Cuộc sống vất vả, nghèo khó đôi khi vắt kiệt sức lực của các bậc cha mẹ, nhưng đó không phải là lý do để biện minh cho việc họ đã bỏ mặc con cái.

Buổi chiều cuối năm 2007, nhà ông P. có cuộc nhậu. Chuyện này vẫn thường xảy ra. Nhưng hôm ấy, một người bạn nhậu của ông P. đã lợi dụng lúc ông  say rượu, lẻn lên gác và dở trò đồi bại với đứa con gái mới 11 tuổi của ông. Nghe tiếng L. la khóc, vợ ông P. chạy lên, nhưng không kịp... Ba ngày sau, họ đưa con đi giám định. Kết luận có dấu vết bị xâm hại, ngoài ra không có bằng chứng nào khác... Vụ án không được khởi tố...

Nhưng kể từ hôm đó, L. hoàn toàn thay đổi. Sau một thời gian hoảng loạn, mặc cảm, cô trở nên bướng bỉnh, bất cần và nhất quyết không chịu đến trường. Rảnh rỗi, L. la cà với những người bạn khác giới, có khi đi cả đêm không về. Thoạt đầu, vợ chồng ông P. cũng lo lắng, rầy la. Càng nói, L. càng đi, riết rồi lo làm ăn, họ đành bỏ mặc. 

 

Vào tù vì
N.T.V. trong giờ nghị án

N.T.V (SN 1991) là người L. mới quen khoảng gần hai tháng và chính thức kết bồ được non nửa tháng. V. điển trai, làm nghề sửa xe nhưng mù chữ. Kể từ khi quen biết, L. thường chủ động hẹn hò V. đi chơi.

Tối 18-12-2008, cả hai cùng một số bạn bè đi uống cà phê và uống rượu. Đến khoảng 0 giờ 30 phút ngày 19-12-2008, L. nhờ V. chở về nhà nhưng sau đó lại nói “giờ này nhà đóng cửa, không vào được”, xin về nhà V. ngủ nhờ... Và chuyện xảy ra... Sáng hôm sau, cả hai đang ngồi xem tivi, ông P. đến tìm, đưa L. về nhà. Bực mình vì cha cằn nhằn mãi, L. kể tất tật mọi chuyện xảy ra đêm hôm trước. Giận con và V., ông P. làm đơn tố cáo...

Phiên tòa hôm nay, L. không đến dự. Nghe cha em nói vì lo sợ nên em đã trốn trước đó.

- L. quen biết như thế nào với bị cáo?- vị chủ tọa hỏi

- Dạ, là bạn gái.

- Thế sao tại CQĐT, L. khai chỉ là bạn bình thường thôi?
-
 Dạ, nếu L. không thương bị cáo, sao khi biết cha làm đơn tố cáo, L. viết thư rủ bị cáo đi trốn? Lá thư này, bị cáo đã nộp ở CQĐT.

- Bị cáo có biết L. chưa đủ 13 tuổi không?

- Dạ không, L. cao lớn, từng trải lại chủ động... Bị cáo không biết L. còn nhỏ...

V. ấp úng. Không phải vì muốn chối tội mà vì xấu hổ và không biết phải trả lời sao.

Bị cáo buộc về tội hiếp dâm trẻ em, nhưng V. cũng chỉ mới 17 tuổi 4 tháng, không biết chữ và lại càng không hiểu biết pháp luật. Thế cho nên, khi vị hội thẩm nhân dân giải thích, theo Luật Hôn nhân gia đình, bị cáo cũng chưa đủ tuổi lập gia đình; bị hại dưới 13 tuổi, cho dù chủ động trong chuyện ấy, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự... V. gật đầu mà mặt vẫn không hết ngơ ngác.

Chợt thấy thương cho V. và cả L. Chắc chắn họ không ý thức được chuyện xảy ra trong một đêm cả hai cùng say, không tự chủ được lại dẫn đến hậu quả như hôm nay (mức án cao nhất dành cho tội này có thể là chung thân hoặc tử hình).

Mẹ của V. sụt sùi cho biết: “Khuya đó, nghe lùm xùm ngoài cửa, biết thằng V. đã về, nhưng cả ngày đi bán mệt nên tôi không ra xem sao. Thường ngày, con tôi hiền và dại lắm. Nó có quen con gái nào đâu... Sáng hôm sau, tôi mới biết thằng V. đưa con bé về ngủ trên gác. Nhìn con bé ngồi trong lòng thằng V. có vẻ dạn dĩ quá, tôi đâu có dè... 

Sau khi chuyện xảy ra, cha của L. đòi bồi thường 10 triệu đồng, tôi mượn tiền góp chỉ được 5 triệu đồng. Tới nhà năn nỉ mấy lần, ổng cũng chỉ đồng ý bớt 2 triệu đồng. Vẫn còn 3 triệu đồng, tôi cũng chưa biết chạy đâu ra...”.

Tòa cho mời ông P. Ông vẫn khăng khăng đòi 8 triệu đồng vì đó là “tiền bồi thường danh dự” (?!). Ngoài ra, ông không yêu cầu gì về mức hình phạt dành cho bị cáo.

Bản án 9 năm tù cho V. thấp hơn đề nghị của VKSND TPHCM (12-13 năm, mức khởi điểm của khung hình phạt) nhưng bên dưới vẫn nhiều tiếng xuýt xoa: “Tội nghiệp thằng nhỏ”. Dẫu biết, vi phạm pháp luật ắt phải bị trừng phạt, đó là luật.

Nhưng như ông bà xưa thường nói: “Mẹ ngoảnh đi, con dại; mẹ ngoảnh lại, con khôn”. Giá như trước đây ông P. không “rước sói vào nhà” xâm hại sự trắng trong của con gái có lẽ L. sẽ không sống buông thả như thế. Giá như mẹ V.chịu khó bước ra ngoài xem con làm gì, với ai có lẽ đã ngăn được hành vi bộc phát của con.

Giá như... Tiếc là, đến tận hôm nay, các bậc phụ huynh của bị cáo lẫn bị hại vẫn chưa nhận ra trách nhiệm của mình. Họ hết đổ lỗi cho con của người khác lại quay qua than vãn sự nghèo khó. Không thấy ai đề cập chuyện tương lai của V. và L., sau những lần vấp ngã đớn đau...

Theo Người lao động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC