Câu hỏi:

Tôi có người bạn đi Đức năm 1990 theo diện con lai mồ côi, nay có nguyện vọng được trở về Việt Nam sinh sống. Nhưng không có ai là thân nhân để bảo lãnh, và khả năng tài chính cũng không nhiều, chỉ mong muốn được trở lại quê hương rồi buôn bán nho nhỏ sống qua ngày, và sống ở nhà tôi, xin giúp dùm làm sao để được hồi hương, bạn tôi còn giữ lại 1 số giấy tờ đi Đức, theo diện con lai và học tại Philippin, tôi có thể đứng ra bảo lãnh cho bạn tôi không, hiện tại tôi cũng chỉ ở nhà buôn bán nhỏ thôi, chân thành cảm ơn. (Trần Ngọc Trâm – Email: [email protected])

Trả lời:

Trường hợp bạn nêu trên thì sẽ xảy ra trường hợp đó là:

1.Thứ nhất là: Đối với người xin hồi hương là con lai

Pháp luật Việt Nam không phân biệt người xin hồi hương là con lai hay người có bố, mẹ là người Việt Nam. Theo Điều 1 Quyết định số 875/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam, mọi công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam mà có đủ các điều kiện theo luật định sẽ được xem xét giải quyết cho hồi hương. Như vậy việc bạn của bạn là con lai sẽ không gây trở ngại gì tới việc xin hồi hương về Việt Nam.

Điều kiện để được hồi hương, đó là:

  • Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam. Nếu có quốc tịch Việt Nam đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
  • Thái độ chính trị rõ ràng (hiện không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam).
  • Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương.
  • Phải được cá nhân hoặc cơ quan tổ chức bảo lãnh.

2.Thứ hai là: Giấy tờ chứng minh là người Việt Nam (Vì người bạn đó chỉ còn một số giấy tờ đi M ỹ theo diện con lai)

Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 875/TTg, mục I Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ngày 28/11/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ , thì một trong những điều kiện mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam phải đáp ứng là:

  • Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam;
  • Nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Áp dụng quy định này, bạn của bạn không còn giữ hộ chiếu Việt Nam nên trong trường hợp bạn của bạn mang hộ chiếu nước ngoài, bạn của bạn phải chứng minh mình có quốc tịch Việt Nam và phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Điều kiện "Có quốc tịch Việt Nam" theo quy định tại điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG gồm hai trường hợp sau:

  1. Mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị do Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
  2. Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, thì phải có một trong các giấy tờ sau:
  • Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp;
  • Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về giấy tờ có giá trị thay thế chứng minh nhân dân (giấy thông hành hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp tại Việt Nam). Do đó để được hồi hương bạn của bạn phải có xác nhận đã đăng ký công dân do cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cấp.

3.Thứ ba là: Điều kiện để được bảo lãnh cho người nước ngoài hồi hương:

Thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh cần đáp ứng những điều kiện sau:

  • Là người đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam, không bị mất hoặc bị hạn chế quyền công dân.
  • Có quan hệ cùng dòng tộc với người được bảo lãnh, gồm quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô, bác, chú, dì nội ngoại.
  • Bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu)...

Nguyễn Văn Tuấn – Luật sư
Mobile: 0918 368 772
Công ty TNHH Newvision Law

Địa chỉ: Số nhà A16 đường Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC