Lại dẫn từ điển tiếng việt 1994: Trách nhiệm: 1-phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. 2- Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai thì phải gánh chịu phần hậu quả.

Cứ theo như định nghĩa trên, cho tới bây giờ, hầu hết những kết quả không tốt đều chưa có đâu phải gánh chịu. Như thế là thói vô trách nhiệm.

Nếu như trách nhiệm của mình chưa ba năm rõ mười thì ai ai cũng nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người khác, của ngành khác, của cơ quan khác. Phủi tay.

Ngày trước, người ta bảo vệ cây ven đường bằng cách quét vôi quanh gốc. Lúc đầu người công nhân quét rất cẩn thận, nước vôi trắng vừa đủ, vôi không rớt xuống chung quanh. Càng về sau, nước vôi càng loãng, vôi tung tóe ra đường, cho tới một lúc thấy họ chỉ gạch chéo vào gốc cây mấy cái, coi thế là xong.

Quần áo loại dành cho người ít tiền mua về thì đường chỉ xiêu vẹo, chưa mặc đã tụt khuy, xe máy đem đi bảo dưỡng thì người ta mở ra lau qua rồi lại lắp vào như thế gọi là bảo dưỡng, nhiều công trình bị rút ruột dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, nhà bị đổ, cầu bị sập…

Người dân lên xã phường quận huyện hoặc những cơ quan công quyền khác thường bao giờ cũng phải dăm lần bảy lượt, nhẹ nhàng cũng là người có trách nhiệm đi tập huấn, cô chú cứ chờ. Đầy đủ cả rồi mà không thích thì hỏi tại sao cái đơn lại viết thế này, chữ như chữ bác sĩ ai mà đọc được, về viết lại rồi đem lên đây…

Cả con đường mới làm to đẹp như thế tự nhiên chình ình ra một phần cái nhà, rõ là phải giải phóng ngay từ đầu mà vẫn không đi không dỡ không phá. Lại còn cái việc đổ trộm vật liệu phế thải ra đường nữa chứ, cứ đêm đến đổ ra ngồn ngộn, nói xin lỗi chẳng khác gì cái việc ị ra đường hàng đống tướng. Những gì là của công, của cộng đồng thì việc giữ gìn bảo quản thật khó, chặt phá xâm lấn vẽ bậy bỏ bẩn một cách hết sức hồn nhiên. Ra đường thấy kẻ cắp móc túi mà không hô hoán, gặp người bị nạn thì rất đông người xúm lại để…xem nhưng vẫn dửng dưng.

Công chức ở cơ quan, xin nói thật nhé, chẳng lấy đâu ra chuyện tám giờ vàng ngọc, trừ một vài người làm cật lực còn đâu thì tranh thủ đi chợ, đưa đón con, giặt quần áo khi nhà mất nước, sắc thuốc cho đỡ tốn điện nhà, trà nước, đọc báo buôn chuyện chơi gêm…Đủ cả. Người dân ở đường phố thì vứt rác vứt chuột chết ra đường, thải rác xuống sông xuống cống thoải mái, có khi ngang nhiên đào ống nước ngang qua đường, rửa xe máy thì phun cả nước vào người qua lại, mở cửa hàng bún chả thì cả phố hít khói với mùi thịt nướng, mở cửa hàng sắt thì ngày đêm bốn chung quanh nghe uỳnh uỵch xuống hàng, mở cửa hàng bán vô tuyến thì loa eo éo suốt ngày, bước ra đường thì bụi cát mù trời…

Nhiều người có tiền, bỗng dưng có rất nhiều tiền thì phè phỡn và bất chấp.

Nhiều nhà báo nhúng bút vào sự thật thì bị đe dọa, có trường hợp bọn xấu bắn đạn chì nhà báo lại trượt vào đùi nhà thơ mới bi hài làm sao !

Rất đông thanh niên công khai nói rằng sống trung thực thì chỉ thiệt thòi. Cũng rất đông thanh niên chỉ ham chơi, đua đòi, sống ngày qua ngày không lý tưởng (lý tưởng hiểu theo nghĩa có mục đích tốt để phấn đấu), không có mẫu hình nào để noi theo (như một thời những Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương…)…

Không kể hết được. Chỉ tóm lại một câu hỏi : đâu chịu trách nhiệm về những kết quả không tốt ấy ?

Đã nhiều năm rồi người ta quen vô trách nhiệm, vô trách nhiệm nghề nghiệp, vô trách nhiệm lương tâm, tới mức trở thành dửng dưng, vô cảm, trở thành tín đồ của chủ nghĩa ma-ke-no, một thói xấu của tôi, của anh, của chúng ta nếu như bạn không muốn nói đó là của người Việt bây giờ.

Tác giả Thăng sắc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC