Deutsche Bank (DB), ngân hàng lớn nhất nước Đức, quyết định tiến hành đợt sa thải nhân viên lớn nhất trong lịch sử 149 năm tồn tại do đuối sức và dính nhiều bê bối trong hành trình thực hiện tham vọng trở thành ngân hàng toàn cầu đứng ngang hàng với những ông lớn ngân hàng của Mỹ.

42 1 Ngan Hang Lon Nhat Nuoc Duc Tien Hanh Dot Sa Thai Ky Luc

Trụ sở của Ngân hàng DB tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AP

Hôm 7-7, Ngân hàng DB, có trụ sở ở Frankfurt (Đức), thông báo bắt đầu từ ngày 8-7, ngân hàng này thực hiện kế hoạch tái cấu trúc quyết liệt và sâu rộng kéo dài đến năm 2022, bao gồm dẹp bỏ mảng giao dịch và kinh doanh cổ phiếu, thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư và mảng tài sản thu nhập cố định (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ).

Kế hoạch này khiến 18.000 nhân viên ở các chi nhánh của DB ở châu Âu, châu Á và Mỹ bị sa thải. Con số này tương đương 20% tổng nhân sự của DB. Khoảng 1/3 thành viên ban lãnh đạo của DB cũng sẽ phải nghỉ việc. DB sẽ gom hơn 300 tỉ đô la Mỹ tài sản rủi ro cao vào một đơn vị riêng để quản lý.

Nỗ lực này được xem là cơ hội cuối cùng để DB đảo ngược đà kinh doanh sa sút trong một thập kỷ qua. DB trải qua 3 năm thua lỗ liên tục trước khi đat lợi nhuận 341 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái.

Hôm 8-7, bầu không khí ảm đạm bao trùm các văn phòng của DB từ London cho đến New York khi các nhân viên lục đục gom đồ đạc cá nhân để rời khỏi đây mãi mãi.

42 2 Ngan Hang Lon Nhat Nuoc Duc Tien Hanh Dot Sa Thai Ky Luc

Các nhân viên mang vật dụng cá nhân rời khỏi văn phòng của Ngân hàng DB ở Manhattan, New York, Mỹ, hôm 8-7. Ảnh: Getty

DB, từng là ngân hàng lớn nhất châu Âu và là một biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế Đức, giờ đây chấp nhận từ bỏ tham vọng “ngồi chung mâm” với các ông lớn ngân hàng Mỹ như Goldman Sachs hay JPMorgan Chase.

Kể từ khi xâm nhập vào Phố Wall bằng vụ thâu tóm Ngân hàng đầu tư Bankers Trust với giá 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 1999, DB đã nỗ lực chứng minh rằng tài chính toàn cầu không phải là lãnh địa độc quyền của các ông lớn ngân hàng Mỹ bằng cách chớp lấy nhiều cơ hội bao gồm phát hành hàng trăm tỉ đô la Mỹ chứng khoán phái sinh có độ rủi ro cao và cho tập đoàn Trump Organization của Donald Trump vay tiền trong khi các ngân hàng khác không làm như vậy vì lo ngại rủi ro.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 đã làm lộ ra hàng loạt sai phạm của DB trong quá khứ bao gồm các vi phạm hình sự như thao túng lãi suất, rửa tiền, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại các nước khác như Iran.

Những vụ bê bối này tồn tại dai dẳng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm xói mòn danh tiếng của DB và khiến ngân hàng này bị các cơ quan quản lý ở châu Âu va Mỹ phạt nhiều tỉ đô la Mỹ.

Hồi tháng 1- 2017, DB đạt được thỏa thuận nộp phạt 7,2 tỉ đô la Mỹ với Bộ Tư pháp Mỹ vì bị cáo buộc lừa dối nhà đầu tư trong đợt bán chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vài tuần sau đó, các cơ quan quản lý ở Mỹ và Anh phạt DB 630 triệu đô la Mỹ vì không ngăn chặn các giao dịch rửa tiền ở Nga. Hai năm trước đó, các cơ quan quản lý ở Mỹ và Anh cũng đã phạt DB 2,5 tỉ đô la Mỹ với cáo buộc ngân hàng này tham gia một âm mưu thao túng lãi suất.

Giờ đây, DB tái tập trung vào các mảng kinh doanh ít rủi ro hơn chẳng hạn như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Đức quản lý các giao dịch tài chính ở nước ngoài.

Một mục tiêu của kế hoạch tái cấu trúc là giải quyết vấn đề chi phí hoạt động quá cao so với doanh thu. DB cho biết sẽ giảm tỷ lệ chi phí so với lợi nhuận về mức 70% vào năm 2022 so với mức 93% trong quí 1-2019.

Câu hỏi đặt ra là liệu nỗ lực xoay chuyển tình hình của Giám đốc điều hành DB Christian Sewing quá muộn màng hay không. Các ngân hàng lớn khác ở châu Âu như UBS (Thụy Sĩ) và Barclays (Anh) đã thu hẹp các tham vọng ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, trong khi đó, DB vẫn đeo bám mảng ngân hàng đầu tư dù mảng này tiếp tục thua lỗ hàng tỉ euro.

“Chúng tôi quay trở về các gốc rễ của chúng tôi và những gì đã từng giúp chúng tôi trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu của thế giới”, ông Sewing nói trong tuyên bố hôm 7-7.

Kế hoạch tái cấu trúc là một canh bạc lớn vì sẽ dẫn đến các chi phí khổng lồ ngay trước mắt nhưng không đảm bảo DB sẽ hồi phục. Các khoản chi trả bồi thường thôi việc và các chi phí khác sẽ lên đến 7,4 tỉ euro cho đến năm 2022.

DB cho biết, ngân hàng này dự kiến lỗ ròng 2,8 tỉ euro trong quí 2-2019 và sẽ không chia cổ tức trong năm 2019 và 2020. Cổ phiếu của DB trên thị trường chứng khoán New York đã giảm 95% kể từ năm 2007, rơi về mức thấp nhất trong lịch sử trong tháng 6 vừa qua do kế hoạch sáp nhập giữa DB và Ngân hàng Commerzbank đổ bể.

Dù vậy, không có bất kỳ ngân hàng nào công khai chào mua lại DB và điều này cho thấy các vấn đề của DB thực sự nghiêm trọng.

Doanh thu của DB chắc chắn suy giảm sau khi ngân hàng này thu hẹp hoạt động, dẫn đến rủi ro rơi vào vòng xoáy suy giảm lợi nhuận.

Mãi cho đến đến khi Sewing, một chuyên gia quản lý rủi ro, lên tiếp quản ghế giám đốc điều hành hồi năm ngoái, DB được dẫn dắt bởi những lãnh đạo ngân hàng đầu tư không quyết liệt tiến hành các thay đổi. Họ tiếp tục nhận được các mức lương và bổng lộc cao ngất ngưỡng trong khi giá cổ phiếu DB lao dốc.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa các vụ bê bối trong tương lai, hôm 7-7, DB cho biết từ nay đến năm 2022, DB sẽ đầu tư 4 tỉ euro để cải thiện hệ thống máy tính và các biện pháp kiểm soát nội bộ.

Theo New York Times/thesaigontimes.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC