Đâu đó quanh ta thấy có nhiều thói hư tật xấu của người Việt, ngay cả báo chí hàng ngày cũng nêu nhiều cái xấu, phản ánh nhiều tiêu cực, xuất phát từ thực tế đó tôi lượm lặt vài thông tin để cung cấp cho người đọc tự suy ngẫm và tự rèn luyện , nâng cao ý thức tự giác, phấn đấu theo hướng tích cực cho bằng chị bằng em trong xã hội ngày nay.

 Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.

1. Thói gian lận

Từ điển Tiếng Việt 1994 định nghĩa gian lận là “có hành vi dối trả, mánh khóe, lừa lọc”. Dẫn từ điển cho chắc ăn thôi chứ nhắm mắt vào cũng thấy rõ người ta gian lận, dối trá thế nào, có khi còn thấy rõ hơn.

Trong buôn bán, từ nửa lạng cà chua, dăm ba quả táo đến hàng tấn cá ba sa, hàng tấn xi măng sắt thép đều có thể bị cân điêu, chỉ cần gian lận lấy nửa lạng là người ta đem nhét thật nhiều bánh đúc vào cái diều con gà, nếu gian lận được nửa yến thì sẵn sàng bơm thuốc phọt cho gà lợn rau quả mau tăng trọng, bất chấp những tai hại khôn lường, đồ xấu đánh tráo vào với đồ tốt rồi tính thành tiền đồ tốt, hàng ôi thiu thối rữa kém chất lượng đem tẩy rửa mông má lại để bán ra thành hàng tươi ngon…

Trong văn hóa tư tưởng thì đạo văn đạo nhạc, đạo thơ đạo họa đủ cả, cũng chạy giải thưởng cho có danh, đánh bóng mạ kền cho sáng tên tuổi…Một phần không ít thanh niên học hành làm việc thì lười mà chỉ muốn có tiền nhanh, chỉ muốn tiêu xài xì tin, váy cộc chân dài tóc bờm dựng ngược, nay vũ trường mai nhà nghỉ…

Khủng khiếp nữa là gian lận giữa ý nghĩ với lời nói, người ta sẵn sàng nói cái điều mà người ta không nghĩ thế, từ đấy dẫn đến gian lận giữa lời nói và việc làm.

Gian lận dối trá giằng chéo đan xen ngang dọc trên dưới lớn bé to nhỏ trong suốt một thời gian dài đã vượt quá một cái nếp xấu, một thói quen xấu để trở thành một thói xấu của tôi, của anh, của chúng ta nếu bạn không muốn nói là của người Việt bây giờ.

Có câu nói: Người Trung quốc vừa làm vừa tính ăn bớt, còn người Việt là chưa làm đã nghĩ cách ăn bớt, để nói lên thói gian lận đã ăn sâu như thế nào trong suy nghĩ và hành động của Người Việt.

2. Thói vô trách nhiệm

Lại dẫn Từ điển tiếng Việt 1994: Trách nhiệm: 1-phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. 2- Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai thì phải gánh chịu phần hậu quả.

Cứ theo như định nghĩa trên, cho tới bây giờ, hầu hết những kết quả không tốt đều chưa có đâu phải gánh chịu. Như thế là thói vô trách nhiệm.

Nếu như trách nhiệm của mình chưa ba năm rõ mười thì ai ai cũng nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người khác, của ngành khác, của cơ quan khác. Phủi tay.

Cả con đường mới làm to đẹp như thế tự nhiên chình ình ra một phần cái nhà, rõ là phải giải phóng ngay từ đầu mà vẫn không đi không dỡ không phá. Lại còn cái việc đổ trộm vật liệu phế thải ra đường nữa chứ, cứ đêm đến đổ ra ngồn ngộn, nói xin lỗi chẳng khác gì cái việc ị ra đường hàng đống tướng. Những gì là của công, của cộng đồng thì việc giữ gìn bảo quản thật khó, chặt phá xâm lấn vẽ bậy bỏ bẩn một cách hết sức hồn nhiên. Ra đường thấy kẻ cắp móc túi mà không hô hoán, gặp người bị nạn thì rất đông người xúm lại để…xem nhưng vẫn dửng dưng.

Người dân ở đường phố thì vứt rác vứt chuột chết ra đường, thải rác xuống sông xuống cống thoải mái, có khi ngang nhiên đào ống nước ngang qua đường, rửa xe máy thì phun cả nước vào người qua lại, mở cửa hàng bún chả thì cả phố hít khói với mùi thịt nướng, mở cửa hàng sắt thì ngày đêm bốn chung quanh nghe uỳnh uỵch xuống hàng, mở cửa hàng bán vô tuyến thì loa eo éo suốt ngày, bước ra đường thì bụi cát mù trời…

Nhiều người có tiền, bỗng dưng có rất nhiều tiền thì phè phỡn và bất chấp. Đã nhiều năm rồi người ta quen vô trách nhiệm, vô trách nhiệm nghề nghiệp, vô trách nhiệm lương tâm, tới mức trở thành dửng dưng, vô cảm, trở thành tín đồ của chủ nghĩa ma-ke-no, một thói xấu của tôi, của anh, của chúng ta nếu như bạn không muốn nói đó là của người Việt bây giờ.

3. Thói cơ hội chủ nghĩa

Định nghĩa một cách đơn giản nhất theo Từ điển tiếng Việt 1994 là: 1- Quan điểm, chủ trương lợi dụng cơ hội, mưu cầu những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đúng hay sai. 2- Khuynh hướng tư tưởng-chính trị trong phong trào công nhân, chủ trương chính sách tùy thời, thỏa hiệp.

Chủ nghĩa cơ hội đã len lỏi, xâm nhập vào từng cá nhân, trở thành một thói xấu là thói cơ hội chủ nghĩa theo đó người ta bất chấp đúng sai, tùy thời thỏa hiệp, đón gió trở cờ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Thói cơ hội chủ nghĩa đang làm biến dạng trái tim và tâm hồn tôi, anh, đang phá hoại niềm tin của chúng ta đối với những giá trị tinh thần cao đẹp.

4. Thói chí phèo

Không cần phải dẫn định nghĩa, ai cũng hiểu thói chí phèo là gì. Chỉ nói thêm dân gian còn một từ khác để chỉ thói xấu này, đó là từ “bầy hầy”.

Trong mỗi cơ quan thế nào cũng có một vài anh cứ xoay ngang ra, mọi người làm một đường anh ta phát biểu ý kiến một nẻo. Một số người sai toét mà cứ ôm đơn đi kiện, không ăn được thì đạp đổ, bầy hầy hết chỗ nói mà phải chịu đấy. Một số anh về hưu rồi nhưng hàng ngày cứ đến cơ quan, cứ giữ phòng làm việc, cứ góp ý tùm lum hết cả.

Trong sinh hoạt dân phố, đốt bếp than tổ ong khói xộc vào nhà người ta hàng ngày, người ta có ý kiến thì quắc mắt thách đứa nào dám động vào bếp của ông. Vứt rác ra đường, có ý kiến thì la lối tao vứt ra đường chứ tao có vứt vào nhà vào mả chúng mày đâu, vác cưa máy mang ô tô đi cưa trộm cây gỗ quý giữa lòng Hà Nội…Khiếp quá !

Tham gia giao thông thì thấy ngay thế nào là chí phèo. Những chuyện bầy hầy như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng xe trên vỉa hè…chả là cái đinh gì so với chuyện khi phạm luật thì hất cảnh sát giao thông lên nắp ca-pô rồi bỏ chạy mấy chục cây số, bật diêm đốt xe máy giữa đường, ngồi lỳ trên xe máy để cảnh sát phải khiêng cả người cả xe về trạm, gây tai nạn rồi bỏ chạy, mặc xác người bị nạn…

Thói chí phèo làm cho người ta nhờn với pháp luật và coi nhẹ một số những giá trị tinh thần, là thói xấu mà tôi, anh và chúng ta bây giờ có thể nhận rõ trong rất nhiều những hành xử hàng ngày. Dân gian gọi những người mắc thói chí phèo là những người bị đứt dây thần kinh xấu hổ, những dân ngụ cư ở phố hàng thớt !

Bài viết chỉ nêu lên được 4 thói xấu điển hình của nhiều người Việt chúng ta trong nhiều thập kỷ vừa qua. Những thói xấu này gắn bó với nhau, liên quan qua lại, có khi cái này là cái kia, trong cái này có cái kia, không khó để nhận biết bởi vì người ta cũng chẳng cần che dấu là mấy.

Môi trường văn hóa Khatoco không có chỗ cho 4 thói xấu đó nhưng vẫn đáng nhắc lại để một lần nữa chúng ta nhìn lại và nhận biết hơn chính chúng ta, với tư cách là một cá nhân, một tập thể, một tổ chức.

Thế nào cũng có bạn hỏi những thói xấu trên có là thuộc tính, là bản chất bản ngã gì gì đấy của người Việt hay không. Chắc chắn là không. Những nghĩa cử tốt đẹp, những trái tim trung hậu giàu lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm còn nhiều lắm và đó mới là bản tính người Việt nói chung và văn hóa Khatoco nói riêng.

Tác giả: Nguyễn Đình Minh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC