Tại 5 dự án bị điều tra, chủ tịch Tập đoàn Thuận An đều dùng chung thủ đoạn nhờ người quen, người có chức vụ tác động và chi tiền "cơ chế" cho lãnh đạo ban quản lý dự án hoặc lãnh đạo địa phương để thâu tóm các gói thầu.

1 Cach Chu Tich Tap Doan Thuan An Rai Tien De Thau Tom Nhung Du An Ngan Ti

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng (trái) cùng một bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án - Ảnh: Bộ CA

Tập đoàn Thuận An được ông Nguyễn Duy Hưng thành lập tháng 8-2004 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp là đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, đầu tư bất động sản.

Đến năm 2015, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT và Trần Anh Quang làm tổng giám đốc.

Những năm gần đây, doanh nghiệp này lớn mạnh "vươn vòi" đến rất nhiều dự án cầu đường khắp các tỉnh thành từ Bắc tới Nam, trúng rất nhiều các gói thầu có giá trị lớn lên đến cả ngàn tỉ. Từ đó, ông Hưng cũng nổi danh, được biết đến là "ông trùm" trong lĩnh vực xây dựng cầu đường.

Tuy nhiên kết luận điều tra vừa được cơ quan cảnh sát điều tra ban hành cho thấy có 5 dự án ông Hưng đã dùng cách chi tiền "cơ chế" để thâu tóm các gói thầu.

Tại 5 dự án, ông chủ Tập đoàn Thuận An bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 120 tỉ đồng và hưởng lợi bất chính 98 tỉ đồng.

Dùng "quân xanh, quân đỏ" thông thầu

Theo kết luận, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) quen biết nhau từ trước. Thông qua Huy, năm 2011 Hưng quen biết Trần Viết Cương, giám đốc Ban quản lý dự án Tuyên Quang.

Khoảng tháng 5-2021, khi có thông tin Ban quản lý dự án Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu gói thầu số 26 dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, ông Huy đề nghị Hưng sử dụng Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu.

Hưng đồng ý tới gặp Trần Viết Cương, xin tham gia thi công gói thầu số 26. Tuy nhiên, qua trao đổi về giá dự toán, Hưng nói giá thấp và đề nghị nâng giá dự toán nhưng ông Cương không đồng ý.

Do đó, Nguyễn Duy Hưng có ý kiến Tập đoàn Thuận An sẽ không làm toàn bộ gói thầu 26.

2 Cach Chu Tich Tap Doan Thuan An Rai Tien De Thau Tom Nhung Du An Ngan Ti

Các bị can là lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Thuận An bị đề nghị truy tố - Ảnh: BỘ CA

Sau đó, ông Cương gọi điện mời ông Phạm Quang Hiệp, giám đốc Công ty Hiệp Phú và Lại Xuân Hùng, tổng giám đốc Công ty Licogi 14, cùng liên danh với Tập đoàn Thuận An thi công gói thầu số 26.

Sau đó ông Cương đã chỉ đạo cấp dưới tiết lộ dự toán chi tiết gói thầu số 26 cho nhóm Thuận An.

Quá trình đấu thầu, các bị can dùng “quân xanh, quân đỏ” thông thầu nên liên danh của Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 trúng thầu giá hơn 90 tỉ đồng vào tháng 8-2021.

Sau khi liên danh của Thuận An trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất, đồng ý giao cho ông Nguyễn Văn Huy quản lý, điều hành 3 đội thi công, nhà thầu phụ thực hiện thi công toàn bộ phần khối lượng công việc và cắt lại 14% tiền “cơ chế”, gồm 5% chi phí quản lý thu trên hợp đồng, và 9% Hưng thu ngoài.

Từ thỏa thuận này, Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỉ đồng tiền ngoài hợp đồng của các nhà thầu. Ngoài ra, để có tiền chi cho chủ đầu tư, Nguyễn Duy Hưng gửi giá, thu tổng số hơn 5,8 tỉ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của nhà cung cấp vật liệu, thi công nổ mìn.

Sau đó Hưng chỉ đạo ông Huy lấy tiền từ Tập đoàn Thuận An, đưa cho Trần Viết Cương 8 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Cương còn nhận 2,5 tỉ từ Phạm Quang Hiệp và 2 tỉ từ ông Lại Xuân Hùng.

Tổng số tiền ông Trần Viết Cương nhận từ 3 nhà thầu liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi là 12,5 tỉ đồng.

"Cơ chế chi tiền" của Tập đoàn Thuận An

Theo kết luận, chủ tịch Tập đoàn Thuận An có quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Quang Huy, giám đốc Ban quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam.

Tháng 2-2022, khi nắm thông tin về dự án quốc lộ 14E, ông Hưng đã liên hệ, đề nghị ông Huy cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu.

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An và ông Nguyễn Quang Huy cùng thống nhất việc doanh nghiệp này chi tiền "cơ chế" cho Ban quản lý dự án 4 bằng 5% giá trị hợp đồng trước thuế, phần chi cho chi cục trưởng quản lý xây dựng đường bộ và lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cùng mức 0,6%.

Khoảng tháng 8-2022, sau khi phân chia gói thầu, ông Hưng và Huy chốt Thuận An sẽ tham gia thi công 2 trong 3 gói thầu, gói còn lại để đấu thầu theo quy định.

Từ tháng 9-2022, Tập đoàn Thuận An, Công ty 168 Việt Nam bắt đầu cử người tham gia cùng Ban quản lý dự án 4 đi khảo sát hiện trạng quốc lộ 14E để làm cơ sở xây dựng bản vẽ thiết kế, biện pháp thi công, dự toán.

Kết quả điều tra xác định quá trình thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán hai gói thầu của quốc lộ 14E, ông Hưng đã gặp, đưa 1,2 tỉ đồng cho Vũ Hải Tùng, chi cục trưởng quản lý xây dựng đường bộ.

Trước khi phê duyệt điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần 2, Hưng chỉ đạo cấp dưới đưa thêm 1,3 tỉ đồng cho Tùng để ông này ký báo cáo thẩm định trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt điều chỉnh dự toán.

Quá trình thi công 2 gói thầu, Tập đoàn Thuận An đã chi tiền "cơ chế" cho Ban quản lý dự án 4 và Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ. Cụ thể, ông Hưng đã đưa cho Nguyễn Quang Huy tổng số 9,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, tháng 1-2023, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới đưa cho ông Tùng thêm 2,15 tỉ đồng, nâng tổng số tiền người này nhận lên 4,65 tỉ đồng.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ninh, trước khi đấu thầu gói thầu số 13 của dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều, ông Hưng đã gặp và đưa 10.000 USD cho ông Phạm Thanh Bình, giám đốc Ban quản lý dự án Quảng Ninh.

Từ đó, liên danh của Thuận An được trúng thầu trị giá 706 tỉ đồng. Sau khi trúng thầu, Hưng đã chỉ đạo cấp dưới chi tiền "cơ chế" 5 tỉ đồng cho ông Bình.

Sau khi liên danh Thuận An trúng thầu, ký hợp đồng và thi công gói thầu, ông Bình còn nhận tiền từ 2 nhà thầu khác. Tổng số tiền ông nhận từ 3 nhà thầu là 9,2 tỉ và 10.000 USD.

Ông Bình khai trong số tiền trên, đã chuyển 5 tỉ đồng cho Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chung của tỉnh (hội nghị, ngoại giao, tiếp khách), còn hơn 4 tỉ sử dụng vào các mục đích khác.

Theo kết luận, quá trình điều tra, các bị can và người liên quan đã tự nguyện nộp khắc phục hơn 102 tỉ đồng và 90.000 USD. Cùng với hơn 32 tỉ đồng trong các tài khoản, sổ tiết kiệm do gia đình ông Hưng tự nguyện giao nộp, toàn bộ thiệt hại trong vụ án đã được khắc phục.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC