Nhà ga T3 bị rò rỉ nước, hướng từ mái nhà chảy xuống - Ảnh chụp màn hình
Trong đó, nhiều bạn đọc rất quan tâm đến chất lượng và uy tín của nhà ga T3, cũng như những công trình mang tầm vóc quốc gia này.
Nhà ga T3 không phải lần đầu "thấm nước"
Một trong những điều khiến bạn đọc bối rối không phải là sự cố nước mưa chảy xuống sàn nhà, mà là cách lý giải của đơn vị thi công: "Không phải dột".
Câu trả lời này nhanh chóng trở thành vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm. Bởi lẽ dù nguyên nhân kỹ thuật có là từ ống gom nước hay máng tràn bị hở thì hậu quả với hành khách vẫn là... bị ướt, hành lý thấm nước và hình ảnh nhà ga mới khánh thành trở nên không trọn vẹn.
Bạn đọc Gia Huy ví von: "Đây không phải dột kiểu cũ, thấm từ mái xuống mà là kiểu dột thời công nghệ, nước từ máng dẫn xì ra. Dù là kiểu gì, người dân cũng thấy nước vẫn chảy, áo vẫn ướt".
Theo bạn đọc MK: "Không cần tranh cãi về thuật ngữ. Cái quan trọng là khắc phục triệt để và rút kinh nghiệm thật sự".
Nhiều người đặt câu hỏi: "Sao lại có lỗi cơ bản ở công trình lớn như vậy? Nhà thầu làm tiến độ quá nhanh có phải là một số chỗ chưa hoàn thiện?
Đây là câu hỏi không mang tính chất phê phán mà là những thắc mắc cần được các bên liên quan giải đáp rõ ràng".
Nhưng cũng không ít bạn đọc thể hiện sự thông cảm.
Bạn đọc Hoang chia sẻ, thực tế công trình lớn nào cũng cần thời gian vận hành thử. Có thể chưa phát hiện ra lỗi từ đầu. Nhưng vấn đề là khi lỗi lộ diện thì phải sửa nghiêm túc, không được lơ là.
Theo một bạn đọc, muốn kiểm tra hệ thống thoát nước, không có cách nào hiệu quả bằng… một trận mưa lớn. "Giờ mưa to rồi mới thấy lỗi thì khắc phục đi, vậy thôi", bạn đọc này góp ý.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng từ đầu, sự cố hoàn toàn có thể tránh được.
"Một vết hở nhỏ ở máng nước mà không phát hiện trong giai đoạn hoàn thiện thì cho thấy khâu giám sát chưa thật sự ổn. Mong rằng sau vài năm, không phát sinh vấn đề nào khác", bạn đọc Thủy Châu bày tỏ.
Giải pháp nào cho nhà ga T3?
Bạn đọc có tên NHC góp ý: "Khi nghiệm thu nên quy định rõ nhà thầu phải duy trì nhân lực, máy móc và kinh phí dự phòng để sửa chữa sự cố suốt 1-2 năm đầu. Làm một bộ tiêu chí nghiệm thu cho công trình công cộng có yếu tố vận hành phức tạp như nhà ga, trong đó có cả phương án xử lý tình huống khẩn.
Nếu thử nghiệm hệ thống thoát nước kỹ từ giai đoạn cuối công trình, có lẽ hành khách hôm nay đã không phải xách vali tránh nước".
Có bạn đọc đưa ra góc nhìn tổng thể hơn: "Chúng tôi không đòi hỏi sự hoàn hảo. Nhưng càng là công trình lớn, càng phải chỉn chu từ chi tiết nhỏ nhất.
Đó là cách tốt nhất để giữ niềm tin của hành khách, hy vọng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sớm kiểm tra, khắc phục toàn bộ".
"Dưới những mái vòm khổng lồ, bên cạnh hệ thống thiết bị hiện đại, điều làm nên giá trị của một nhà ga không chỉ là công nghệ, mà còn là cảm giác yên tâm của người dân.
Một sự cố nhỏ, nếu lặp lại nhiều sẽ làm ảnh hưởng cảm nhận đó", bạn đọc Văn Biển nhắn nhủ.
Một bạn đọc viết: "Mái nhà ga chỉ dột một lần, nhưng người dân sẽ nhớ rất lâu. Không phải vì nước, mà vì cách xử lý sau đó". Lúc này, việc thể hiện với người dân trách nhiệm và sự cầu thị trong sửa lỗi là điều đặc biệt quan trọng.
Hai lần nước mưa rò rỉ tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Chiều 24-5, khu vực làm thủ tục tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất tiếp tục bị nước từ trần chảy xuống khi trời mưa lớn. Nhà thầu lý giải nguyên nhân là do mối nối ống gom nước bị hở, không phải dột từ mái.
Trước đó, ngày 7-5, một sự cố tương tự, "mái nhà bị dột" cũng xảy ra tại khu vực khác trong nhà ga này.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online