Ngày 29/10, bà Bộ trưởng quốc vụ Aydan Özoguz, Đặc phái viên Chính phủ Liên bang Đức về Di trú, Người tị nạn và Hội nhập đã trình bày „Báo cáo về tình hình người nước ngoài tại Đức“. Đây là báo cáo lần thứ 10, dày hơn 700 trang,, bao gồm những con số thống kê, những nghiên cứu khoa học và điều tra dân số về tất cả những người có nguồn gốc nhập cư, tức là những người có quốc tịch nước ngoài và những người nước ngoài đã vào quốc tịch Đức.

 Theo con số thống kê, tính tới thời điểm 31/12/2013, cả nước Đức có 16,343 triệu người có nguồn gốc nhập cư, chiếm khoảng 20% dân số,  trong đó có 7,6 triệu người còn mang quốc tịch nước ngoài. Trong số này có 3,4 triệu người là công dân các nước EU và 4,2 triệu người thuộc các nước thứ ba.

 
Trong năm 2013 có 112.348 người nước ngoài được nhận quốc tịch Đức, trong đó có 3.299 người Việt Nam, chiếm 2,9 %.
 
Đặc biệt, Báo cáo lưu ý tới một danh hiệu lưu trú được áp dụng từ 1.7.2007 mà cho tới nay nhiều người không để ý, đó là „Giấy phép lưu trú lâu dài trong EU“ (Erlaubnis zum Daueraufenthalt-EU). Về mặt lưu trú, Giấy phép này có giá trị ngang với Giấy phép định cư (Niederlassungserlaubnis), nhưng có thêm một số lợi thế khác là có thể di cư sang một nước EU khác, được bảo vệ tốt hơn trước khả năng bị trục xuất, có thể ở nước ngoài lâu hơn 6 tháng, mà Giấy phép lưu trú lâu dài trong EU không bị mất hiệu lực (Theo điều 51 Luật lưu trú). Tính tới thời điểm 31/12/2013, tổng cộng mới có 8.000 người có Giấy phép lưu trú lâu dài trong EU, trong khi có hơn 1,1 triệu người có Giấy phép định cư.
 
Theo phán quyết của Tòa án Hành chính Liên bang ngày 19/3/2013, một người có thể được cấp nhiều danh hiệu lưu trú cạnh nhau. Vì vậy, Bà Đặc phái viên về Hội nhập khuyên những người có Giấy phép định cư theo điều 9 của Luật lưu trú nên nộp đơn xin thêm Giấy phép lưu trú lâu dài trong EU (theo điều 9a).
 
Phát biểu nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc vụ Özoguz nhấn mạnh rằng Báo cáo cho thấy nước Đức là một nước nhập cư và nước Đức đang trở thành một xã hội nhập cư.
 
Bà cho rằng nhiều thách thức hiện nay là do thiếu sót của quá khứ, cũng như những thiếu sót hiện nay sẽ gây ra những vấn đề hội nhập trong tương lai. Nhìn chung, tỉ lệ học sinh nước ngoài học kém vẫn nhiều hơn học sinh Đức. Ví dụ năm 2012 có tới 11,4 % học sinh nước ngoài rời nhà trường phổ thông mà không có bằng tốt nghiệp hệ 10 năm (Hauptschulabschluß) so với 4,9 % học sinh Đức. Bà cho rằng đáng báo động khi có tới 30,5% thanh niên nước ngoài từ 20 tới 29 tuổi không được đào tạo nghề và Báo cáo cho thấy thanh niên có nguồn gốc nhập cư bị phân biệt đối xử khi tìm nơi học nghề. Vì vậy, Bộ trưởng Quốc vụ Özoguz cho biết, ngay từ khi nhậm chức, bà đã lấy chủ đề đào tạo làm trọng tâm trong công tác của mình trong năm 2014.
 
Nguyệt Anh
Thời Báo



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC