Báo The Kyiv Independent của Ukraine tối 10/7, theo giờ địa phương, cho biết lần đầu tiên kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phê duyệt việc gửi vũ khí cho Kiev theo cơ chế Quyền Rút gọn của tổng thống (PDA), một quyền lực thường xuyên được người tiền nhiệm của ông sử dụng, đánh dấu sự thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga.
The Kyiv Independent cho biết theo các nguồn tin am hiểu về quyết định này, tiết lộ với hãng tin Reuters ngày 10/7, nhóm của Tổng thống Trump sẽ xác định các loại vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ để chuyển giao cho Ukraine. Một nguồn tin cho biết giá trị của gói viện trợ này có thể vào khoảng 300 triệu USD.
Tổng thống Trump đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này phòng thủ trước các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Liên bang Nga. Mặc dù các thiết bị cụ thể chưa được quyết định, nhưng các nguồn tin cho biết gói viện trợ có thể bao gồm các tên lửa phòng không Patriot và các loại tên lửa tấn công tầm trung. Quyết định liên quan có thể được đưa ra trong cuộc họp vào thứ Năm (10/7), theo giờ địa phương.
Cho đến nay, viện trợ quân sự của chính quyền Trump dành cho Ukraine chỉ bao gồm các loại vũ khí đã được cựu Tổng thống Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Kiev, phê duyệt.
Quyền Rút gọn của tổng thống (PDA) cho phép Tổng thống Mỹ trực tiếp chuyển giao vũ khí từ kho quân sự của nước này trong trường hợp khẩn cấp.
Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.
Lập trường của Tổng thống Trump về việc hỗ trợ Ukraine từng được cho là thiếu nhất quán. Đôi khi ông chỉ trích chi tiêu của Mỹ và bày tỏ quan điểm tích cực về Liên bang Nga, nhưng cũng có lúc ông bày tỏ sự ủng hộ Kiev và chỉ trích Điện Kremlin. Hiện tại, Mỹ còn khoảng 3,86 tỷ USD trong ngân sách PDA dành cho Ukraine, với gói PDA gần nhất là khoản viện trợ trị giá 500 triệu USD do ông Biden phê duyệt vào ngày 9/1/2025.
Theo báo The Kyiv Independent, những ưu tiên cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay bao gồm các tên lửa đánh chặn Patriot và pháo phản lực di động GMLRS, cả hai đều có thể nằm trong gói viện trợ mới. Do kho vũ khí của Mỹ được bố trí sẵn ở châu Âu, các loại vũ khí này có thể đến tiền tuyến chỉ trong vài ngày sau khi được phê duyệt.
Đầu tháng này, chính quyền Trump đã tạm thời đình chỉ việc vận chuyển một số loại vũ khí quan trọng vốn đã được chính quyền Biden phê duyệt, mặc dù một số lô hàng trong số đó hiện đã được nối lại.
Quốc hội Mỹ đã phê duyệt gần 175 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine và các đồng minh của nước này trong khoảng ba năm rưỡi kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo nước này đã nhận được tất cả các tín hiệu chính trị cần thiết để Mỹ nối lại viện trợ quân sự, sau cuộc thảo luận mà ông mô tả là mang tính xây dựng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông Zelensky, Ukraine đã có lịch trình và chi tiết về các đợt cung cấp vũ khí sắp tới, đồng thời đánh giá cao sự tham gia của các đại diện Mỹ trong cuộc họp các quốc gia ủng hộ Kiev.
Cũng trong ngày 10/7, Tổng thống Ukraine thông báo sẽ thay thế Đại sứ tại Mỹ và đang cân nhắc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đảm nhiệm vị trí này.
Ông Zelensky nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Đại sứ mới là tăng cường nỗ lực phòng vệ của Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga và cho rằng ông Umerov là nhân vật then chốt để thực hiện mục tiêu này.
Theo Reuters
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Thái tử Iran Reza Pahlavi kêu gọi lật đổ chế độ Mullah sau cuộc tấn công của Israel 15/06/2025
-
Nga tìm cách lôi kéo Lào tham chiến ở Ukraine, tình báo Ukraine cáo buộc 05/07/2025
-
Hun Sen tung bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng khiến Thủ tướng Thái Lan bẽ bàng 18/06/2025
-
Iran trên con đường "Syria hóa": Quá trình tan rã khó lòng đảo ngược 18/06/2025