Chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Moscow không chỉ là biểu tượng ngoại giao, mà còn là minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Nga và khu vực Á-Âu.

1 Trung Quoc Va Cuoc Tieu Hoa Nuoc Nga Tap Can Binh Dang Dinh Hinh Lai Quyen Luc Toan Khu Vuc

Chuyến công du gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow là một sự kiện mang tính biểu tượng cao, nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ mục tiêu sâu xa của Bắc Kinh: khẳng định ảnh hưởng vượt trội của mình lên nước Nga đang suy yếu. Trong mắt nhiều nhà quan sát, đây không khác gì một chuyến “thị sát” các vùng lãnh thổ phía bắc, nơi Trung Quốc ngày càng xem như phạm vi ảnh hưởng của mình – cả về địa chính trị lẫn nhân khẩu học.

Tập và Putin đã có cuộc gặp kéo dài ba tiếng rưỡi sau cánh cửa đóng kín.

Dù nội dung trao đổi không được công bố, giới phân tích cho rằng Moscow – trong bối cảnh bị cô lập và kiệt quệ bởi chiến tranh – đang dần trở thành một chư hầu của Bắc Kinh. Điều này không gây ngạc nhiên với những người đã dự báo từ hai thập kỷ trước rằng Nga sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc khi mất dần vị thế toàn cầu.

Chiến tranh kéo dài là lợi thế cho Trung Quốc

Một điểm then chốt trong chiến lược của Bắc Kinh là để cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục diễn ra. Tập Cận Bình, với ảnh hưởng của mình, hoàn toàn có thể tác động để Putin xuống thang. Nhưng ông không làm vậy.

Vì Bắc Kinh không cần một chiến thắng cho Nga, cũng không cần Ukraine phải thua – điều mà Trung Quốc thực sự cần là một nước Nga ngày càng lệ thuộc.

Chiến tranh khiến Nga suy yếu từng ngày. Trong bối cảnh hàng trăm nghìn nam giới Nga – đặc biệt từ các khu vực phía đông – bị huy động ra tiền tuyến, cấu trúc dân số nước này bắt đầu biến động theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Mất cân bằng giới tính và dân số sụt giảm đang mở ra cơ hội để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng về nhân khẩu học tại những vùng đất sát biên giới hai nước.

Trung Quốc không quên lịch sử – và đang hành động

Giới trẻ Trung Quốc ngày nay được giáo dục từ nhỏ rằng vào năm 1860, Đế quốc Nga đã chiếm đoạt 1,5 triệu km² lãnh thổ Trung Quốc – một diện tích tương đương ba lần nước Pháp. Những vùng đất như Vladivostok hay khu vực quanh hồ Baikal được xem là phần bị cướp mất của “Trung Hoa lịch sử”.

Khi Nga ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và bị cô lập, viễn cảnh Bắc Kinh đòi lại những “vùng lãnh thổ lịch sử” không còn là điều viển vông.

Trung Quốc, vốn trước đây giữ thái độ “giấu mình chờ thời”, giờ đây không còn che giấu tham vọng: họ đang trực tiếp tham gia các hoạt động thương mại, hậu cần, thậm chí cả quân sự qua Trung Á và bán đảo Triều Tiên – những bước đi cho thấy vai trò bảo trợ ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh.

Nga – con tốt trong ván cờ lớn của Trung Quốc

Quá trình “tiêu hóa” nước Nga không còn là một phép ẩn dụ. Với chiến lược lâu dài, kiên trì và không cần nổ súng, Trung Quốc đang bẻ gãy dần dần chủ quyền thực tế của Nga – một cường quốc hạt nhân nhưng đang mất phương hướng.

Nếu không có những chuyển biến lớn trong nội bộ chính trị Nga hoặc thay đổi cán cân toàn cầu, quá trình này sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

— Garry Kasparov

Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC (biên dịch)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC