Câu hỏi:

Cháu là Huy, cháu có một việc muốn hỏi như sau: Cháu có anh bạn người Đức, năm nay 42 tuổi, sống 1 mình, nhà thuê 3 phòng, lương tháng 1500 euro. Nay anh ấy muốn nhận con nuôi là người Việt Nam. 

 Hiện nay có một cháu gái 4 tuổi đang sống cùng bố mẹ đồng ý cho anh ấy nhận cháu làm con nuôi. Vậy thủ tục nhận con nuôi ở Việt Nam phải tiến hành như thế nào? Anh bạn cháu phải làm những thủ tục gì ở bên này thì mới nhận con nuôi hợp pháp ở Việt Nam được? Anh bạn cháu rất muốn nhận con nuôi ở Việt Nam nên cháu nhờ cô chú và giúp đỡ. Cuối cùng cháu xin chân thành cảm ơn các cô chú.

Trả lời:

Kể từ tháng 01/2003, việc nhận con nuôi từ phía Đức với Việt Nam bị ngưng trệ bởi Việt Nam chưa ký kết hiệp định quốc tế “Haager Übereinkommen” về con nuôi.

Sau 18.07.2011 hiệp định mới được ban hành và chờ phê duyệt của thủ tướng.

Ngày 07.09.2012 thì hiệp định “Haager” hợp tác về con nuôi, bảo vệ trẻ em đã được thủ tướng ký phê duyệt và mở đường cho việc nhận con nuôi trong khối những nước tham gia hiệp định này.

Thủ tục nhận con nuôi thì phía Đức làm rất chặt chẽ. Theo quy định luật pháp Đức thì vợ chồng phải có độ tuổi từ 21 trở lên. Đơn thân phải từ 25 tuổi. Tuổi chênh lệch với con nuôi không quá 40, và người nhận con nuôi không quá 50 tuổi.

Một mình nhận con nuôi chỉ được giải quyết trong trường hợp ngoại lệ (Ausnahme). Tiếp theo phải được sự đồng ý của cháu bé và bố mẹ cháu. Anh bạn Đức kia phải ra sở thanh thiếu niên (Jugendamt) hoặc bộ phận tư vấn môi giới nhận con nuôi nước ngoài có thẩm quyền (Adoptionsvermittlung) hoặc Vormundschaftsgericht để xin chứng chỉ đủ điều kiện được nhận làm con nuôi.

Hồ sơ gồm:

1. Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu

2. Sơ yếu lý lịch (Lebenslauf)

3. Chứng nhận thu nhập

4. Chứng nhận nhà ở hoặc hợp đồng thuê nhà

5. Hộ chiếu

6. Giấy chứng nhận của sở y tế

7. Tờ bậc thuế lương/ giấy chứng nhận công an hộ khẩu

8. Giấy khai sinh và giấy khai sinh của cháu bé

9. Lý lịch tư pháp (Führungszeugnis)

Sau khi có cuộc nói chuyện với một trong 3 cơ quan trên, anh bạn Đức kia mới được xác nhận đủ điều kiện được nhận con nuôi hay không.

Tiếp theo là phải hợp pháp hóa về thủ tục giấy tờ qua thủ phủ của tiểu bang (Regierungspräsidium) hoặc Landgericht, rồi sau đó là hợp pháp hóa thủ tục giấy tờ tại ĐSQ Việt Nam ở Đức.

Sau khi có bộ hồ sơ Đức đầy đủ, dịch ra tiếng việt, làm thành 2 bộ hồ sơ kèm theo đơn xin nhận con nuôi theo mẫu của Cục con nuôi (Việt Nam).

Nếu không về được Việt Nam nộp hồ sơ thì viết giấy ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, người quen nộp giúp.

Các giấy tờ của cháu bé, đồng ý của bố mẹ cháu và các giấy tờ khác có liên quan ở Việt Nam sẽ được Cục con nuôi thông báo.

Địa chỉ nhận hồ sơ xin nhận con nuôi & tư vấn: 58-60 đường Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo kinh nghiệm, trong trường hợp của bạn cháu, để có được ngoại lệ (Ausnahme) đối với Jugendamt là khó.

Theo Tuần tin tức.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC