"Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Ông ấy vẫn để ngỏ cánh cửa đối với Nga, dù áp thuế lên cả những nước để mặc cho fentanyl tràn vào nước Mỹ, cùng với những hành vi xấu khác. Cánh cửa đó sắp đóng sập lại", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết hôm 13/7.
Ông Graham, đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, đang hợp tác với thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal để thúc đẩy dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga. Nghị sĩ Graham khẳng định dự luật này sẽ là "chiếc búa tạ dành cho Tổng thống Trump để giáng đòn vào nền kinh tế Nga lẫn mọi quốc gia đang giúp họ duy trì chiến sự Ukraine".
Tổng thống Trump đã nhiều lần cảnh báo sẵn sàng áp thêm các lệnh trừng phạt Nga nếu đàm phán giữa Moskva và Kiev không thể tiến đến thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời chỉ trích Tổng thống Putin trì hoãn tiến trình đối thoại.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tại Nhà Trắng ngày 28/2. Ảnh: AFP
Nghị sĩ Graham tự tin rằng Washington đang đứng trước "bước ngoặt lớn" liên quan đến xung đột Ukraine.
Ông khẳng định dự luật được lưỡng đảng ủng hộ sẽ mở ra cho Tổng thống Trump phương án áp thuế tới 500% đối với Nga và mọi quốc gia hỗ trợ Moskva, đồng thời lưu ý rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ có quyền điều chỉnh mức thuế lên hoặc xuống.
"Đây thực sự là chiếc búa tạ mà Tổng thống Trump có thể sử dụng để chấm dứt cuộc chiến", Graham nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng Washington đang chuẩn bị tăng tốc viện trợ vũ khí cho Kiev "ở mức kỷ lục" và cân nhắc các phương án sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa để tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ Ukraine.
Nghị sĩ Graham và Blumenthal giới thiệu dự luật này vào tháng 4, đến nay đã vận động được 85 nghị sĩ đồng bảo trợ. Phương án gia tăng trừng phạt Nga gần đây thu hút được sự ủng hộ rộng rãi ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi Tổng thống Trump công khai thể hiện thất vọng với Moskva.
Hai nghị sĩ Mỹ tuần trước cũng gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tuần trước và tiết lộ dự thảo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga. Sau cuộc gặp, Tổng thống Ukraine ca ngợi dự luật "chắc chắn sẽ là đòn bẩy có thể đưa hòa bình đến gần hơn và đảm bảo ngoại giao không trở nên sáo rỗng".
Moskva trong những năm qua nhiều lần lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga là trái với luật pháp quốc tế. Điện Kremlin cũng cho rằng phương Tây đang lợi dụng xung đột tại Ukraine để kiềm chế cơ hội phát triển của Nga.
Dù vậy, Tổng thống Putin cho rằng các lệnh trừng phạt đã phản tác dụng, giúp Nga trở nên tự lực hơn và ít phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng nói rằng chiến thuật áp thuế liên đới của Washington sẽ không thay đổi căn bản tình hình xung đột và rằng Moskva sẽ tiếp tục con đường "độc lập, có chủ quyền và bền vững của mình".
Thanh Danh (Theo RT, CBS, Reuters)
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Thái tử Iran Reza Pahlavi kêu gọi lật đổ chế độ Mullah sau cuộc tấn công của Israel 15/06/2025
-
Nga tìm cách lôi kéo Lào tham chiến ở Ukraine, tình báo Ukraine cáo buộc 05/07/2025
-
Hun Sen tung bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng khiến Thủ tướng Thái Lan bẽ bàng 18/06/2025
-
Iran trên con đường "Syria hóa": Quá trình tan rã khó lòng đảo ngược 18/06/2025