Phận "gái" nơi cửa biểnChúng tôi đến bãi biển Thịnh Long của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào một ngày cuối tuần đẹp trời.

Vào mùa du lịch nên du khách đến đây rất đông. Rất tình cờ, chúng tôi phát hiện ngoài các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi thì nhu cầu… “vui chơi giải trí”, nếu được ví thì nơi đây có lẽ chỉ đứng sau bãi tắm Quất Lâm chút ít về độ cuốn hút khách làng chơi.

Tôi và mấy người bạn rủ nhau lang thang dọc bãi biển để hưởng không khí mát mẻ và thoáng đãng ở nơi đây. Chúng tôi đang mơ mộng thả hồn về biển thì tiếng vè vè đằng sau lưng. Tôi quay lại đã thấy hai tay xe ôm vừa cười vừa nói “Các anh ơi, trời đẹp như thế này có muốn thư giãn cho khoẻ người không?”.

Tôi chần chừ chưa lên tiếng. “Hàng chuẩn luôn, không vừa ý không lấy tiền, các anh tha hồ mà chọn” – Tay xe ôm chạy theo gạ gẫm. “Có an toàn không? Giá cả thế nào?”. Tôi hỏi. “Ông anh yên tâm, em làm nghề này hơn chục năm nay rồi nên biết hết ngõ ngách của vùng biển này. Các anh đi bao nhiêu người để em điều bạn vào cho, chơi xong thoải mái mới trả tiền”. “Bao nhiêu?...” – Tôi hỏi. “Anh thích “tàu nhanh” hay “tàu chậm”? Giá cả cũng mềm mà, 8 chục thì nhanh còn 200 thì cả đêm. Vì mùa du lịch nên ngủ qua đêm hơi đắt một chút”. Thấy đám xe ôm chèo kéo ghê quá tôi bảo bây giờ anh em còn đi dạo biển đã có gì tối sẽ gọi điện.

Đi thêm một đoạn chúng tôi tạt vào quán nhỏ dựng tạm gần bãi biển. Lúc này kim đồng hồ chỉ 6h chiều, ánh mặt trời còn le lói xa xa. Gần mặt biển nên gió thổi rất mát làm cho mọi người thật hưng phấn. Chẳng cần hỏi thăm, chỉ cần phóng tầm mắt ra bãi biển, tôi có thể thấy không khí nơi này khá “nhộn nhịp” vì những dịch vụ chào mời đang bủa vây du khách bốn phương. Trong chiếc quán tạm bợ này chỉ bày có vài chai bia Hà Nội, một hộp gỗ cũ kĩ đựng đầy thuốc lá, dăm ba quả dừa “héo quắt” để lâu ngày, ít mực khô và vài cái ghế để cho khách ngả lưng. Tôi thắc mắc “Chỉ có thế này mà cũng gọi là buôn bán hả?”. Ông chủ quán trả lời: “Những thứ này chỉ tạm bợ thôi em ạ. Trông vào đó có mà chết đói”. Như muốn giải đáp thắc mắc của tôi, ông nói thêm “Ở đây nhà nào cũng vậy, kinh doanh cái “mát mẻ” thì mới sống được”.

- Thế cái “mát mẻ” là cái gì? Ông anh có không? Tôi hỏi.

- Chú không nhìn thấy mấy em đang nằm ườn kia à. Cái “mát mẻ” đấy, có thích không?

- Bao nhiêu? Tôi hỏi.

Ở đây chung một giá, không phải “bo” và cũng không phải trả tiền phòng. Tất cả chỉ có 80.000đ thì nhanh còn 200.000đ là cả đêm nhưng phải từ 12h tối mới có. “Sao qua đêm đắt thế?”. Tôi thắc mắc. “Vì mùa này là du lịch, cung ít hơn cầu nên các em ở đây chỉ thích “tàu nhanh” cho được số lượng hơn và nhiều tiền hơn chứ không thích đi qua đêm”. Chủ quán thì thào bên tai tôi “Riêng em anh ưu ái vì dẫn được vài khách đến quán này, nên anh sẽ điều một em chăm sóc từ bây giờ (6h30 tối) đến sáng ngày hôm sau mà giá không đổi. Đáng nhẽ 12h em mới nhận được hàng cơ”.

Rất ngắn gọn, cuộc ngã giá của chúng tôi với ông chủ quán kết thúc chóng vánh. Chỉ 15 phút sau khoảng 5 – 6 em đã quây quần bên chúng tôi để được dẫn lên phòng “tâm sự”. Tôi chọn một em có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài và đôi mắt thật buồn. Chủ quán phấn khởi nói “Đấy là em Loan, rất nhiệt tình và dễ gần lắm. Bây giờ em nó sẽ làm “vợ” một đêm, anh thích làm gì thì làm, em nó sẽ chăm sóc và phục vụ anh chu đáo. Có gì thắc mắc cứ hỏi nhé để tôi điều chỉnh cho”. Vì trời còn sớm, mặc cho các đôi đã dẫn nhau lên phòng, tôi rủ Loan ra biển chơi để có cảm hứng. Loan cười và đồng ý ngay. Biển về đêm thật đẹp, tôi và Loan sóng đôi trên biển như những đôi tình nhân đang yêu nhau. Thấy tôi cũng dễ gần và thoải mái không như những khách làng chơi khác là phải tận dụng mọi thời gian để “hoạt động” Loan nói chuyện vô tư, không dè dặt. “Tại sao anh lại chọn em?” Loan hỏi. “Vì thấy có vẻ khác các cô kia, nên anh muốn tìm một người để nói chuyện cho thoải mái”.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện thật rôm rả như những người bạn và dần dần Loan đã kể cho tôi biết câu chuyện về cuộc đời Loan: Loan sinh ra ở huyện nghèo của Thái Bình nơi quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với nghề trồng lúa. Học hết phổ thông, do không thi được đại học nên Loan xin sang Nam Định học may. Ở đây được vài tháng, Loan quen một gã Sở Khanh tên Tuấn, rồi sống như vợ chồng với hắn. Dù biết rằng hắn đã có vợ nhưng không hiểu sao Loan cứ u u mê mê tin vào những lời nịnh bợ của hắn. Có lần bố Loan phải đạp xe mấy chục cây số sang khuyên bảo nhưng cô cũng chẳng nghe, thậm chí ông còn từ Loan nếu cô còn dính dáng đến Tuấn. Rồi vợ con Tuấn mấy lần tìm đến phòng trọ của Loan đánh cho nhừ tử mà cô cũng chẳng chừa. Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến, ngày Loan báo tin với Tuấn là đã có mang thì cũng là ngày hắn nói lên ý định của mình: “Cô bỏ cái thai ấy đi chứ, nuôi cô còn chẳng đủ thì còn nuôi ai được nữa”. Đến lúc này, Loan mới nhận ra cái sai của mình.

Cái thai đã 5 tháng tuổi, bây giờ có bỏ đi cũng không được mà Loan cũng không muốn bỏ nó bởi nó chính là hi vọng duy nhất của cô lúc này. Bụng mang dạ chửa, đồng lương may eo hẹp không thể nuôi sống được bản thân trong thời kỳ thóc cao gạo kém. Về quê thì cô chẳng có mặt mũi. Thôi thì cứ ở đây tạm vài năm, kiếm được công việc ổn định rồi bế con về xin lỗi cha mẹ và họ hàng. Với ý nghĩ đó, Loan bắt xe lên Hải Hậu. Nghe nói có đứa bạn học hồi phổ thông đang làm tại một quán hàng ăn ở bãi biển Thịnh Long này cũng kha khá. Đặt chân lên đây Loan mới biết sự thật công việc của cô bạn mình là “bán trôn nuôi miệng”. Nhìn thấy cảnh đó, cô định cất bước ra khỏi chốn nhơ nhuốc này nhưng cô bạn ngăn lại: “Mày không ở đây thì đi đâu. Tiền không có một xu, sống sao nổi. Thôi ở đây với tao, có gì tao phụ cho. Mày biết đấy, cuộc sống bây giờ quá khó khăn, giá cả leo thang, tiền nhà, tiền ăn phát sinh liên tục… tuỳ mày”.

Ngẫm đi tính lại, Loan cũng chẳng biết trông chờ vào đâu, thôi đành ở đây vậy. Sinh con được vài tháng, với vóc dáng, khuôn mặt ưa nhìn của gái một con khiến Loan nổi bật nhất so với nhân viên của quán đó. Nhiều khách vào quán chỉ muốn gần cô. Lúc đầu Loan không chịu tiếp khách nhưng do nợ nần quá nhiều, cũng không còn lối thoát nào nên cô đành phải dấn thân làm theo. Loan giải thích: “Đám đàn ông thường kéo đoàn khi tìm mối, tương tự như rủ nhau đi nhậu ấy. Tìm được một người ngon, đẹp và biết chiều thì họ tranh thủ cùng nhau luôn, vừa tiện đường vừa tiết kiệm lại có hội hè”. Mỗi “ca” như thế này, cô được 80.000 đồng/người, nếu khéo léo nài nỉ thì được họ bo cho khoảng 50.000 – 100.000 đồng. Bây giờ mỗi ngày Loan có khoảng 4 – 5 chuyến, chủ yếu là liên lạc qua điện thoại, may mắn thì được đưa vào khách sạn, nhà nghỉ, còn không thì lăn lóc ở triền đê hoặc một bãi vắng nào đó.!.  

“Vì khách hàng là thượng đế mà!”. “Thế em có hay về quê không?” – Tôi hỏi. “Ít lắm, mặc dù quê rất gần nhưng hai mẹ con rất ngại về chỉ tết mới về thôi. Bên nhà nội thì từ bỏ lâu rồi, nhà ngoại cũng chẳng còn bao nhiêu người, làng xóm có nói gì cũng là lời đồn đại thôi. Cái tiếng mà. Chỉ có đứa con, không nói ra nhưng nó cũng hiểu, nhiều lúc thấy người mẹ bầm dập thì đứa nhỏ vừa bôi dầu vừa khóc”. Khách của Loan chủ yếu là khách du lịch khi vào vụ hè còn lại là dân lao động, dân làng chài. Họ khoẻ như vâm, cô dù có dẻo dai đến mấy thì cũng là phận đàn bà, chẳng mấy chốc mà dung nhan tàn tạ, từng nặng 52kg, giờ chỉ còn 42kg trong khi cao 1m58. “Cũng may là nhiều người không chê, nên em vẫn còn “kiếm chác” được” – Loan cười buồn. 

Theo như Loan kể thì cô sẽ không “trụ” lâu với nghề này vì thân tàn, sức nát nên cô tính sẽ góp đủ tiền để đi buôn quần áo ở chợ rồi nghỉ hẳn, ít ra cũng để con cái không phải sống trong cảnh mang tiếng về mẹ nó mãi, mà bản thân cũng có việc tử tế để mà nhìn đời, nhìn người. Nhưng trước mắt, Loan vẫn phải bám lấy nó để mà sống và nuôi con nên người.

Theo GĐ&XH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC