường ngại nhất chuyện bị ướt giày, bẩn giày khi trời mưa ngập nước, thì sao lại không có người nào nhanh nhạy nhất đứng ra mở dịch vụ này?
    Nên đăng ký tên hẳn hoi là “dịch vụ cõng sếp trong mưa”, vừa nên thơ lại vừa hiệu quả?

Mà theo tôi, những người “ném đá” chuyện này có vẻ cũng hơi nhạy cảm quá.

Ở ta chuyện người nọ cõng người kia là thường, mặt hàng nọ cõng loại phí kia cũng quá thường! Có ông làm sếp một huyện, thân chinh “cõng” cả vài chục họ hàng nhà mình, họ hàng nhà vợ vào biên chế để có chuyện “cả họ làm quan”.

Giá xăng thì “cõng” phí môi trường, giá điện thì “cõng” tiền hiếu hỉ, nghỉ mát của ngành điện, phí đường cao tốc thì “cõng” cả tiền sửa chữa lún nứt do thi công ẩu tả…

Đấy, cõng nhau đầy ra đấy, đã có làm sao mà la lối om xòm thế?

© Mi An - DATVIET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC