Mỹ quyết kiểm soát chất xám đổ về Trung Quốc trong khi vừa bắt thêm gián điệp ngay tại sân bay.

Marco Polo, một tổ chức nghiên cứu tại Học viện Paulson ở Chicago mới đây công bố một nghiên cứu cho thấy, người Mỹ đang tự tước đi lợi thế cạnh tranh của chính mình – nguồn chất xám tốt nhất.

42 1 Truy Lung Gian Diep Trung Quoc Chat Xam Dang Roi My

Người Trung Quốc muốn ở Mỹ để cống hiến thay vì về nước?

Theo ý kiến ​​của các chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu Marco Polo, phân tích các công trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thành công nhất được trích dẫn nhiều nhất trên các tạp chí khoa học và các hội thảo khoa học hàng đầu, các nhà khoa học từ Trung Quốc đang đóng góp phần đáng kể cho khoa học Mỹ.

Ví dụ, trong số các công trình nghiên cứu được trình bày tại sự kiện lớn nhất trong ngành này là “Hội nghị quốc tế hàng năm về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh nhân tạo” thì có hơn một nửa được viết bởi các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và công ty Mỹ: Google, Microsoft Research, Đại học Stanford, Đại học Carnegie Mellon, Viện Công nghệ Massachusetts.

Trong số đó, 30% công trình được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Hầu hết trong số họ đã tốt nghiệp trung học ở Trung Quốc sau đó đến Mỹ để lấy bằng thạc sĩ. Theo dữ liệu của Marco Polo, 90% nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ ở lại làm việc tại đất nước này.

Trong nhiều thập kỷ, hệ thống giáo dục đại học của Mỹ, cũng như môi trường nghiên cứu tự do đã thu hút nhân tài từ ​​khắp nơi trên thế giới. Những thành tựu khoa học có thể được gọi là niềm tự hào của nước Mỹ – những công ty công nghệ và khám phá lớn nhất, thường được thực hiện bởi những người không có quốc tịch Mỹ.

Người sáng lập Google, ông Richard Brin đến từ Nga. Người sáng lập Nvidia, ông Jensen Huang là người Trung Quốc. Fei-Fei Li, Giám đốc phòng thí nghiệm AI của Stanford, đã đi đầu trong việc học máy và nhận dạng hiện tại, đóng vai trò hàng đầu trong dự án Maven của Lầu Năm Góc…

Trung tâm Marco Polo cho rằng, đến nay, Mỹ vẫn chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo chứ không phải Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đạt được vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030, nhưng, đến nay Trung Quốc chỉ có một lợi thế không thể chối cãi – khối lượng dữ liệu khổng lồ. Còn Mỹ hiện vẫn dẫn đầu về các thành phần khác trong sự phát triển thành công trí tuệ nhân tạo: nhân sự có trình độ, nghiên cứu cơ bản, các phương tiện kỹ thuật (chip, vi mạch)…

Ở đây, Trung Quốc nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, vì thế Bắc Kinh không tiếc chi phí để thu hút các chuyên gia có trình độ cao, thực hiện các ưu đãi: cấp các loại thị thực cho các nhà khoa học nước ngoài, giảm bớt rào cản hành chính. Các công ty và viện nghiên cứu của Trung Quốc có thể cung cấp cho họ mức lương thậm chí cao hơn ở Thung lũng Silicon…

Song thực tế là hầu hết các nhà khoa học Trung Quốc cho đến nay vẫn ở lại Mỹ. Đối với một nhà khoa học thực sự, bầu không khí khoa học thuận lợi đã phát triển trong nhiều năm, cũng như khả năng tự do trao đổi dữ liệu khoa học và thực tiễn tốt nhất là quan trọng hơn mức lương cao và những ưu đãi khác.

Mỹ sở hữu chất xám nhiều nhất thế giới nhưng đang tự hủy hoại nó?

Trung tâm Marco Polo cho rằng, nước Mỹ đang giữ ưu thế nhưng chính quyền hiện nay lại muốn đem vào áp dụng triệt để những biện pháp liên quan đến giới khoa học. Họ bắt đầu áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với các nhà khoa học từ Trung Quốc. Ngay cả những sinh viên học tại các trường đại học hoặc làm việc trong các viện nghiên cứu của Trung Quốc được cho là kết nối với tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này giờ đây có thể bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

42 2 Truy Lung Gian Diep Trung Quoc Chat Xam Dang Roi My

Mỹ lo Trung Quốc đưa chất xám về nước.

Trong hoàn cảnh như vậy, Washington chỉ tiếp tay cho Bắc Kinh để thu hút các chuyên gia giỏi nhất về nước. Đây vốn là điều mà Trung Quốc không thể làm được ngay cả khi có nhiều tiền nhưng bâu giờ thời thế đã khác dưới thời ông Donald Trump.

Chuyên gia Li Kai từ Đại học Tài chính Sơn Tây (Trung Quốc) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik: “Nếu Mỹ muốn tách biệt hoàn toàn với Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm trí thông minh nhân tạo, và có ý định trục xuất các nhà khoa học Trung Quốc, điều này có thể làm chậm quá trình phát triển AI ở Mỹ, đồng thời, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp này ở Trung Quốc.”

Ông nói thêm: “Có một câu nói: Sự thông minh của người Mỹ dựa trên trí tuệ của người Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ nên suy nghĩ: liệu đây có phải là một quyết định sáng suốt hay không. Rốt cuộc, tình huống này giống như thể Mỹcử các nhà khoa học cao cấp đến Trung Quốc. Hơn nữa, đây là những nhà khoa học trình độ cao, họ tham gia vào các cuộc nghiên cứu trong một thời gian dài, họ đã có những thành tựu quan trọng. Ban đầu Trung Quốc đã tìm cách thu hút những chuyên gia như vậy. Và bây giờ, chính Mỹ đang đẩy họ vào Trung Quốc, ngay cả những người không muốn đến đó.”

Chuyên gia từ Trung tâm Marco Polo cho rằng, những hạn chế nhập cảnh mà chính quyền Trump đang áp đặt đối với các kỹ sư và nhà khoa học Trung Quốc sẽ chỉ làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo.

Chính quyền Mỹ đang cố gắng sử dụng các quy tắc của trò chơi tổng bằng không trong lĩnh vực khoa học, cuối cùng, chính Mỹ có thể lấy “gậy ông đập lưng ông”.

Mỹ săn bắt hàng loạt nhân vật của “Ngàn Nhân tài”

Song thực tế, không phải mọi tình huống nào cũng đều là những “hiểu lầm” từ phía Washington và có lý do để các quan chức Mỹ tin rằng những nghi ngờ của họ là có bằng chứng.

Hôm 11/6, Mỹ đã bắt giữ một thiếu tá quân đội Trung Quốc dưới vỏ bọc giáo sư nghiên cứu. Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt Xin Wang, người đang giữ một vị trí tương đương cấp thiếu tá của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và vẫn tiếp tục nhận lương từ quân đội nước này. Wang bị bắt khi chuẩn bị khởi hành từ sân bay quốc tế Los Angeles trở về Thiên Tân, Trung Quốc vào chủ nhật tuần trước.

Theo hồ sơ khởi tố của FBI, trong đơn xin thị thực đến Mỹ để tiến hành nghiên cứu khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF) năm 2018, Wang chỉ khai rằng là Phó Giáo sư về y khoa tại PLA từ năm 2002 đến 2016 mà không đề cập đến quân hàm của mình. Sau khi được thẩm vấn, Wang thừa nhận đã “cố ý khai sai về quá trình phục vụ quân đội của mình trong đơn xin thị thực để tăng khả năng được duyệt visa”.

Thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ rằng, khi chuẩn bị rời sân bay quốc tế Los Angeles hôm 7/6, Wang nói với các nhân viên hải quan Mỹ rằng ông đã được cấp trên, Giám đốc của phòng thí nghiệm tại đại học quân đội Trung Quốc, hướng dẫn quan sát cách bố trí phòng thí nghiệm UCSF và mang thông tin mô phỏng nó trở về để xây một phòng thí nghiệm tương tự ở Trung Quốc.

Các nhân viên hải quan Mỹ trước đó cũng đã nhận được thông tin về việc Wang mang theo nhiều nghiên cứu từ Đại học California để chia sẻ với các đồng nghiệp tại PLA và đã gửi nghiên cứu đến phòng thí nghiệm của mình ở Trung Quốc qua email.

42 3 Truy Lung Gian Diep Trung Quoc Chat Xam Dang Roi My

Các sĩ quan quân đội Trung Quốc bị Mỹ truy nã năm 2014 vì tội gián điệp kinh tế.

Trong tài liệu này, một số công trình nghiên cứu của Đại học California được Wang mang theo đã nhận tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH). Wang được cho là đã xóa hết nội dung nhắn tin WeChat trên điện thoại di động trước khi đến sân bay để khởi hành về Trung Quốc và điều này càng gây nghi vấn.

Hồ sơ khởi tố Xin Wang được đệ trình bởi đặc vụ FBI Patrick Fogerty. Wang có thể đối mặt án tù lên tới 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 USD nếu bị kết tội.

Thực tế có những “mối đe dọa đang diễn ra liên tục” bởi Trung Quốc trên đất Mỹ, buộc họ phải hành động. Người Mỹ ngày càng tìm ra các bằng chứng cho thấy, Trugn Quốc cách sử dụng các chương trình tuyển mộ để lôi kéo nhiều học giả và nhà nghiên cứu nhằm mục địch đánh cắp các công trình khoa học và công nghệ của Mỹ.

Mỹ hôm 14/5 cũng đã bắt giữ nhà nghiên cứu gốc Hoa, tiến sĩ Qing Wang làm việc tại Trung tâm y tế học thuật Cleveland Clinic (bang Ohio) vì có liên hệ với gián điệp Trung Quốc. FBI cáo buộc vị tiến sĩ tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc, vốn tài trợ cho các nhà khoa học để khuyến khích mối quan hệ của họ với chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ hôm 11/5 đã truy tố giáo sư Simon Ang, Giám đốc điều hành Trung tâm Điện tử mật độ cao (HDEC) tại Đại học Arkansas vì tội danh gian lận tài chính. Cáo trạng của tòa án cho biết Ang đã tham chương trình “Ngàn nhân tài” và giữ bí mật các khoản tài trợ của Trung Quốc để tiếp tục nhận thêm các khoản tài trợ khác từ cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm NASA.

Trong một vụ việc tương tự, tiến sĩ Xiao-Jiang Li, 63 tuổi, cựu giáo sư Đại học Emory ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) hôm 8/5 cũng đã thừa nhận tội danh kê khai thuế sai lệnh, che giấu khoản tài trợ 500.000 USD nhận được từ chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc. Ông Li bị kết án 1 năm quản chế và phải nộp 35.089 USD tiền bồi thường.

Ngay từ đầu năm nay, Giáo sư Charles Lieber, Trưởng khoa của Đại học Harvard đã bị tòa án liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) nhưng đã lừa dối khi phủ nhận mối quan hệ liên quan với các tổ chức Trung Quốc. Năm ngoái, một nghiên cứu sinh y khoa Trung Quốc được tài trợ bởi Havard cũng bị bắt giữ tại Boston (Mỹ) do tìm cách đánh cắp trái phép tế bào ung thư từ Mỹ sang Trung Quốc để nghiên cứu.

Mới hôm 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng, các cử nhân và nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu họ có khả năng chuyển giao kiến thức kỹ thuật cho các tổ chức quân sự Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực từ 1/6.

Hải Lâm

Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC