Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế có giá trị trên 45 triệu NDT (6,3 triệu USD) từ Liên minh châu Âu (EU).

1 Trung Quoc Dap Tra Eu Han Che Hop Dong Mua Sam Thiet Bi Y Te

Ảnh minh họa căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc - Ảnh: ORCA

Thông báo ngày 6-7 của phía Trung Quốc là bước đi tiếp theo của Bắc Kinh sau khi EU ban hành lệnh cấm tương tự với các công ty Trung Quốc.

Trong thông báo, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết các công ty của EU, trừ những doanh nghiệp có vốn đầu tư của châu Âu nhưng đăng ký hoạt động tại Trung Quốc, sẽ bị loại khỏi các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của Chính phủ Trung Quốc có giá trị trên 45 triệu NDT. 

Theo Hãng tin AFP, quy định có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng với nhiều loại sản phẩm: từ thiết bị và phụ tùng nhân tạo (bộ phận giả) đến máy móc y tế và dụng cụ phẫu thuật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nói rõ Bắc Kinh sẽ hạn chế nhập khẩu những thiết bị y tế có tỉ lệ linh kiện sản xuất tại EU chiếm hơn 50% giá trị hợp đồng. Thời gian áp dụng cũng ngay từ ngày 6-7.

Đây là biện pháp đáp trả mới nhất phản ánh quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa hai đối tác lớn của thế giới.

Theo báo Times of India, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến thăm ngoại giao tới trụ sở EU ở Bỉ, rồi thăm Pháp và Đức vào tuần trước để giảm bớt căng thẳng, các vấn đề tồn tại lâu nay vẫn tồn tại, chủ yếu là do thâm hụt thương mại lên đến 357,1 tỉ USD giữa EU và Trung Quốc.

Trong tuyên bố liên quan căng thẳng giữa Trung Quốc và EU đưa ra ngày 6-7, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ thiện chí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương nhưng phía EU vẫn cho triển khai các biện pháp mang tính hạn chế và thiết lập rào cản mới.

"Vì vậy, Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp hạn chế tương ứng", tuyên bố của Bộ Tài chính nêu rõ.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU liên tiếp có những dấu hiệu căng thẳng. Hôm 20-6, EU thông báo lệnh cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu những hợp đồng mua sắm thiết bị y tế của khối này có giá trị từ 5 triệu euro (khoảng 5,8 triệu USD) trở lên, với lý do các công ty của EU không được tiếp cận công bằng trên thị trường Trung Quốc. 

Biện pháp hạn chế của EU liên quan đến nhiều loại vật tư y tế, từ khẩu trang y tế đến máy chụp X-quang. Vào thời điểm đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đây là động thái đáp trả phản ứng trước việc các thiết bị y tế của khối không được tham gia các hợp đồng của Chính phủ Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên EU đưa ra biện pháp theo Cơ chế Công cụ mua sắm quốc tế (IPI) của khối. Được thông qua và có hiệu lực trong năm 2022, cơ chế này giúp EU có thêm đòn bẩy trong đàm phán với các đối tác ngoài khối nhằm đảm bảo sự tiếp cận đối đẳng trên thị trường mua sắm công. 

Theo số liệu của EC, gần 90% các hợp đồng mua sắm công trong lĩnh vực thiết bị y tế tại Trung Quốc có dấu hiệu phân biệt đối xử hoặc loại trừ doanh nghiệp EU.

Ngoài lĩnh vực thiết bị y tế, EU và Trung Quốc cũng có những căng thẳng trong các lĩnh vực khác như ô tô điện, đường sắt, pin mặt trời, tua bin gió và mới đây nhất là rượu mạnh. 

Những căng thẳng mới này diễn ra trong bối cảnh hai bên dự kiến sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 7 này tại Trung Quốc nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng theo Hãng tin Bloomberg, Bắc Kinh có thể hủy ngày làm việc thứ hai của hội nghị được cho là nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC