Ba Lan triển khai 700 quân đến biên giới phía tây để hỗ trợ các chốt kiểm soát người di cư bất hợp pháp từ Đức và Latvia. Ba Lan kiểm tra có chọn lọc các phương tiện đáng ngờ, chú trọng vào các xe buýt và xe khách. Tổng cộng 65 chốt gác đã được thiết lập.

"Chúng tôi đang tăng cường an ninh. Đây là cách Ba Lan phản ứng mạnh mẽ với các mối đe dọa trong vấn đề di cư", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đăng trên X hôm 7/7, nhấn mạnh vai trò của quân đội trong nỗ lực bảo vệ an ninh biên giới.

Tuần trước, chính phủ Ba Lan thông báo tái áp đặt kiểm soát biên giới phía tây, kéo dài ít nhất đến ngày 5/8. Với 65 chốt kiểm soát đi vào hoạt động từ đầu tuần này, quân đội Ba Lan khởi động chiến dịch "Bảo vệ phía Tây" để tăng nhân lực ngăn người di cư vượt biên từ Đức và Litva, với tổng quân số huy động có thể lên đến 5.000 người.

Tạp chí Polska Zbrojna của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết đợt triển khai đầu tiên gồm 500 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ và 200 quân cảnh, hỗ trợ khoảng 800 sĩ quan biên phòng. Khoảng 300 cảnh sát cũng được điều động tham gia chiến dịch.

"Ba Lan kiểm tra có chọn lọc các phương tiện đáng ngờ, chú trọng vào các xe buýt và xe khách. Tổng cộng 65 chốt gác đã được thiết lập, trong đó 52 chốt nằm ở biên giới với Đức và 13 chốt ở biên giới với Litva", Bộ Nội vụ Ba Lan cho biết.

1 Ba Lan Dieu 700 Quan Ngan Nguoi Vuot Bien Tu Duc Va Latvia

Quân nhân Ba Lan kiểm tra phương tiện từ Đức qua chốt kiểm soát biên giới ngày 7/7. Ảnh: Bộ Nội vụ Ba Lan

Căng thẳng về kiểm soát biên giới bắt nguồn từ năm 2023, khi Đức áp dụng các biện pháp tương tự với dòng người di cư bất hợp pháp và xin tị nạn đi qua Ba Lan vào nước này.

Đến tháng 5, ngay sau khi chính phủ mới của Thủ tướng Friedrich Merz nhậm chức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt ra lệnh siết chặt kiểm tra biên giới, cho phép từ chối người xin tị nạn ngay tại đây và buộc họ quay về Ba Lan.

Động thái của Berlin làm gia tăng bất đồng với Warsaw. Các phong trào chống nhập cư cáo buộc Đức đang thúc đẩy di dân vượt biên vào Ba Lan, gồm cả những trường hợp đã qua Ba Lan để vào Đức lẫn những người đến Đức xin tị nạn qua các ngả khác, mâu thuẫn với các quy định hiện hành của Liên minh châu Âu (EU). Phía Đức phủ nhận cáo buộc này.

Vấn đề di cư tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trên chính trường châu Âu. Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang thu hút thêm sự ủng hộ bằng cách chỉ trích chính sách nhập cư của chính phủ.

2 Ba Lan Dieu 700 Quan Ngan Nguoi Vuot Bien Tu Duc Va Latvia

Biên giới dài 467 km giữa Đức và Ba Lan. Đồ họa: BBC

Ba Lan, Đức và Litva đều là thành viên khu vực Schengen, với nguyên tắc tự do đi lại giữa các nước thành viên mà không cần kiểm soát biên giới. Cơ chế này đối diện áp lực nặng nề kể từ làn sóng tị nạn tăng vọt năm 2015 do các xung đột ở Trung Đông. Theo quy định Schengen, các quốc gia nội khối có thể tạm thời tái lập kiểm soát biên giới trong trường hợp khẩn cấp.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố chính phủ ông "ủng hộ một châu Âu không biên giới", song nhấn mạnh các biện pháp hiện tại là cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của toàn EU và bảo vệ biên giới của toàn liên minh.

Bộ trưởng Nội vụ Tomasz Siemoniak khẳng định các biện pháp kiểm soát là cần thiết để ngăn di cư bất hợp pháp qua Ba Lan. Ông cảnh báo Warsaw sẵn sàng gia hạn chính sách siết chặt an ninh biên giới sau 30 ngày nếu Berlin không bỏ kiểm soát biên giới.

Người phát ngôn của Thủ tướng Merz bình luận rằng bảo vệ biên giới trước dòng người di cư bất hợp pháp là "mối quan tâm chung" của Đức, Ba Lan và các nước láng giềng châu Âu. "Chúng tôi không muốn duy trì kiểm soát biên giới trong thời gian dài", Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết.

Thanh Danh (Theo Guardian, RT, Reuters)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC