Đang có những suy đoán rằng quyền lực chính trị của ông Tập Cận Bình không còn lớn như xưa
Thay cho ông Tập, Thủ tướng Lý Cường sẽ tham dự thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra tại Brazil từ ngày 6 – 7/7, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 2/7.
BRICS là một khối đa phương với 10 thành viên là các nền kinh tế mới nổi, phần lớn đến từ Nam Toàn cầu (Global South).
Trong một bài viết đăng ngày 2/7, kênh Channel News Asia (CNA) của Singapore dẫn lời đánh giá của các chuyên gia cho rằng áp lực trong nước có thể là nguyên nhân khiến ông Tập vắng mặt.
"Có thể là do sự bất định trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng với Mỹ, tình trạng tiêu dùng ảm đạm, khủng hoảng bất động sản kéo dài, hay quá trình hoạch định cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc," bài viết nêu.
Trong thời gian gần đây, việc đột nhiên không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần (từ ngày 21/5 đến ngày 5/6) của ông Tập Cận Bình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Theo bài viết ngày 30/6 trên trang của CNBC, sự kiện ông Tập biến mất hai tuần đã làm "dấy lên những suy đoán về sự chuyển dịch quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC)".
"Mặc dù những vụ 'biến mất' như vậy không phải không có tiền lệ, nhưng các nguồn tin tình báo nói với CNN-News18 rằng Trung Quốc có tiền lệ gạt bỏ các lãnh đạo cấp cao, thường là bằng cách cắt giảm quyền lực thực tế và chỉ để họ giữ lại những chức vụ mang tính lễ nghi," bài viết nêu.
Thiếu đi ông Tập, tính hiệu quả của thượng đỉnh BRICS được cho là bị ảnh hưởng tương đối, đặc biệt sau khi Nga thông báo vào cuối tháng Sáu rằng Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ không tới tham dự sự kiện do lệnh bắt giữ mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.
Tuy nhiên, trong khi Điện Kremlin đã cho biết ông Putin sẽ tham dự trực tuyến, Trung Quốc chưa công bố liệu ông Tập có làm điều tương tự hay không.
Trước đó, ông Tập từng tham dự thượng đỉnh BRICS trực tuyến hai lần trong thời kỳ đại dịch Covid.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/7, Tân Hoa xã đăng tải bài viết có nhan đề Ông Tập Cận Bình ủng hộ sự nghiệp của Nam Toàn cầu, khẳng định những đóng góp của Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đối với sự phát triển của BRICS.
Chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc?
Mọi chuyện bắt đầu vào đầu tháng Sáu, với một số tờ báo đưa ra phân tích về sự khác thường trong cách đưa tin của báo chí Trung Quốc về cuộc họp hằng tháng của Bộ Chính trị Trung Quốc.
Theo bài phân tích ngày 5/6 trên NikkeiAsia, việc tổ chức các cuộc họp như vậy mỗi tháng một lần được nêu rõ trong điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dẫu vậy, đến đầu tháng Sáu vẫn không bất cứ thông tin nào về kỳ họp tháng Năm của Bộ Chính trị, trong khi trước đó tin tức về kỳ họp tháng Tư được đưa ra ngay trong ngày.
Tuy nhiên, "có khả năng cuộc họp đã thực sự diễn ra nhưng không thể được đưa tin do tính chất bảo mật cao của các cuộc thảo luận," bài viết nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bài viết này cũng chỉ ra hai yếu tố "lạ" khác trong chính trường Trung Quốc.
Đầu tiên, Bộ Quốc phòng bất ngờ xóa tên ông Miêu Hoa, Ủy viên Quân ủy Trung ương và từng là Chủ nhiệm Ban công tác chính trị Quân ủy Trung ương, khỏi danh sách thành viên Quân ủy trên trang web của bộ mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Tiếp đến, ông Hà Vệ Đông, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, biến mất đã hơn hai tháng (tính tới thời điểm đăng bài viết).
Một số bài viết khác, trên CNN hoặc tạp chí Foreign Policy, đều đánh giá ông Hà Vệ Đông là một người trung thành với ông Tập Cận Bình.
Đến cuối tháng Sáu, Tân Hoa Xã đưa tin ông Miêu Hoa đã bị miễn nhiệm khỏi vị trí ủy viên Quân ủy Trung ương.
Trong khi đó, tới hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ông Hà Vệ Đông đã xuất hiện lại hay chưa. Nhiều tờ báo suy đoán rằng việc ông biến mất là do cuộc "thanh trừng quan chức quân đội" đang diễn ra ở Trung Quốc.
Cả ông Hà Vệ Đông và ông Miêu Hoa đều được đánh giá là thân tín của ông Tập Cận Bình.
Bài viết ngày 30/6 trên CNBC dẫn nguồn tin nói rằng đang có sự dịch chuyển quyền lực nội bộ ở Trung Quốc, dẫn chứng việc "Tư tưởng Tập Cận Bình" ít được nhắc tới hơn và sự xuất hiện trở lại của các ủy viên cấp cao từng bị gạt ra ngoài.
"Các nguồn tin cho rằng trung tâm quyền lực hiện nay có thể đã chuyển sang Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, người được cho là nhận được sự hậu thuẫn từ các nhân vật cấp cao trong Đảng có liên hệ với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào," bài viết nêu.
Ông Trương là một tướng lĩnh kỳ cựu và là ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Hồ Cẩm Đào là người từng bị làm bẽ mặt công khai vào năm 2022, khi bất ngờ bị hộ tống ra khỏi Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sự kiện này khi đó được đánh giá là biểu trưng cho chiến thắng tuyệt đối của ông Tập trong cuộc chiến chính trị Trung Quốc.
Ông Hồ Cẩm Đào đang được đưa ra khỏi Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022
Trong một bài viết đăng ngày 19/6, tờ NikkeiAsia cho rằng ông Tập và ông Trương vẫn "cùng phe".
Tờ báo này đánh giá rằng dường như tầm ảnh hưởng chính trị của ông Tập đang bị suy yếu và chủ tịch Trung Quốc đang kêu gọi tìm sự ủng hộ từ các "quý tộc đỏ" (red aristocrats).
"Quý tộc đỏ" là thành phần "danh gia vọng tộc" trong chính trường Trung Quốc, bao gồm "thái tử đảng" (princelings) - con cháu của các quan chức cấp cao trong CPC hiện tại – và "hồng nhị đại" (second-generation reds) - con cái của các lãnh đạo đảng thời cách mạng.
Ông Tập Cận Bình và ông Trương Hữu Hiệp đều là "hồng nhị đại". Cha ông Tập và cha ông Trương từng là bạn chiến đấu.
Hiện tại, những "quý tộc đỏ" cùng thời với ông Tập Cận Bình hầu hết đã bị gạt ra khỏi chính trường Trung Quốc, với ông Trương là ngoại lệ.
Sau khi ông Hà Vệ Đông và ông Miêu Hoa "bị loại", số lượng ủy viên Quân ủy Trung ương chỉ còn bốn người - ông Tập, ông Trương và hai tướng quân đội khác.
Đến ngày 30/6, Bộ Chính trị đã tiến hành một cuộc họp do ông Tập Cận Bình chủ trì.
Thông báo do Quốc vụ viện Trung Quốc đăng tải cùng ngày cho thấy cuộc họp nhấn mạnh rằng việc thành lập các cơ quan ra quyết định, thảo luận và phối hợp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một sắp xếp thể chế quan trọng nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong thông báo nhấn mạnh đến việc các cơ quan ra quyết định, thảo luận và phối hợp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "phải có nhận thức chính xác về trách nhiệm và vai trò của mình".
"Họ cần tập trung vào việc lập kế hoạch, thảo luận và giám sát các nhiệm vụ trọng điểm, đồng thời cung cấp sự chỉ đạo và phối hợp toàn diện, hiệu quả hơn đối với các sáng kiến trọng điểm. Trong khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp, các cơ quan này phải tránh tiếp quản chức năng của cơ quan khác hoặc vượt quá thẩm quyền."
Từ năm 2013, khi ông Tập lên nắm quyền, hàng loạt "tiểu ban lãnh đạo" phụ trách các lĩnh vực chính sách khác nhau lần lượt được thành lập dưới quyền Trung ương Đảng, và ông Tập giữ vai trò lãnh đạo. Một số tiểu ban sau đó được nâng cấp thành các ủy ban cấp cao.
Theo NikkeiAsia, cách làm này, thường được gọi là "chính trị tiểu ban" hay "chế độ tiểu ban", đã giúp ông Tập tập trung quyền lực vào tay mình. Tuy nhiên, việc thành lập các ủy ban cải cách và an ninh quốc gia đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các vấn đề kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.
Giờ đây, việc tạm gác chính sách đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu để ưu tiên phục hồi kinh tế được cho là một trong những mục tiêu chính của Bộ Chính trị khi quyết định thiết lập các quy định mới, cũng theo NikkeiAsia.
Tờ báo có trụ sở tại Tokyo này đồng thời dẫn lời một chuyên gia am hiểu chính trị Trung Quốc rằng việc ông Tập tập trung quyền lực "đã qua thời kỳ đỉnh cao."
Chuyên gia này cho biết thêm, việc Bộ Chính trị quyết định rà soát lại hệ thống phối hợp chính sách và ra quyết định được thiết lập từ năm 2013 – vốn là cơ chế đã cho phép ông Tập độc quyền quyền lực – có thể cũng là một dấu hiệu cho thấy điều gì đó đang manh nha trong nội bộ Đảng: một sự quay lại truyền thống lãnh đạo tập thể.
Ông Tập Cận Bình trong Thượng đỉnh BRICS 16 tại Brazil hồi tháng 10/2024
Trong một diễn biến liên quan, ông Vương Tập Tư, Chủ tịch sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (IISS) thuộc Đại học Bắc Kinh, đã đăng tải một bài viết cảnh báo về chính sách đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu của chính quyền Tập Cận Bình.
Ông Vương nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia cần được cân bằng với các mục tiêu quốc gia khác, trong đó có phát triển kinh tế.
Trước khi đưa ra kết luận đó, ông Vương đã phân tích những tác động tiêu cực của việc quá nhấn mạnh đến an ninh quốc gia, với dẫn chứng từ nước Đức và Nhật Bản trước Thế chiến II.
Bài viết của ông Vương được đăng tải ngày 12/6 trên trang web của Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu (IGCU) thuộc Đại học Bắc Kinh. Bản gốc được xuất bản từ tháng Ba trên một tạp chí học thuật do Nhà xuất bản Thế giới – đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc – phát hành.
Bài viết này không bị cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc gỡ bỏ.
Đến ngày 23/6, bài viết còn được đăng lại trên trang web của Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa – ngôi trường mà ông Tập Cận Bình từng theo học.
Nguồn: BBC
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Thái tử Iran Reza Pahlavi kêu gọi lật đổ chế độ Mullah sau cuộc tấn công của Israel 15/06/2025
-
Học sinh xả súng ở trường trung học, ít nhất 9 người chết 10/06/2025
-
Hun Sen tung bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng khiến Thủ tướng Thái Lan bẽ bàng 18/06/2025
-
Nga đặt điều kiện mới để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine: NATO rút khỏi khu vực Baltic 11/06/2025