Quan chức sớm chạy tỉnh này chiều chạy tỉnh nọ chưa hẳn năng nổ, vấn đề là ở vị trí đó anh đề ra được chính sách gì có lợi cho dân.

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khi trao đổi về tình trạng quan chức Việt thụ động, thiếu thực tế vì "ngồi nhiều".

Chuyện nhỏ

Bàn về "căn bệnh" tưởng mới nhưng hóa cũ - "bệnh ngồi nhiều" của quan chức Việt được vị đại diện thương mại Mỹ đề cập tới trong một cuộc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, cho rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ, vấn đề lớn hơn là nhiều quan chức hiện nay không lo gì cho công việc của dân, của nước, trái lại họ chỉ lo phấn đấu, chạy chọt để làm quan và leo lên vị trí cao hơn, lo kiếm tiền, vun vén cho cá nhân.

"Có khi quan chức ấy không ngồi trong phòng mà chạy đi nhậu nhẹt, túm tụm nhóm lợi ích... tức là họ không quan tâm tới công việc của dân, của nước. Vì thế, tôi cho rằng, có thể người Mỹ muốn nhắn nhủ rằng, là quan chức phải lo việc của dân của nước, mà lo thì phải đi gặp dân", ông nói.

Quan chức Việt ngồi nhiều: Nếu chỉ phê bình, khiển trách... - 0

Ông Nam bày tỏ, đối với quan chức ở Việt Nam có nhiều vấn đề mang tính hệ thống nên dẫu những cái nhỏ có sửa được cũng không giải quyết được gì.

Ông so sánh, luật ở các nước rất nghiêm, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Họ cũng quy định rõ, khi một người làm quan ở cấp này, ghế này thì chỉ được làm những việc nhất định và những việc đó phải là để lo cho dân, cho nước.

Ở Việt Nam cũng hô hào điều này nhưng thực tế cho thấy, khi một người làm lãnh đạo xã trở lên người ấy đã làm một "ông vua con".

"Quan chức đi nhiều chưa hẳn đã tốt, sớm tỉnh này chiều tỉnh nọ chưa hẳn là một người năng nổ.

Quan trọng là khi ngồi ở vị trí đó ông ta đề ra được chính sách gì có lợi cho dân không.

Ví dụ, nhiều dự án bỏ hoang do đầu tư sai ở các địa phương ấy là do quan chức có thể tác động được. Tại sao họ lại duyệt dự án đó?

Quan chức không cần đi, người ta phải tìm đến ông ta để đưa tiền và rồi khi họp thì người ấy gật đầu cho dự án đó...", ông Nam thẳng thắn.

Vị chuyên gia phủ nhận căn nguyên của tình trạng trên là do quan chức Việt thiếu thực tế.

Ông khẳng định, quan chức Việt không phải không hiểu thực tế, họ hiểu hết người dân đang khó khăn chỗ nào, cần cái gì nhưng họ thiếu một ý thức chính trị cần thiết. Làm quan là để lo cho dân, nếu làm quan ở tầm làm chính sách thì anh ra được chính sách gì, nếu ở vị trí điều hành thì anh điều hành việc dân, việc nước ra sao chứ không phải là việc anh có xuống địa bàn, có đi thực tế hay không.

Khó chữa vì chẩn chưa đúng bệnh, bốc chưa đúng thuốc?

Về thực trạng "một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo" mà một đại biểu Quốc hội phát biểu tại diễn đàn Quốc hội mới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng số công chức mà người nông dân phải cõng trên vai còn nhiều hơn con số bốn.

"Đâu phải chỉ mấy quan xã, quan huyện, cả một bộ máy công chức tất cả các ngành hành chính sự nghiệp ai nuôi nếu không phải tiền thuế của dân? Bởi thế người dân rất khổ vì đôi gánh trên vai quá nặng nề", ông nhấn mạnh.

Để công chức thực sự là công bộc của dân, ông Nam cho rằng phải đổi mới từ trong Đảng bởi Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng viên phải xác định rõ anh làm ở vị trí này vì mục đích gì, phục vụ cho ai... Luật phải định rõ làm thế nào để làm lãnh đạo cho tốt.

Nếu chỉ tự nói với nhau phải cố gắng, phải trong sạch mà không luật ràng buộc thì vô ích.

"Nhìn các nước xung quanh, họ không hô khẩu hiệu mà ra luật rõ ràng, cho phép công chức được làm gì, hễ làm trái điều ấy thì sa thải, chứ không phải chỉ phê bình, khiển trách, kỷ luật mà được thăng chức cao hơn như ở Việt Nam.

Chẳng hạn với bệnh tham nhũng, với cơ chế, chính sách hiện nay Việt Nam không thể trị được chứng bệnh này. Người ta vẫn nói có tham nhũng, có ăn hối lộ nhưng để quy cho một quan chức ăn hối lộ thì không ai chứng minh được.

Nào là người đưa hối lộ phải nhận là có đưa hối lộ cho ông A, người nhận hối lộ lại phải nhận là có nhận hối lộ của ông B, rồi thứ hối lộ ấy là gì, là căn nhà, hiện vật hay tiền..., nó phải hiện hữu rõ để cơ quan chức năng xác minh.

Tất cả những chứng cứ ấy tìm đâu ra? Bởi thế sẽ chẳng kết tội được ai nhận hay đưa hối lộ hết.

Người ta chỉ biết là có nhưng không ai dại gì thừa nhận. Hối lộ phải trăm phương nghìn kế, ẩn ẩn hiện hiện. Ví dụ, người ta hối lộ một cái nhà nhưng lại dưới hình thức bán cho quan chức chỉ mấy đồng, ai chứng minh được?

Chính vì thế, tôi cho rằng cách xử lý tham nhũng hiện nay chủ yếu là nói để dân yên lòng chứ chưa thể trị được do chẩn chưa đúng bệnh, bốc chưa đúng thuốc. 

Còn các nước chữa được vì họ tư duy được triệt để, kiên quyết để chấm dứt tình trạng ấy. Sự triệt để ấy thể hiện ở việc có luật rõ ràng, quy định chi tiết, kiểm tra kiểm soát, dân chúng, truyền thông được quyền giám sát", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Thành Luân/ Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC