Nhà lãnh đạo Đức cần đưa đất nước vượt lên những khó khăn ban đầu về chính trị, duy trì đà tăng trưởng ổn định và giữ vững vai trò dẫn dắt của Berlin trong Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và phương Tây nói chung.

Ngày 14/3, bà Angela Merkel chính thức được Quốc hội Đức bầu và được Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trao quyết định bổ nhiệm làm Thủ tướng. Cùng với bà, 15 bộ trưởng trong nội các mới cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Với việc lần thứ tư nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Đức, bà giờ đây đã đứng ngang hàng với “người thầy” Helmut Kohl.

Tuy nhiên, quyền lực luôn đi cùng trách nhiệm. Hơn ai hết, Thủ tướng Merkel hiểu rất rõ những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ mà bà phải đối mặt trong nhiệm kỳ gần như là cuối cùng của mình.

Vạn sự khởi đầu nan

Nhiệm kỳ mới khó khăn của Thủ tướng Merkel - 0

Thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel, tình hình thế giới đã có nhiều diễn biến bất lợi cho Đức. Những khó khăn đó có thể kể đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và yêu cầu cải tổ Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Brexit và gánh nặng nợ công, khủng hoảng khu vực đồng Euro, quan hệ phức tạp giữa Đức với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ...

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tỵ nạn những năm 2015/16 đã khiến nội bộ EU và Đức chia rẽ chưa từng có. Thủ tướng Angela Merkel đã phải đối mặt với sức ép từ ngay trong liên minh cầm quyền, cũng như các nước đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng, “trong cái rủi có cái may”.

Khi chủ nghĩa bảo hộ và cực đoan đang trên đà thắng thế ở Mỹ và nhiều nước châu Âu thì người ta lại tìm thấy ở Đức và ở bà Merkel “sự bảo đảm cho những giá trị phương Tây”, với nền chính trị ổn định và tăng trưởng kinh tế ngoạn mục.

Cũng chính vì thế, bà Merkel lại trở thành sự lựa chọn duy nhất của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) trong đợt vận động tranh cử cuối năm ngoái, với khẩu hiệu có phần “ru ngủ” “Weiter so” (“Cứ tiếp tục như thế”) hướng tới duy trì quỹ đạo phát triển ổn định.

Nhiệm kỳ mới khó khăn của Thủ tướng Merkel - 1
Áp phích tranh cử của Thủ tướng Angela Merkel cho cuộc bầu cử Đức. (Nguồn: Breakingviews)

Tuy nhiên, kết quả bầu cử ngày 24/9/2016 là đòn giáng mạnh đối với tất cả các đảng chính trị truyền thống lâu đời ở Đức. Mức độ tín nhiệm đối với Liên minh CDU/CSU cũng như Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) giảm mạnh, trong khi đảng thiên hữu, cực đoan AfD (Giải pháp cho nước Đức) đạt số phiếu cao, nhất là ở các bang phía Đông, trở thành lực lượng chính trị đứng thứ ba trong Quốc hội Đức.

Đối với nhiều nhà bình luận, đây là sự sỉ nhục và thất bại đau đớn của nền dân chủ Đức kể từ khi đất nước thống nhất năm 1990.

May mắn thay, Liên minh CDU/CSU vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ cao nhất so với các đảng còn lại và được quyền đứng ra tìm liên minh lập Chính phủ mới.

Tuy nhiên, không giống như nhiệm kỳ trước, ngay sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch SPD Martin Schulz đã tuyên bố chấm dứt “Đại liên minh” với CDU/CSU và trở thành đối lập. Bà Merkel cũng tuyên bố “SPD không đủ năng lực cầm quyền” và chuyển hướng sang tìm kiếm liên minh với Đảng dân chủ tự do Đức (FDP) và Đảng Xanh (Liên minh “Jamaica”).

Nhưng cuối cùng, các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một liên minh chưa có tiền lệ này đã đổ vỡ, khiến Đức nhiều khả năng buộc phải bầu cử lại hoặc lập Chính phủ thiểu số. Với vai trò to lớn của Đức trong một châu Âu và thế giới hiện nay, cả hai giải pháp trên đều không được ủng hộ.

Cuối cùng, với sự “can thiệp theo Hiến pháp” của Tổng thống Frank Walter-Steinmeier, SPD đã đồng ý quay trở lại đàm phán với CDU/CSU để lập Chính phủ “Đại liên minh” mới.

Trong ba nhiệm kỳ trước, bà Merkel đã hai lần lãnh đạo “Đại liên minh” nên đối với bà, đây là giải pháp an toàn và dễ chịu nhất.

Tuy nhiên, SPD đã rất chia rẽ về vấn đề này và tỷ lệ ủng hộ việc duy trì “Đại liên minh” chỉ miễn cưỡng vượt mức 50%. Để tiếp tục cầm quyền và duy trì Đại liên minh, bà Merkel đã phải hy sinh nhiều lợi ích, quan điểm của đảng mình, “nhường” những Bộ lớn trong Chính phủ như Bộ Tài chính cho SPD, dù gặp phải sự phản đối của nhiều thành viên trong chính đảng của mình.

Gian nan trước mắt

Tuy nhiên, sự nhượng bộ của bà Merkel vẫn không thể đảm bảo sự chắc chắn về vị thế của bà nhiệm kỳ tới.

Tại cuộc bỏ phiếu ngày 14/3, bà chỉ giành được 9 phiếu quá bán từ hơn 700 nghị sĩ của 7 đảng và có tới 35 nghị sỹ của Liên minh CDU/CSU và SPD bỏ phiếu chống, một tỷ lệ mong manh đối với Chính phủ “Đại liên minh”.

Khi Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schauble công bố kết quả, cả hội trường lặng đi mấy giây trước khi định thần trở lại. Dù vậy, bà Merkel tự tin rằng trước những vấn đề hệ trọng, Chính phủ vẫn sẽ có ủng hộ quá bán của Quốc hội.

Dư luận cho rằng, tỷ lệ ủng hộ này cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ Liên minh cầm quyền và có thể gây khó khăn trong việc thông qua những quyết sách lớn của đất nước.

Bên cạnh đó, trong Quốc hội hiện nay, AfD là lực lượng chính trị lớn nhất thuộc phe đối lập và đương nhiên sẽ trở thành thủ lĩnh đối lập.

Chẳng khó để hình dung sinh hoạt của nghị viện sẽ như thế nào khi bà Merkel tuyên bố mối quan tâm của bà trong nhiệm kỳ này là đẩy AfD ra khỏi nghị viện, còn AfD lại tận dụng mọi công cụ vốn có của dân chủ nghị viện để tấn công chính sách của Chính phủ.

Chính phủ “Merkel 4.0” lần này còn cho thấy xu hướng “trẻ hóa” và “nữ tính” khi đa số Bộ trưởng thuộc thế hệ 7x (6 người), 8x (1 người đồng thời là người phê phán bà Merkel gay gắt nhất trong đảng), 6x (3 người), trong khi thế hệ 5x chỉ có 3 người kể cả bà Merkel và 4x chỉ có 1. Tỷ lệ nữ tham gia nội các khá cao (6/16).

Tuy nhiên, việc chỉ có một đại diện người Đông Đức duy nhất, bà Giffey đến từ bang Brandenburg, trở thành Bộ trưởng mới trong Chính phủ khiến người ta đặt câu hỏi rằng liệu sự thiếu vắng các đại diện Đông Đức ở hầu hết vị trí lãnh đạo trong cơ quan chính quyền, tập đoàn kinh tế lớn liệu có giúp cho quá trình hòa giải và thống nhất đất nước sau gần ba thập kỷ tái hợp?

Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho AfD khoét sâu hố sâu ngăn cách, thu hút nhiều cử tri ở các bang phía Đông và mong muốn của bà Merkel về đẩy AfD ra khỏi nghị trường sẽ trở nên “bất khả thi".

Về kinh tế, bà Merkel coi “Digitalisierung” (Số hóa) là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng cơ cấu Chính phủ lại không có một bộ hay bộ máy riêng để lo việc này. Nếu như vậy, vấn đề “số hóa nền kinh tế” hay nền “công nghiệp 4.0” cũng vẫn sẽ lại phân tán, mệnh ai nấy làm như hiện nay. Nền kinh tế số hóa đòi hỏi có một hạ tầng mạng phát triển, nhưng internet băng thông rộng và tốc độ cao đang là vấn đề nan giải không chỉ ở những địa phương hẻo lánh, mà ngay cả ở Berlin.

Thêm vào đó, tình cảnh thế giới trong thời gian vừa qua tiếp tục không ủng hộ Berlin.

Một trong số đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đánh vào những mặt hàng từ Đức, gián tiếp mở đầu cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Với tư cách là nước xuất khẩu hàng đầu và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc sống còn vào xuất khẩu và tự do thương mại, chính sách của ông Trump khiến Đức không khỏi lo lắng.

Bên cạnh đó, việc Anh trục xuất một lúc 23 nhà ngoại giao Nga do cáo buộc nước này liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga khiến Đức và nhiều nước NATO khác cũng bị cuốn vào.

Quan hệ giữa Moscow với Brussels và Berlin vốn chưa được hàn gắn nay lại có nguy cơ đổ vỡ. Theo Đức, Nga không chỉ đóng vai trò đối tác hàng đầu ở Đông Âu mà còn là chìa khóa giải quyết xung đột khu vực và quốc tế như ở Syria, Đông Ukraine hay cuộc chiến chống khủng bố.

Chính sách đối ngoại của Đức nhiệm kỳ “Merkel 4.0” được xác định trong Thỏa thuận liên minh nêu rõ “Trách nhiệm của nước Đức vì hòa bình, tự do và an ninh trên thế giới” (mục XII) với hai mục tiêu cơ bản là: Trên bình diện quốc tế, châu Âu phải tự chủ và đầy đủ năng lực hành động, đồng thời tiếp tục gắn kết với Mỹ. Berlin sẽ tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây dương cũng như trong EU và tiếp tục là đối tác tin cậy của NATO, OSCE và Hội đồng châu Âu.

Nhiệm kỳ mới khó khăn của Thủ tướng Merkel - 2
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Getty Images)

Về song phương, Đức coi Pháp là đối tác hàng đầu và ngược lại Tổng thống Macron cũng từng nói không có Đức thì Pháp cũng không thể thực hiện được những ý tưởng của mình.

Vì thế nên ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Ngoại trưởng Maas đã lên đường sang thăm Paris. Một ngày sau đó dự kiến Thủ tướng Merkel cũng sang Paris.

Dư luận cho rằng, đây không chỉ là cuộc chào xã giao thông thường, mà cho thấy trọng tâm đối ngoại của Chính phủ Đức thời gian tới.

Sáu tháng đã qua kể từ ngày có kết quả bầu cử Đức mới lập được Chính phủ, trong khi nửa năm qua bao vấn đề cả về đối nội lẫn đối ngoại vẫn tích tụ. Nếu tính cả bà Merkel dạn dày kinh nghiệm chính trường thì trong Chính phủ lần này chỉ có 6 trong 16 thành viên là người cũ. 

Ngoài ra, ai cũng cho rằng đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng và Chủ tịch CDU. Dù bà có bàn giao chức vụ giữa nhiệm kỳ hay tiếp tục đến hết nhiệm kỳ như từng lần khẳng định, thì nhiệm vụ nặng nề nhất của bà lần này vẫn là xây dựng đội ngũ kế nhiệm, bảo đảm Liên minh CDU/CSU tiếp tục thắng cử trong lần bầu cử tới.

 

Nguồn: Báo Quốc tế




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC