Chuyện học mùa lũ Bão lũ đi qua, nhiều địa phương miền Trung bắt tay khắc phục hậu quả để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, chuyện học hành của hàng vạn học sinh vùng lũ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở...

 Học sinh nghỉ học dài dài

Sáng 3-10, ông  Đoàn Đức Liêm-Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện các trường học trên địa bàn tỉnh chưa thể tiến hành dạy học trở lại sau bão số 10. Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các trường học phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão để sớm cho học sinh đến trường theo học đúng chương trình nhưng đến hết tuần này có thể chỉ được 50% trường học khắc phục kịp.

Sau bão, toàn tỉnh Quảng Bình có 617 trường học bị sập, tốc mái. Trong đó các huyện, thị xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Đồng Hới, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Lệ Thủy... ước tính thiệt hại lên đến hơn 300 tỷ đồng. Một số trường bị sập, tốc mái hoàn toàn phải mất hơn một tháng sau mới có thể tiếp tục việc dạy học được.

Chuyện học mùa lũ_0

Nhiều trường học ở Quảng Bình bị sập, tốc mái..., không biết khi nào mới khắc phục được.

Tại Hà Tĩnh, các địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả để ổn định dân sinh và sản xuất nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Do xả lũ từ các hồ đập, nước lên cao nhiều trường trên địa bàn tỉnh phải nghỉ học. Tại H. Đức Thọ hàng ngàn học sinh các xã vùng ngoài đê như  Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu, Đức La, Đức Quang, Đức Vĩnh vẫn chưa thể đến trường gần 2 tuần. Như vậy, từ ngày 20-9 (sau bão số 8) đến nay, các trường học vùng ngoài đê La Giang H. Đức Thọ đã phải nghỉ học gần 15 ngày.

Từ sáng 2-10, Phòng Giáo dục huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà đã có quyết định cho học sinh các xã vùng hạ du nghỉ học chờ nước lũ xuống hẳn. Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H. Hương Khê cho biết, đến trưa 3 -10, hơn 4.000 học sinh 16 trường học các cấp không thể đến trường. Mưa bão cũng làm hư hỏng một số trường lớp, nhà xe, nhà hiệu bộ..., thiệt hại ban đầu ước tính 680 triệu đồng. Một số trường trên địa bàn: Hòa Hải, Hà Linh, Phương Điền,... bị thiệt hại nặng.

Chuyện học mùa lũ_1

Người dân...

Nhọc nhằn lội sông tìm chữ

Bao nhiêu năm rồi, khi mùa mưa đến, dòng sông Ly Ly bắt đầu dâng nước, người dân ở thôn Xuân An (Bình Định Bắc - Thăng Bình -Quảng Nam) lại thấp thỏm, âu lo, học sinh phải dậy sớm hơn mọi ngày để đến trường. Mấy ngày qua, những cơn mưa xối xả do ảnh hưởng của cơn bão số 10 khiến nước sông Ly Ly càng dâng cao.

Lối đi duy nhất vào làng Xuân An là qua chiếc cầu máng thủy lợi nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người một xe. Gặp chúng tôi giữa cầu,  cụ Nguyễn Thị Mười, cư dân thôn Xuân An, lắc đầu than: "Khổ rứa đó, mỗi lần có ai đi ngược lại là phải lui lại nhường đường. Ít người còn đỡ chứ đến lúc học sinh tan trường về có khi chờ nửa giờ chưa qua được cầu. Mà cầu này có chắc chi đâu, bị nứt mấy nhịp rồi, trước mùa mưa ngành thủy lợi đến thông báo là người dân không được qua lại, nếu có chuyện thì tự chịu trách nhiệm. Mà chừ không đi đường này thì biết đi hướng mô nữa, nước sông dâng cao không thể lội được". Bao năm nay, làng Xuân An như "ốc đảo" của xã vào mùa mưa. Mùa khô thì xắn quần lội qua sông đi học, đi làm đồng, mùa mưa buộc phải đi vòng, rất xa.

Trưởng thôn Xuân An, anh Trương Văn Chạy giãi bày: "Phần lớn đất nông nghiệp của người dân đều nằm bên kia sông nên mỗi khi ra đồng phải lội qua sông, nông sản làm ra thì bị tư thương ép giá vì không có đường vận chuyển. Nhưng thương nhất là mấy cháu học sinh, phải đi vòng gần 5km mới đến trường trong khi trường chỉ cách làng chưa đến 2km. Sợ trễ học, nhiều đứa liều mạng lội qua sông đến trường vì thế mà không ít tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Cách đây chưa lâu, cháu Trương Văn Đông-học sinh cấp 2 trường Nguyễn Duy Hiệu chết đuối khi lội sông đến trường". Mỗi ngày người dân thôn Xuân An lại kéo nhau đến chờ đón con ở cầu máng thủy lợi, nắm tay dẫn từng đứa qua cầu. Nhiều gia đình phải cho con qua H. Quế Sơn trọ học, dù các em mới học cấp 2.

Chuyện học mùa lũ_2

... và các em học sinh phải lội sông đi.

Người bệnh cần cấp cứu, phụ nữ sinh nở phải cáng qua sông... Mỗi khi có đoàn đại biểu Quốc hội nào về tiếp xúc cử tri, điều đầu tiên người dân Xuân An đề cập đến là xây cầu. Năm 2010, Ngân hàng đại diện Châu Á (ADB) cam kết chi 40 tỷ đồng để xây cầu. Thấy có người đến cắm mốc, đo đạc, người dân khấp khởi mừng, nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Trà Tấn Túc-Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Xuân An với kinh phí hơn 21,6 tỷ đồng, do UBND H. Thăng Bình làm chủ đầu tư.

"Hiện xã đã triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đến hết tháng 10 sẽ bàn giao cho đơn vị thi công, dự kiến hết năm 2014 cầu bắc qua làng Xuân An sẽ hoàn thành. Đến lúc đó chắc chắn việc đi lại và cuộc sống người dân sẽ tốt hơn", ông Túc khẳng định. Mong rằng cây cầu mơ ước ấy sẽ sớm hoàn thành để người làng Xuân An đỡ vất vả, các cháu học sinh không còn vất vả lội sông đến trường nữa.

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC