Câu hỏi:

Tôi đã xa Việt Nam được 11 năm, trong thời gian qua tôi là một công dân của nước CHLB Đức, tôi được hưởng quyền lưu trú theo Điều 25, khoản 2 – Luật cư trú của Đức, điều đáng chú ý là tại đây hoàn cảnh của tôi lúc xuất cảnh tại Việt Nam thì tôi không dùng Hộ chiếu của Nhà nước Việt Nam, với một lý do của tôi cho rằng, Hộ chiếu của Việt Nam đi đến bất kỳ nơi đâu cũng bị người ta coi thường và bị kiểm tra nghiêm ngặt.

Trước đây, tôi vẫn có quốc tịch Việt Nam. Từ đó đến nay tôi không hề về nước, nay tôi xin đặt một câu hỏi với luật sư rằng: trong hoàn cảnh của tôi thì đến nay quốc tịch của tôi tại Việt Nam có còn hay đã mất rồi.

Trong lúc này thì Hộ chiếu của tôi do CHLB Đức cấp chỉ là thường trú thôi, không phải là quốc tịch Đức, tôi mong được luật sư trả lời. Xin chân trọng kính chào.

(Chu Thái B – Berlin, Đức; Email: v***[email protected])

Trả lời:

Về vấn đề trên của anh hỏi, tôi trả lời như sau:

Đến ngày 01/07/2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu muốn giữ quốc tịch gốc phải đăng ký.

Đây là nội dung trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam do Chính phủ ban hành.

Về việc đăng ký giữ quốc tịch, Nghị định hướng dẫn:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01/07/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Trong trường hợp của anh thì vẫn còn hộ chiếu Việt Nam, nhưng không nói rõ còn hiệu lực hay không.

Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01/07/2014.

Khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 ngày 13/11/2008 quy định:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.

Tại Điều 7 Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ 01/07/2009 thì:

“Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Thực hiện chính sách đó, Luật Quốc tịch đã quy định:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam; nếu không đăng ký trong thời hạn nói trên coi như mất quốc tịch Việt Nam.

Vì vẫn còn hộ chiếu Việt Nam nên để giữ quốc tịch thì phải đi đăng ký theo qui định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
Công ty TNHH Newvision Law

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC