Những người đang sử dụng các mẫu smartphone nội địa được "xách tay" từ thị trường Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi và làm rò rỉ thông tin cá nhân.

Theo một báo cáo được công bố bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edinburgh và Trinity (Dublin, Ireland), một số hãng smartphone lớn tại Trung Quốc như OnePlus, Xiaomi, Oppo, Realme… đã cài đặt sẵn trên thiết bị của mình những ứng dụng có khả năng thu thập thông tin, thói quen của người dùng mà họ không hề hay biết.

Các ứng dụng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên smartphone của mình sẽ mặc định được cấp các đặc quyền, cho phép các ứng dụng này có thể thu thập và gửi về máy chủ của nhà sản xuất những thông tin nhạy cảm của người dùng, bao gồm vị trí của thiết bị, thông tin cá nhân của người dùng và thậm chí cả các mối quan hệ xã hội…

1 Canh Bao Nguoi Dung Smartphone Xach Tay Trung Quoc Co The Bi Theo Doi

Nhiều mẫu smartphone bán tại nội địa Trung Quốc bị phát hiện cài sẵn các ứng dụng có chức năng thu thập thông tin người dùng (Ảnh minh họa: ICT News).

Lý do được các hãng sản xuất smartphone đưa ra khi thu thập các thông tin này là nhằm ghi nhận những sự cố và cải thiện trải nghiệm của người dùng.

Ngay cả đối với những người dùng quan tâm đến quyền riêng tư và từ chối không tham gia vào các chương trình cải thiện trải nghiệm người dùng của hãng sản xuất smartphone, các ứng dụng cài đặt sẵn trên thiết bị cũng có thể thu thập và gửi đi các thông tin cá nhân như chỉ số nhận dạng thiết bị, thói quen dùng ứng dụng, thói quen gọi điện hay gửi tin nhắn SMS…

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu được thu thập có thể sử dụng cho mục đích theo dõi người dùng, thay vì mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng như các hãng smartphone tuyên bố.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những ứng dụng theo dõi người dùng chỉ được cài đặt sẵn trên smartphone được bán ở thị trường Trung Quốc. Sở dĩ có điều này bởi lẽ smartphone nội địa Trung Quốc sẽ được cài đặt phiên bản Android riêng cho người dùng trong nước, không được tích hợp sẵn các ứng dụng của Google như Youtube, Google Maps hay Gmail… bởi lẽ những dịch vụ này đều bị cấm tại Trung Quốc. Điều này cho phép các hãng sản xuất smartphone dễ dàng can thiệp và cài đặt thêm các ứng dụng của riêng mình để theo dõi người dùng.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết những điện thoại nội địa Trung Quốc có số ứng dụng được cài đặt sẵn khi xuất xưởng nhiều gấp 8 đến 10 lần so với các mẫu smartphone tương tự được bán ở thị trường quốc tế.

Do vậy, với những ai đang sử dụng smartphone Trung Quốc "xách tay" hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ bị thu thập thông tin cá nhân.

Hiện điện thoại "xách tay" từ nội địa Trung Quốc được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam, nguyên do chính vì các mẫu smartphone này có giá rẻ hơn đáng kể so với các sản phẩm tương tự được bán tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một số mẫu smartphone độc quyền dành riêng cho thị trường Trung Quốc được "xách tay" và bán khá nhiều tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, smartphone nội địa Trung Quốc thường được cài đặt lại bản ROM sau khi được "xách tay" về thị trường Việt Nam, điều này cũng phần nào làm giảm nguy cơ thông tin người dùng bị theo dõi.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia bảo mật phát hiện ra mã độc được cài đặt sẵn trên các thiết bị khác nhau của Trung Quốc ngay từ khi xuất xưởng. Trước đó nhiều thiết bị công nghệ, bao gồm smartphone, máy tính bảng, máy tính... có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đã phát hiện thấy cài đặt sẵn các phần mềm độc hại và có khả năng gián điệp, trong đó có nhiều sản phẩm được bán tại Việt Nam.

Theo GC/DTrends

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC