Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra kết luận về chất lượng thực phẩm dựa trên cơ sở lấy mẫu phân tích. Đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng, ông Phát nhận xét chủ quan.

 

Bộ trưởng Phát nói đa số thực phẩm an toàn là chủ quan - 0

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: "Đa số thực phẩm bẩn của chúng ta là an toàn, nhưng dân không biết", chiều 2/4, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng “Bộ trưởng Cao Đức Phát nói như vậy là chủ quan”. 

“Vấn đề cần xác định, nó nhiều hay ít ở mức độ nào? Các cơ quan chức năng cần quá trình tổng hợp rồi xác định. Chứ còn giờ nói thực phẩm đó nhiều, ít, rồi an toàn... thì nhìn nhận đưa ra con số như vậy là chủ quan” - ông Học nói.

Việc Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra kết luận như thế trên cơ sở lấy mẫu phân tích. Đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng, cách suy nghĩ, nêu vấn đề của người dân chỉ mang cảm tính. Mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu thuộc về các cơ quan chức năng. Bộ trưởng không đưa ra kết quả khảo sát như thế nào để xác định ít như vậy.

“Nếu nói ít như vậy để người dân yên tâm thì rõ ràng là người dân chưa thực sự yên tâm với khuyến cáo của Bộ trưởng” - ông Học nói.

Một vấn đề khác, theo đánh giá của ông Học, việc tuyên truyền để người dân hiểu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu rất khó. Trước tiên, chưa có cơ sở nào để đánh giá thuyết phục sản phẩm của chúng ta an toàn tới mức nào? Sản phẩm nào chưa an toàn, mình chưa có địa chỉ đánh giá cụ thể.  

“Để nói người dân sử dụng thực phẩm an toàn cần cơ sở thuyết phục hơn. Người dân đang lo lắng mà người có trách nhiệm chỉ nói như vậy thì người dân không an tâm” - ông Học băn khoăn.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 2/4, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nhắc lại câu nói của Bí thư TP HCM Đinh La Thăng tại phiên họp Chính phủ: “Làm tốt tại sao dân cứ phải ăn bẩn?”.

Ông Lai nhấn mạnh, không phải anh nói anh làm tốt mà phải đi đến thực chất xem người dân có được hưởng sự làm tốt đó trong bữa ăn, trong sinh hoạt hay không. 

Anh nói ban hành nhiều thông tư, nhiều quyết định, ra hàng trăm văn bản chỉ đạo điều chỉnh về vấn đề đó, nhưng cuối cùng người dân vẫn phải chịu hậu quả. Ăn cá, ăn rau không đảm bảo thì không có nghĩa lý gì cả”,  ông Lai nói.

Theo ông Lai, sự lo lắng về thực phẩm “bẩn” không thể một sớm, một chiều để làm tốt được. Bộ trưởng nói mấy phút thì người dân khó có thể an tâm ngay được. 

Ông Lai nói thêm, suy cho cùng, thực phẩm bẩn cũng có nguồn gốc từ tham nhũng, không kiểm soát được, có sự thông đồng và không làm hết chức trách nhiệm vụ. Nguyên nhân xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp, vì lợi ích không chính đáng.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nói: Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%.

Như vậy, đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế nên có vấn đề rất lớn, chúng tôi đang chỉ đạo để làm sao giúp cho nhân dân biết được, yên tâm để tiêu dùng và phải tiếp tục ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm không an toàn. 

Theo Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC