Nếu mạng xã hội dễ dãiThorlaug Agustsdottir, người dân quốc đảo Iceland, vốn là một phụ nữ bình thường, có thói quen “lướt” mạng xã hội mỗi ngày. Đầu năm trước, cô trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới trong vai trò bị hại và “đương đơn” tố cáo Facebook trước báo chí.

Chuyện bắt đầu từ việc cô này sử dụng mạng xã hội và để lại tranh luận gay gắt trên một diễn đàn nọ. Vì bức bách, người đấu khẩu kia đã dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh khuôn mặt Thorlaug - trông thậm tệ như vừa bị đánh tàn bạo - rồi đăng lên diễn đàn để mọi người cùng giễu cợt. Thorlaug đã nhờ bạn của mình, hơn 50 người, cùng gửi báo cáo yêu cầu Facebook gỡ bỏ bức ảnh. Nhưng sau đó tất cả đều nhận được phản hồi tự động giống hệt nhau: Dựa vào tiêu chuẩn cộng đồng và bộ lọc nhận diện của trang này thì bức ảnh không đủ yếu tố kết tội “hình ảnh bạo lực” để gỡ bỏ.

Thorlaug cho rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng cô. “Tôi muốn biết về một tiêu chuẩn rõ ràng của mạng xã hội này”, “Chẳng lẽ không hề có bất cứ biện pháp nào bảo vệ người dùng sao?”, câu hỏi của cô được đồng loạt báo chí địa phương lên tiếng. Không lâu sau, Facebook cho người gỡ bỏ (một cách thủ công) bức ảnh và gửi lời xin lỗi tới Thorlaug. Trang mạng này cho biết, vì số lượng quá tải nội dung mỗi ngày nên bộ phận kiểm duyệt đã không làm tốt công việc của mình.

Vụ bê bối ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng, khiến trang mạng xã hội dẫn đầu thế giới sau đó quyết định đưa ra nhiều chương trình mới liên quan đến việc ngăn chặn nội dung “xấu”: Thông báo khuyến khích người dùng sử dụng hệ thống báo cáo, gắn nhãn vi phạm và củng cố thêm đội ngũ người lọc vi phạm bằng tay.

Chuyện về Thorlaug và Facebook có thể nên được kể lại trong những ngày này, khi dư luận đang xôn xao xung quanh quyết định đình chỉ một trang mạng xã hội dành cho thanh niên Việt, về sai phạm liên quan đến nội dung. Nhiều người có thể giống tôi, muốn nhìn lại các vụ lùm xùm cũ, để thấy được từng bước đi tiến bộ của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong một vấn đề chung.

Đó là vụ vướng mắc kiện tụng của hãng kỳ cựu Google, khi hàng chục ngôi sao Hollywood cáo buộc hãng này đã không nhanh chóng kiểm soát hình ảnh khỏa thân của họ trên công cụ tìm kiếm và các trang xã hội thành viên như BlogSpot và YouTube. Mạng Twitter cũng từng bị chính phủ Pakistan phản đối gay gắt, thậm chí cấm cửa, vì không có biện pháp lọc bỏ nội dung chống Hồi giáo, lại còn tạo nền tảng cho cuộc thi vẽ ảnh biếm họa vị thánh Mohammed đáng kính của họ. Mới đây, trang mạng chưa đầy năm tuổi, Ello, cũng gặp phải chiến dịch tẩy chay rộng rãi vì thiết kế không có nút ngăn chặn, vô hiệu hóa và báo cáo nội dung vi phạm.

Với số lượng khổng lồ người truy cập và tự tạo nội dung mỗi ngày, có thể coi các cơ quan chủ quản mạng xã hội ngày nay như một “chính phủ kiểu mới”, nơi luôn có những chuyện buộc phải được cân nhắc bằng cả pháp luật, văn hóa và đạo đức. Điểm chung của các công ty quản lý này là tác phong nhanh chóng và thái độ triệt để loại bỏ nội dung không phù hợp. Nhiều công ty còn đưa ra các thay đổi mới ngay tức khắc như bổ sung tiêu chuẩn, chính sách hoạt động cộng đồng; đầu tư công nghệ lọc nội dung ở cả phương án tự động (nhận diện, xử lý báo cáo vi phạm) và thủ công (xây dựng đội ngũ nhân lực, thành lập cơ quan điều phối, giải quyết vấn đề trực tiếp).

Ở quê hương của ngành công nghệ mạng xã hội, nghề kiểm soát nội dung (content moderator) được coi là thịnh hành nhất trong thời điểm này khi xã hội đang chuyển sang xu hướng “online hóa”. Một mẫu tuyển dụng của công ty cung cấp nhân sự có trụ sở Mỹ, gọi vị trí này là những “người gác cổng cần mẫn”. Công việc của “người gác cổng” tuy không yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, nhưng lại đòi hỏi không ít kiểm tra khắt khe ở yếu tố văn hóa, tâm lý và hiểu biết pháp luật.

Các buổi phỏng vấn tuyển dụng thường yêu cầu có sự tham dự của chuyên gia tâm lý và xã hội học. Những vị này đến để đánh giá ứng viên dựa trên quan điểm và nhận thức của họ về sai phạm, đặc biệt trong đạo đức và văn hóa - đều là những phạm trù rất khó để quy định rõ ràng. Và cũng do đặc thù công việc đối mặt với những thông tin tiêu cực lớn mỗi ngày, đội ngũ “người gác cổng” còn được trang bị kiến thức tâm lý, các buổi khám sức khỏe thể chất và tinh thần định kỳ.

Những nỗ lực để kiểm soát nội dung một cách bài bản mà các công ty mạng xã hội lớn đã và đang làm như thế không chỉ là con đường duy nhất để bảo vệ người dùng của chính họ trước những rủi ro và nguy cơ xấu trên mạng. Đấy còn như ngụ ý rằng, người kinh doanh công nghệ sẽ luôn đứng cùng phía với người dùng, với chủ trương bênh vực các tiêu chuẩn tích cực và loại bỏ những yếu tố xấu xí trong cộng đồng.

Hạnh Nhân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC