Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng gặp mặt trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Istanbul vào thứ Năm ngày 15/5 để đàm phán về chấm dứt chiến tranh.

1 Ong Zelensky Thach Ong Putin Gap Mat Tong Thong Nga Dang Suy Tinh Gi

Bài đăng của ông trên mạng xã hội X xuất hiện ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Ukraine đồng ý lời đề nghị của Tổng thống Nga Putin về đàm phán trực tiếp giữa hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ.

"Việc kéo dài các vụ giết chóc là vô nghĩa. Và tôi sẽ đợi Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Trực tiếp," ông Zelensky viết.

Trước đó, ông từng nói Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga nhưng chỉ sau khi lệnh ngừng bắn được thiết lập.

Các cường quốc phương Tây kêu gọi lệnh ngừng bắn 30 ngày bắt đầu từ ngày 12/5, sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu dẫn đầu "liên minh những người sẵn lòng" gặp nhau tại Kyiv vào thứ hôm 10/5.

Lời đề nghị đàm phán trực tiếp của ông Putin diễn ra sau lời kêu gọi đó.

Vào ngày 11/5, ông Trump đăng trên mạng xã hội rằng Ukraine nên đồng ý "ngay lập tức" và điều này sẽ làm rõ liệu có cách nào để chấm dứt chiến tranh hay không.

"Ít nhất họ sẽ có thể xác định liệu một thỏa thuận có khả thi hay không, và nếu không, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ biết tình hình như thế nào để có thể tiến hành phù hợp," ông viết.

Ông nói thêm: "Hãy gặp nhau, ngay bây giờ!"

Trong bài đăng trên X, Tổng thống Zelensky nói ông hy vọng Nga sẽ đồng ý ngừng bắn trước khi đàm phán.

"Chúng tôi chờ đợi một lệnh ngừng bắn đầy đủ và lâu dài, bắt đầu từ ngày mai, để tạo cơ sở cần thiết cho ngoại giao," ông viết.

Trong bài phát biểu đêm khuya ngày 10/5, ông Putin mời Ukraine tham gia "các cuộc đàm phán nghiêm túc" về cuộc chiến, bắt đầu bằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm 2022.

Tổng thống Putin cho hay ông "không loại trừ" khả năng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến việc Nga và Ukraine đồng ý "một lệnh ngừng bắn mới" - nhưng không đề cập trực tiếp đến lời kêu gọi ngừng bắn 30 ngày.

Nhà lãnh đạo Nga nói:

"Đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới một nền hòa bình lâu dài, bền vững, thay vì khúc dạo đầu cho các hành động thù địch vũ trang hơn nữa sau khi quân đội Ukraine nhận được vũ khí và nhân sự mới, sau khi sốt sắng đào hào và thiết lập các sở chỉ huy mới."

Moscow đã nhấn mạnh trước khi Nga có thể xem xét ngừng bắn, phương Tây phải ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Vào ngày 10/5, Tổng thống Ukraine đã tiếp đón Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Đảng CDU Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Kyiv - những người sau đó đã gọi điện cho ông Trump để thảo luận về kế hoạch của họ.

Thủ tướng Anh Starmer sau đó nói với BBC rằng tổng thống Mỹ "hoàn toàn rõ ràng" rằng đề xuất ngừng bắn ngay lập tức của họ là "một yêu cầu phải được đáp ứng".

Xuất hiện trong một cuộc họp báo với ông Zelensky, các nhà lãnh đạo này báo rằng "các lệnh trừng phạt mới và lớn" sẽ được áp đặt lên các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga nếu ông Putin không đồng ý với lệnh ngừng bắn 30 ngày vô điều kiện "trên không, trên biển và trên đất liền".

Nga và Ukraine lần cuối đàm phán trực tiếp vào tháng 3/2022 tại Istanbul, ngay sau khi Moscow phát động cuộc xâm lược.

Hơn ba năm sau, cả hai bên đã đồng ý về nguyên tắc nối lại đàm phán. Nhưng đàm phán và thỏa thuận là hai việc rất khác nhau. Cả hai bên dường như vẫn giữ nguyên các lằn ranh đỏ của mình - vốn xa cách hơn bao giờ hết.

Đề nghị của ông Putin có thể nhằm chia rẽ Mỹ và châu Âu

2 Ong Zelensky Thach Ong Putin Gap Mat Tong Thong Nga Dang Suy Tinh Gi

Các nhà lãnh đạo châu Âu gặp nhau ở Kyiv hôm 10/5

Bài viết của Steve Rosenberg - Biên tập viên về Nga của BBC:

Chúng ta đã thấy điều này trước đây: Vladimir Putin không phản ứng tốt với những tối hậu thư. Chúng ta lại thấy điều đó, đêm qua, tại Điện Kremlin.

Tổng thống Putin đã chỉ trích các cường quốc châu Âu vì nói chuyện với Nga "một cách thô lỗ và bằng tối hậu thư".

Ông không đi vào chi tiết. Ông không cần phải làm vậy.

Đây rõ ràng là phản ứng của ông đối với tối hậu thư mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra ở Kyiv.

Họ đã cảnh báo Moscow rằng nếu Nga không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày kể từ ngày 12/5, sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Vào ngày 10/5, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng "nếu ông ấy [Putin] thực sự nghiêm túc về hòa bình, thì ông ấy có cơ hội để thể hiện điều đó".

Phản ứng của Điện Kremlin: chúng tôi nghiêm túc, nhưng chúng tôi sẽ thể hiện theo cách của chúng tôi.

Cách của Putin (đề xuất nhằm đáp trả của ông) là đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5 tới.

Nhưng, quan trọng là, không có lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Vậy, liệu đề nghị của Điện Kremlin có phải là một sáng kiến hòa bình nghiêm túc? Hay đó chỉ đơn giản là một nỗ lực của Moscow để kéo dài thời gian và kéo dài cuộc chiến? Và, với đề xuất này, liệu Nga cũng đang cố gắng chia rẽ liên minh phương Tây đang ủng hộ Ukraine?

Hãy bắt đầu với một câu hỏi ngắn gọn nhưng then chốt: liệu Vladimir Putin có muốn hòa bình không?

Ông ta tuyên bố là có. Nhưng hòa bình định nghĩa theo các điều khoản của Nga.

Moscow nghĩ họ có ít lợi ích từ một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày nhất là khi người Nga tin rằng họ hiện đang nắm thế chủ động trên chiến trường ở Ukraine.

Nhưng Nga cũng không muốn bị coi là một trở ngại cho hòa bình. Họ rất muốn duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền Donald Trump - điều mà Điện Kremlin đã nỗ lực cải thiện quan hệ.

Nếu sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga tiếp tục, Điện Kremlin sẽ hy vọng được giảm nhẹ trừng phạt nhanh chóng và có được sự thúc đẩy kinh tế.

Bằng cách đề xuất đàm phán trực tiếp ở Istanbul, Tổng thống Putin đang gửi một tín hiệu đến Nhà Trắng: "Tôi là một người yêu chuộng hòa bình."

Nhưng bằng cách không cam kết ngừng bắn ngay lập tức trong 30 ngày, rất có khả năng Nga sẽ tiếp tục chiến tranh và tiến hành chiếm giữ thêm lãnh thổ Ukraine.

Việc nhà lãnh đạo Điện Kremlin đề cập mơ hồ đến việc "không loại trừ" rằng các cuộc đàm phán ở Istanbul có thể dẫn đến "các lệnh ngừng bắn mới" sẽ bị Kyiv đón nhận với sự hoài nghi sâu sắc.

Và khi chúng ta nói về chiến tranh và hòa bình, hãy nhớ rằng chính Tổng thống Putin là người đã ra lệnh xâm lược toàn diện Ukraine vào năm 2022.

Đây là quyết định của ông, một quyết định bị nhiều người coi là một nỗ lực nhằm kéo Ukraine trở lại quỹ đạo của Moscow.

Tuy nhiên, ông không gọi đó là chiến tranh. Ông mô tả hành động của Nga là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Nhưng ông Putin đã tuyên bố:

"Thực tế là đang có giao tranh, đang có chiến tranh. Nhưng chúng tôi đang đề nghị nối lại các cuộc đàm phán đã bị gián đoạn, mà không phải do chúng tôi gây ra. Vậy thì có gì không tốt chứ?"

3 Ong Zelensky Thach Ong Putin Gap Mat Tong Thong Nga Dang Suy Tinh Gi

Ông Putin tại Điện Kremlin hôm 10/5

Điện Kremlin có thể đang tính toán rằng đề nghị đàm phán trực tiếp ở Istanbul của họ sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa chính quyền Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Sau tuyên bố của ông Putin, Tổng thống Trump đã ca ngợi đây là một "ngày có tiềm năng tuyệt vời cho Nga và Ukraine" trong một bài đăng trên mạng xã hội, và hứa sẽ "tiếp tục làm việc với cả hai bên để đảm bảo điều đó xảy ra".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả đề nghị của ông Putin là một "bước đầu tiên, nhưng chưa đủ". Tổng thống Pháp cũng nói rằng "không thể có lệnh ngừng bắn vô điều kiện mà không có đàm phán trước đó".

Ông Putin đã công bố đề xuất của mình trong một tuyên bố vào đêm khuya bên trong Điện Kremlin.

Tôi nằm trong số ít các nhà báo nước ngoài được mời tham gia cùng các phóng viên Nga tại nơi mà chúng tôi được thông báo sẽ là một cuộc họp báo.

Chúng tôi đã đợi vài giờ để sự kiện bắt đầu. Sau cùng, tổng thống Nga đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Sau khi đưa ra tuyên bố của mình, ông rời khỏi hội trường.

Nguồn BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC