Một nông dân cõng 4 ông công chức béo; thông tin quy hoạch "mật" những vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm...

 

Đó là những phát biểu gây ấn tượng của ĐBQH tại kỳ họp 11 QH khóa XIII trong những ngày qua.

Một nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết

Đây là hình ảnh ví von được ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ngày 24/3.

Theo đó, ông Đương khẳng định, chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế là rất đúng nhưng cứ hết xây dựng đề án rồi lại báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt...

Dân cõng công chức béo; chim đậu, nhậu chim - 0

ĐBQH Đỗ Văn Đương

Theo đại biểu, riêng khâu thủ tục đã quá nhiêu khê, xin hết cấp này tới Bộ nó cũng không thể cắt giảm được.

Ông Đương đề xuất, ngay trong năm nay chỗ nào tăng biên chế thì báo cáo Bộ Nội vụ tham mưu cho Thủ tướng, còn chỗ nào giảm, giao cụ thể cho cơ quan tổ chức.

“Cứ để cha chung thì không ai khóc, đưa cụ thể, giảm cụ thể có thể khó, nhưng khi đã quyết liệt rồi, một mất một còn rồi thì phải giảm thôi. Đau một chút nhưng tháo gỡ dần”, ông Đương nói.

Vị đại biểu của đoàn TP.HCM tiếp tục ví von: “Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm. Làm quan có thời, về thì cần lấy cái đức cho mình. Thời gian tới phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng”.

Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim

Đề cập đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét, dù kinh tế đã có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nhưng việc cải cách thể chế, cải cách hành chính vẫn chưa bảo đảm tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế và người dân.

Theo bà Khánh, nền hành chính hiện nay vẫn mang tính xin - cho, nhiều cán bộ ở nhiều ngành vẫn "xin - cho" và làm khó cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phát triển trong môi trường như vậy không dễ.

Vị đại biểu ví von: "Nhiều người muốn làm giàu cho quê hương, đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim. Do vậy cần xây dựng nền hành chính công để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thể chế".

Biết quy hoạch 'mật', giàu lên sau 1 đêm

Thảo luận về dự luật Tiếp cận thông tin tại Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh có những thông tin quy hoạch được cơ quan nhà nước đề “mật” nhưng rồi vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm.

Bà An đề nghị phải liệt kê danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để tránh tình trạng thông tin không mật vẫn đóng dấu mật để có lợi ích nhóm.

Dân cõng công chức béo; chim đậu, nhậu chim - 1

ĐBQH Bùi Thị An

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, trong dự luật này có những quy định không cụ thể, rõ ràng, chẳng khác nào "bẫy" dân.

Ông chỉ rõ cái "bẫy":

Theo dự thảo luật, thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách.

Ông khuyến cáo quy định “quá mập mờ” này có thể là cái cớ để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho người dân, khiến người dân không xác định được lối đi.

Sao nói có lợi ích nhóm mà chưa chỉ ra được nhóm nào?

Khi thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn những tồn tại chưa chỉ rõ nguyên nhân.

Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng có lợi ích nhóm, vậy "thực tế có lợi ích nhóm không. Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được nhóm nào", bà đặt câu hỏi..

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM băn khoăn, "liệu lợi ích nhóm có chi phối chính sách, làm lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm có tới diễn đàn Quốc hội. Và đây có phải nguyên nhân chúng ta không tiếp thu được những ý kiến, hiến kế của chuyên gia".

Báo cáo các kỳ đại hội đều đánh giá nhân dân đang giảm sút niềm tin vào Đảng, bà Tâm không đồng tình vì cho rằng, người dân vẫn tin vào chủ trương, chính sách, mục tiêu Đảng sống và chiến đấu vì nhân dân, nhưng nhân dân giảm sút niềm tin ở chỗ triển khai thực hiện nghị quyết - nói không đi đôi với làm.

"Trong những cái lãng phí thì lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân. Trước đây niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước là tự giác, được xây dựng bằng xương máu, vậy khi niềm tin giảm sút thì biện pháp nào để lấy lại", bà nêu vấn đề.

Theo Minh Thái/ Báo Đất Việt

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC