Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng số".

Hãng tin Deutsche Welle (DW) của Đức cho hay hàng trăm nghìn người ở nước này đang phải trải qua nhiều tháng tuyệt vọng khi tìm kiếm một nơi ở có giá cả phải chăng. Việc mỗi căn hộ cho thuê nhận hàng trăm đơn xem nhà không còn là chuyện hiếm. Nếu đủ may mắn, khách thuê mới được mời. Thông thường, họ sẽ nhận được phản hồi: "Xin lỗi, chúng tôi đã chọn người khác".

Đức thiếu hơn 800.000 căn hộ và con số này ngày càng tăng. Khủng hoảng thiếu nhà ngày càng trầm trọng đến mức việc tìm được một nơi ở vừa túi tiền giống như "trúng số". Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, hơn 9,5 triệu người sống trong điều kiện chật chội.

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho biết khoảng 245.000 căn hộ được xây dựng năm 2023 và chỉ có 210.000 căn hộ trong năm nay. Với nguồn cung nhà quá thấp và nhu cầu quá cao, giá thuê nhà đã tăng vọt.

Báo cáo Thị trường Nhà ở Berlin 2024 của Berlin Hyp và CBRE cho biết giá nhà chào thuê ở Berlin hiện đã tăng 18,3% so với cùng kỳ 2023, lên 13,6 euro mỗi m2. Trong đó, giá thuê ở phân khúc giá cao tăng 8,7%, lên 26 euro mỗi m2. Phân khúc phổ thông ghi nhận mức tăng 4,9%, lên 6,25 euro mỗi mét vuông.

1 Tim Duoc Nha Gia Phai Chang O Duc Nhu Trung Xo So

Một góc thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: Pixabay

Ngày càng nhiều người không thuê được nhà tìm đến Hiệp hội Người thuê nhà Đức (Deutschen Mieterbund) để nhờ giúp đỡ. CEO Peter Kox cho biết hiệp hội hiện có lượng thành viên cao kỷ lục với gần 25.000 người và tăng mỗi ngày. "Mọi người đang trở nên rất tuyệt vọng", ông nói.

Đức là quốc gia dẫn đầu châu Âu về số lượng người ở nhà thuê, với hơn một nửa dân số không có nhà riêng. Đây cũng là quốc gia duy nhất ở Liên minh Châu Âu có nhiều người thuê nhà hơn người sở hữu nhà.

Theo các chuyên gia, việc chính phủ Đức giảm đầu tư cho nhà ở xã hội thời gian qua đã góp phần tạo nên khủng hoảng. Chuyên gia chính sách nhà ở Matthias Bernt, Quyền trưởng nhóm nghiên cứu chính trị và kế hoạch tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Không gian Leibniz cho biết nước này từng có 4 triệu căn nhà ở xã hội và 15 triệu căn nhà cho thuê, tức tỷ lệ 1:4.

"Ngày nay chúng ta có một triệu căn nhà ở xã hội và 21 triệu căn cho thuê, nghĩa là tỷ lệ 1:21. Nếu bằng cách nào đó bạn có thể mua được một căn nhà ở xã hội ngay hôm nay thì bạn vừa trúng số", Bernt nói. Ông cho biết giá trung bình các hợp đồng thuê mới tại Berlin cao hơn khoảng hai lần so với các hợp đồng cũ.

Chính phủ đang cố gắng kiểm soát tình hình, quy định giá thuê không được cao hơn 10% so với hợp đồng thuê tương đương ở khu vực đó. Tuy nhiên, không áp dụng với các tòa nhà mới, căn hộ được hiện đại hóa hoặc trang bị nội thất.

Theo Bernt, quy định vì thế có khá nhiều lỗ hổng. "Thật không đúng khi một nửa số căn hộ ở Berlin đang sử dụng thủ thuật trang bị nội thất một phần. Bằng cách đặt một chiếc bàn và tủ quần áo là có thể tính giá thuê cắt cổ", ông nói.

Nguồn cung sắp tới sẽ vẫn khan hiếm. Dữ liệu của chính phủ Đức công bố hôm 18/4 cho biết số lượng giấy phép xây dựng căn hộ ở Đức đã giảm 18,3% trong tháng 2 so với cùng kỳ 2023, còn 18.200 giấy phép.

Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Đức Andreas Mattner kêu gọi các bang cắt giảm thuế bán bất động sản để ngăn chặn sự suy giảm. "Xây dựng nhà ở đang trong một vòng xoáy đi xuống. Không thể tiếp tục như thế này", ông nói.

Lĩnh vực bất động sản từng là nền tảng của nền kinh tế Đức trong nhiều năm, chiếm khoảng 20% sản lượng và 10% việc làm, được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, hàng tỷ USD đã được đổ vào do được coi là kênh đầu tư ổn định và an toàn.

Tuy nhiên, lãi suất tăng mạnh khiến các nhà phát triển rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Số người làm việc trong lĩnh vực xây dựng giảm lần đầu tiên sau một thập kỷ. DW đánh giá chính phủ Đức còn lâu mới đạt được mục tiêu xây dựng 400.000 căn nhà mới mỗi năm, trong đó có 100.000 căn nhà ở xã hội.

Các hiệp hội ngành nghề xây dựng đang kêu gọi khoản tài trợ trị giá 23 tỷ euro (24,5 tỷ USD) để vượt qua khó khăn, cảnh báo về một "kịch bản nguy hiểm, trong đó cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở có thể gây ra hiệu ứng domino và gây thiệt hại lớn cho phần lớn nền kinh tế".

Họ cũng cho rằng sẽ khó thu hút lao động trình độ cao từ nước ngoài nếu họ không tìm được một căn hộ giá cả phải chăng. Ngoài ra, việc chính phủ liên bang không giữ lời hứa xây 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm có thể gây thất vọng cử tri. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Bộ trưởng Xây dựng Klara Geywitz kiên quyết từ chối cứu trợ.

Anh Kỳ (theo DW, Reuters)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC