Hiện nay, người đọc có thể thấy trên báo chí và sách vở tiếng Việt tại hải ngoại hai lối đánh dấu có vẻ trái ngược nhau. Rắc rối hơn nữa là có những tờ báo có một loại đánh dấu ở một số bài và loại kia ở một số bài khác! Là những người sử dụng tiếng Việt hay dạy tiếng Việt, chúng ta hẳn muốn có một sự giải thích thoả đáng về hai cách dùng dấu trong chính tả này.

 Tựa đề của bài viết này là một ví dụ cho hai cách dánh dấu đó: Dấu sắc nên nằm trên chữ O như trong chữ văn hóa, hay nên nằm trên chữ A như trong chữ văn hoá? Đây là ví dụ trong trường hợp có hai chữ cái nguyên âm; còn trường hợp những chữ có ba chữ cái nguyên âm thì sao? Những luật lệ nào đã ấn định vị trí của những dấu đó? Bài viết này nhằm giải toả những thắc mắc ấy và tìm ra những định luật liên hệ. Một khi đã nhận ra đặc điểm của mỗi phương pháp, người đọc, thầy cô, phụ huynh có thể lựa chọn một phương pháp cho riêng mình.


1. Phương pháp đánh dấu “thẩm mỹ”

Tên gọi này được chương trình đánh máy điện toán VNI dùng trong phần lựa chọn cách đánh dấu. Theo cách này thì văn hóa là kiểu đánh dấu “đúng”. Chương trình VNI không giải thích tại sao lại gọi cách này là cách “thẩm mỹ”, nhưng chúng ta cũng có thể đoán được rằng đánh dấu theo kiểu này trông “đẹp”, trông “quen mắt”. Quả vậy, cách đánh dấu này là cách phần lớn chúng ta đã được học từ lúc còn nhỏ. Như vậy thì chữ hóa nhìn thẩm mỹ ở chỗ nào? Cũng không thấy chương trình VNI giải thích. Tuy vậy, một lần nữa chúng ta lại có thể đoán rằng nó thẩm mỹ ở chỗ là dấu sắc nằm ngay trên chữ O, ngay giữa chữ hóa, trông rất cân bằng. Song nếu chúng ta thử xét một chữ khác cũng gần với chữ hóa, chẳng hạn như chữ hoán, thì sẽ thấy gì? Trong trường hợp này, dù theo trường phái nào đi nữa, cũng chỉ có một cách đánh dấu là cách đánh trên chữ A. Như thế, từ chữ hóa sang chữ hoán, cách đánh dấu thẩm mỹ dường như đã vướng vào hai điều khúc mắc: Thứ nhất, tại sao từ chữ hóa sang chữ hoán, dấu sắc đã tự động nhảy từ chữ O sang chữ A? Thứ hai, nếu bảo đây là phương pháp thẩm mỹ thì chữ hoán nhìn đâu có thẩm mỹ, vì bây giờ có bốn chữ cái và dấu sắc nằm trên chữ thứ ba, đâu còn cân bằng nữa?!!!

Theo chỗ hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, phương pháp thẩm mỹ này tuy đã có từ rất lâu, dường như lại chẳng có một tập hợp những luật lệ để giải thích về vị trí của các dấu giọng trong từ ngữ tiếng Việt. Chúng ta học cách đánh dấu theo thói quen: Thầy cô đánh dấu thế nào, sách vở dùng các dấu ra sao, chúng ta cứ thế mà theo một cách thụ động, mãi rồi cũng thuộc, chẳng cần luật lệ gì cả. Nay nhân cơ hội này, chúng ta thử cùng nhau rút ra các định luật đã tạo thành phương pháp đánh dấu gọi là thẩm mỹ này.

1.1 Luật đánh dấu thẩm mỹ trong những chữ có một chữ cái nguyên âm – Vần mở hay vần khép

Luật này đơn giản và dễ hiểu nhất. Chúng ta biết rằng chỉ có nguyên âm mới có thanh, còn phụ âm không thể có thanh. Như vậy những chữ chỉ chứa một chữ cái nguyên âm, bất luận là vần mở (không có phụ âm theo sau) hay vần khép (có phụ âm theo sau), thì dấu phải nằm ngay trên (hay dưới) chữ cái biểu thị nguyên âm đó.

Ví dụ: là, lá, lả, lã, lạ, gì (vần mở)

làn, làng, lọng, lạc, lốc, lạch, lập (vần khép)

1.2 Luật đánh dấu thẩm mỹ trong những chữ có hai chữ cái nguyên âm – Vần mở

 

Luật này là nòng cốt của tính “thẩm mỹ”. Những chữ nào có hai chữ cái nguyên âm và là vần mở (không có phụ âm đi sau), dấu sẽ nằm trên (hay dưới) chữ cái nguyên âm thứ nhất, để cho toàn chữ nhìn có vẻ “cân bằng”.

 

Ví dụ: mái, củi, níu, cừu, đói, tụy, thùy, họa, lối, rùa, lìa, khỏe, nghèo, tréo, phải

 

Tính “thẩm mỹ” theo luật này, tuy vậy, vẫn không hoàn hảo. Những chữ như mái, củi, níu, v.v. đúng là “thẩm mỹ tuyệt đối” vì gồm có ba chữ cái và dấu đánh ngay chữ nằm ở giữa, trông rất cân bằng. Nhưng những chữ như khỏe, nghèo, tréo, v.v. lại “kém thẩm mỹ” hơn vì gồm có bốn chữ cái và dấu lại nằm ở chữ cái thứ ba, không cân bằng, thì thẩm mỹ chỗ nào?!!

 

Lại nữa, dến đây, sự việc bắt đầu trở nên rắc rối hơn. Định luật kể trên có hai ngoại lệ đi kèm như sau.

 

1.2.1 Ngoại lệ thứ nhất: Trong vần mở gồm hai chữ cái nguyên âm, nếu chữ cái thứ nhì là Ê hay Ơ thì dấu cũng nằm trên (hay dưới) hai chữ ấy chứ không còn đi theo chữ cái nguyên âm thứ nhất như thông lệ nữa.

 

Ví dụ: huệ, Huế, huề, thuở

 

Chúng ta có thể thấy ngoại lệ này không thể giải thích tại sao dấu lại nhảy từ chữ cái nguyên âm thứ nhất qua chữ cái nguyên âm thứ nhì khi có sự hiện diện của chữ Ê và chữ Ơ.

 

1.2.2 Ngoại lệ thứ hai: Nếu chữ cái nguyên âm thứ nhất là U đứng sau chữ Q, hay I đứng sau chữ G, thì dấu phải nằm trên (hay dưới) chữ cái nguyên âm thứ nhì. 

 

Ví dụ: quà, quý, già, giờ

 

1.3 Luật đánh dấu thẩm mỹ trong những chữ có hai chữ cái nguyên âm – Vần khép

 

Theo luật này, trong những chữ có hai chữ cái nguyên âm và theo sau là một hay hai chữ cái phụ âm, dấu sẽ nằm trên (hay dưới) chữ cái nguyên âm thứ nhì. Luật này không có ngoại lệ.

 

Ví dụ: toán, yến, tiền, loạn, loãng, luống, quỳnh, giành, kiếm, cuộc, khuếch, quýt

 


1.4 Luật đánh dấu thẩm mỹ trong những chữ có ba chữ cái nguyên âm – Vần mở

 

Luật này không có ngoại lệ. Những chữ nào có ba chữ cái nguyên âm và là vần mở sẽ có dấu nằm trên (hay dưới) chữ cái nguyên âm thứ nhì.

 

Ví dụ: quái, loài, tuổi, diều, giễu, yếu, rượu, khuỷu, quảy, ngoẹo

 


1.5 Luật đánh dấu thẩm mỹ trong những chữ có ba chữ cái nguyên âm – Vần khép

 

Theo quy luật cuối cùng của phương pháp này, những chữ có ba chữ cái nguyên âm nằm trong vần khép sẽ có dấu nằm trên (hay dưới) chữ cái nguyên âm thứ ba.

 

Ví dụ: nguyễn, quyền, tuyết, tuyệt, giường, giuộc

 

Luật này đã xoá đi ranh giới giữa chính tả và ngữ âm ở chỗ là trong các chữ nguyễn, quyền, tuyết, tuyệt chữ U là chữ tạo vần (đọc như là một bán nguyên âm), trong khi trong các chữ giường, giuộc, chữ I chỉ là chữ tạo thanh, được dùng để biểu thị một phụ âm khi kết hợp với chữ G. Nói khác đi, đối với hai chữ U và I, luật này chỉ tính đến chữ cái mà không phân biệt giá trị ngữ âm của hai chữ ấy.

 

1.6 Nhận xét chung về phương pháp thẩm mỹ

 

Những đặc tính thấy được ở phương pháp đánh dấu thẩm mỹ có thể tóm tắt lại như sau:

 

a. Phương pháp này bao gồm 5 quy luật chính và 2 ngoại lệ.

 

b. Cách đánh dấu phải căn cứ vào hai loại kết cấu của vần, vần mở hoặc vần khép.

 

c. Phương pháp này lúc thì dựa vào chữ cái, lúc thì dựa vào ngữ âm.

 

d. Khó tìm ra những giải thích thoả đáng vì sao dấu lại nhảy từ chữ cái này sang chữ cái khác khi kết cấu của chữ cái thay đổi.

 

2. Phương pháp đánh dấu dựa theo ngữ âm

 

Phương pháp thứ hai này tương đối mới mẻ. Như tên gọi theo chương trình VNI, phương pháp này căn cứ hoàn toàn vào ngữ âm. Nói cách khác, phương pháp đánh dấu ngữ âm dựa vào cách cấu tạo của vần (cách nói hay đọc chứ không phải chữ cái). Theo cách này thì chữ văn hoá là cách đánh dấu đúng, tương phản với cách đánh dấu thẩm mỹ là văn hoá. Để hiểu được phương pháp đánh dấu ngữ âm, chúng ta cần nhìn lại kết cấu của vần tiếng Việt trước khi tìm hiểu luật đánh dấu theo phương pháp này như thế nào.

 

2.1 Kết cấu của vần tiếng Việt

 

Có hai loại vần chính: Vần chỉ chứa một nguyên âm gọi là vần đơn và vần chứa một nguyên âm kèm theo một hay hai bán nguyên âm gọi là vần phức (hai loại vần này có thể là vần mở (không có phụ âm theo sau) hay vần khép (có phụ âm theo sau), nhưng điều này không ảnh hưởng tới cách đánh dấu trong phương pháp ngữ âm). Những bán nguyên âm trong tiếng Việt được biểu thị qua những chữ cái A, I, Y, O, U, Ư. Những chữ cái này cũng có thể biểu hiện nguyên âm cùng với những chữ cái còn lại như Ă, Â, E, Ê, O, Ô, Ơ.

 

Kết cấu của hai loại vần chính được trình bày như sau:

 

a. Vần đơn: nguyên âm (a, e, ê, i/y, o, ô, ơ, u, ư)

 

b. Vần phức: Loại vần này chia thành bốn loại nhỏ tuỳ theo hai yếu tố là (i) có một hay hai bán nguyên âm đi theo nguyên âm chính, và (ii) vị trí của những bán nguyên âm ấy.

 

  • Vần phức (1): nguyên âm + bán nguyên âm (ai, eo, ia, oi, ui...)
  • Vần phức (2): bán nguyên âm + nguyên âm (oa, oe, uê, uy...)
  • Vần phức (3): bán nguyên âm + nguyên âm + bán nguyên âm (oai, uôi, uây...)
  • Vần phức (4): bán nguyên âm + bán nguyên âm + nguyên âm (uyê)

2.2 Luật đánh dấu theo phương pháp ngữ âm

 

Theo phương pháp ngữ âm, chỉ có một định luật duy nhất, không có ngoại lệ: Dấu giọng phải nằm trên (hay dưới) chữ cái biểu thị một nguyên âm chứ không bao giờ nằm trên (hay dưới) chữ cái biểu thị một bán nguyên âm.

 

Định luật nói trên trùng hợp với tất cả những định luật và ngoại lệ của phương pháp đánh dấu thẩm mỹ, ngoại trừ luật (1.2). Thật ra, tất cả những luật còn lại của phương pháp thẩm mỹ cũng vô hình chung mà dựa vào ngữ âm mà thôi. Cả hai phương pháp đánh dấu gần như giống nhau, chỉ khi nào gặp kết cấu theo luật (1.2) mới trở nên khác nhau.

 

Luật đánh dấu ngữ âm, tuy vậy, cũng không hoàn toàn đơn giản. Luật này đòi hỏi người nói hay viết phải biết trong những vần phức, chữ cái nào là nguyên âm, chữ cái nào là bán nguyên âm, để đánh dấu cho đúng. Dù là người Việt nói tiếng mẹ đẻ, nếu không có một chút hiểu biết về ngữ âm, đôi khi chúng ta cũng khó xác định được điều này. Nói nôm na một chút, trong một vần phức, khi đọc lên, nguyên âm sẽ nghe rõ và dài hơn bán nguyên âm. Dấu giọng vì thế sẽ đi theo nguyên âm ấy. Nếu chúng ta dạy cho các em nhỏ cách đánh dấu này từ lúc đầu, phương pháp này cũng sẽ trở thành một thói quen mà không cần biết đến luật lệ, y như phương pháp thẩm mỹ vậy.

 

2.3 Một vài ví dụ về phương pháp đánh dấu ngữ âm

 

Phương pháp đánh dấu ngữ âm có thể giải thích được vì sao dấu giọng nằm ở một chữ cái này mà không là chữ khác, hoặc vì sao dấu lại nhảy từ chữ cái này sang chữ cái khác trong những vần mà thoạt nhìn trông có vẻ giống nhau.

  • Trong chữ múa, dấu sắc nằm trên chữ U vì vần UA ở đây có kết cấu nguyên âm + bán nguyên âm, trong khi chữ quá lại có dấu sắc trên chữ A vì kết cấu của vần UA trong trường hợp này làbán nguyên âm + nguyên âm. Dấu sắc đã “nhảy” từ chữ cái này sang chữ cái khác, nhưng điều này có thể giải thích được vì dấu sắc chỉ nhảy theo chữ cái nào đóng vai trò nguyên âm mà thôi.
  • Trong chữ xúi, dấu sắc nằm trên chữ U vì vần UI có cấu trúc nguyên âm + bán nguyên âm. Ngược lại, trong chữ xuý, dấu sắc nằm trên chữ Y vì vần UY có kết cấu bán nguyên âm + nguyên âm. Tính bất biến của cách đánh dấu theo ngữ âm được thể hiện qua trường hợp của chữ xuýt. Từ chữ xuý với vần mở qua chữ xuýt với vần khép, vì trong cả hai trường hợp đều có chữ Y là nguyên âm, dấu sắc không hề thay đổi vị trí. (Với phương pháp thẩm mỹ, từ xúy qua xuýt, phải cần hai luật riêng biệt mới có thể giải thích tại sao vị trí của dấu sắc lại thay đổi). Ví dụ trên đây cũng cho thấy là phương pháp ngữ âm không bị chi phối bởi vần mở hay vần khép như phương pháp thẩm mỹ.
  • Theo phương pháp ngữ âm, chữ tuệ và chữ tuỵ đều có dấu nặng dưới chữ cái thứ nhì Ê và Y, bởi lẽ hai chữ cái này biểu hiện hai nguyên âm, còn chữ U biểu hiện một bán nguyên âm. Đối với phương pháp thẩm mỹ, dấu nặng nằm hai chỗ khác nhau trong hai chữ: tuệ và tụy. Phương pháp thẩm mỹ, vì thế, phải dùng một định luật và một ngoại lệ để giải thích sự thay đổi vị trí của dấu nặng, trong khi phương pháp ngữ âm vẫn luôn luôn dùng định luật duy nhất “nguyên âm ở đâu, dấu nằm ở đó” để giải thích vị trí của bất cứ dấu giọng nào.
  • Trong đa số trường hợp, phương pháp ngữ âm vẫn trùng hợp với phương pháp thẩm mỹ, tuy cách lý giải của mỗi phương pháp lại khác nhau. Trong những chữ như cười, lượng, hãi, hãy, túi,v.v., các dấu giọng nằm ở vị trí giống nhau, dù áp dụng theo phương pháp nào đi nữa.

2.4 Nhận xét chung về phương pháp ngữ âm

 

Những đặc tính thấy được ở phương pháp đánh dấu ngữ âm có thể tóm tắt lại như sau:

 

  • Phương pháp này căn cứ hoàn toàn vào ngữ âm, chỉ có duy nhất một định luật và không có ngoại lệ nào.
  • Phương pháp này đòi hỏi người viết phải phân biệt đâu là nguyên âm, đâu là bán nguyên âm.
  • Vị trí của dấu giọng không bị chi phối bởi vần mở hay vần khép hoặc bất cứ một chữ cái nguyên âm nào.
  • Định luật duy nhất của phương pháp ngữ âm có thể giải thích bất cứ trường hợp “nhảy dấu” nào trong những vần thoạt trông có vẻ giống nhau (nhưng thật ra là khác nhau do sự biến do sự biến đổi từ nguyên âm sang bán nguyên âm hay ngược lại).

3. Phần kết luận: Nên dùng phương pháp đánh dấu nào?

Không riêng gì việc đánh dấu, tiếng Việt của chúng ta dường như vẫn còn nhiều vấn đề khác về chính tả chưa được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Có thể kể ra một vài trường hợp khác như sự lựa chọn giữa I và Y (kỷ niệm hay kỉ niệm?), sự có mặt của một số dấu nguyên âm hay không trong cùng một chữ (thày hay thầy? hàng ngày hay hằng ngày?), khi nào dùng gạch nối, khi nào không, trong một số chữ kép hay chữ láy (quốc gia hay quốc-gia? vui vẻ hay vui-vẻ?), vân vân và vân vân. Nhiều người cho rằng tiếng Việt cần được quy định bởi một hàn lâm viện ngôn ngữ, tương tự như tiếng Pháp hay tiếng Tây-ban-nha. Thật ra, đa số các thứ tiếng trên thế giới đều không có một hàn lâm viện như thế, ngay cả tiếng Anh là thứ tiếng thông dụng nhất nhì hoàn cầu cũng chẳng có hàn lâm viện nào.

Người đọc không cần tinh ý cũng có thể nhận thấy người viết bài này theo phương pháp đánh dấu ngữ âm. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi khi trả lời câu hỏi trên có tính cách nước đôi. Chúng tôi thiển nghĩ, về mặt cá nhân, mỗi người chúng ta có thể chọn một trong hai phương pháp đánh dấu, miễn là cứ trước sau như một. Có thể nói rằng phương pháp thẩm mỹ “có tình nhưng không có lý” (đa số chúng ta viết hóa chứ không viết hoá, vì lâu nay vẫn viết và nhìn như thế, quen mất rồi!), trong khi phương pháp ngữ âm lại “có lý nhưng không có tình” (nghe giải thích thì thấy cũng xuôi tai, nhưng nhìn chữ thuỵ với dấu nặng nằm dưới chữ Y sao mà chướng mắt thế!). Tưởng cũng nên nhắc lại, chính tả chẳng qua là một số luật lệ được người ta đặt ra một cách tuỳ tiện (dùng một số dấu hiệu để biểu hiện tiếng nói) và từ những dấu hiệu tuỳ tiện đó tạo ra những ước lệ (đồng ý với nhau dùng những dấu hiệu đó một cách có hệ thống). Luật chính tả cũng không khác chi luật lệ trong xã hội. Có những luật lệ được đặt ra, áp dụng một thời gian, bị dân chúng chống đối dữ dội, lại phải bỏ đi, thay thế bằng những luật khác. Luật lệ xã hội còn có tính cách tương đối, huống hồ là luật chính tả!

Tuy nhiên, trên một bình diện rộng lớn hơn, chẳng hạn như trong một bộ sách hay một trường dạy Việt ngữ, chúng ta nên chọn hẳn một trong hai phương pháp để dùng cho đồng nhất. Đặc biệt, trong các lớp Việt ngữ, các thầy cô giáo khi chọn một phương pháp, cũng nên giải thích qua cho các em học sinh về phương pháp kia, để các em không bị bỡ ngỡ khi thấy sự khác biệt. Nói cho cùng, cách đánh dấu theo hai phương pháp cũng chỉ khác nhau trong một số trường hợp giới hạn, những điểm tương đồng vẫn nhiều hơn những điểm dị biệt. Dù dùng phương tiện nào đi nữa, mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta về mặt chính tả vẫn là viết đúng, viết chính xác để thể hiện cái đẹp của ngôn ngữ Việt. Cái đúng, cái chính xác ở đây phải hiểu theo nghĩa tương đối; lúc đó chúng ta mới dung hoà được những bất đồng không đáng kể giữa những người cùng sử dụng Việt ngữ.

 

Theo TVVN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC