Nói về việc kỳ vọng con mình trở thành một người nổi tiếng, tài năng và thành công vượt trội, ThS tâm lý Đặng Hoàng An đã có lời như vậy.

1 Dung Mac Chiec Ao Qua Rong Cho Con

ThS tâm lý Đặng Hoàng An - Ảnh: NVCC

Có một điều lưu ý là dù có tài năng đến đâu thì trẻ cũng phát triển thể chất, tính cách theo quy trình chung của con người. Trong đó, giai đoạn dậy thì và sau dậy thì khá quan trọng, tâm lý trẻ lứa tuổi này cũng phức tạp nên nếu không khéo léo thì trẻ và người thân sẽ có những khoảng cách vô hình.

Theo ông An, nổi tiếng, thành công sớm dễ khiến trẻ chủ quan, tự mãn, gia đình đôi khi không lường trước được mặt trái của điều này dẫn tới dựa dẫm, gây áp lực cho con.

Trao đổi với Tổ ấm, ông An bày tỏ:

- Khi con cái đạt được kết quả nào đó, tâm lý chung của cha mẹ, ông bà là cảm thấy vui, hãnh diện, tự hào. Nhưng đừng để cảm xúc này lấn át lý trí, kỳ vọng nhiều hơn khả năng của trẻ khiến con cái áp lực vào thành tích phải đạt.

Khuyến khích trẻ phát huy năng lực, sở trường để đạt được những giá trị trong cuộc sống là việc cần thiết nhưng cần có chừng mực, phù hợp, vừa sức để con cái chúng ta không hụt hơi trong mong ước của người lớn. 

Khen tặng con cũng đừng thái quá, khiến trẻ cảm thấy mình như một người quan trọng, tránh để con mang "bệnh ngôi sao".

* Những năm gần đây có khá nhiều chương trình tìm kiếm "ngôi sao" nhí, hướng tới phát hiện những tài năng của những bạn trẻ ở khắp nơi, khá thu hút khán giả. Nhiều phụ huynh cũng xem đây là con đường giúp con mình trở nên nổi tiếng. Theo ông, việc này nên không?

- Tìm kiếm tài năng của người trẻ để phát hiện và bồi dưỡng là cần thiết. Tuy nhiên, để trẻ bước vào thế giới người nổi tiếng, đẩy mạnh hình ảnh trên mạng xã hội đến mức thiếu kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống bình thường của các con.

Có thể nói việc gì cũng có hai mặt. Nếu việc tìm kiếm tài năng, đào tạo bài bản, quản lý con người tài năng ấy một cách đúng đắn thì sẽ phát huy được năng lực của người ấy. 

Ngược lại, sẽ khiến trẻ bị chìm đắm trong hào quang và ảo tưởng về sự nổi tiếng, tài năng của mình, để rồi không tiếp tục cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện bản thân (trau dồi cả năng lực, trí tuệ và đạo đức). 

Theo tôi, một người nếu thiếu hoặc yếu về đạo đức sẽ nguy hiểm hơn so với chưa giỏi hay không có năng khiếu gì nổi bật.

* Có nhiều phụ huynh hay khoe thành tích của con trên mạng xã hội với lý do khuyến khích, khen tặng con mình. Điều này đúng không?

- Việc khoe thành tích của con lên mạng sẽ mang lại tác hại nhiều hơn. Như đã nói, chính thói quen này tạo ra áp lực cho trẻ phải cố gắng hơn để làm hài lòng cha mẹ. Mặt khác, các thông tin cá nhân của con như tên tuổi, trường lớp bị phô bày trên không gian mở như vậy rất có thể sẽ bị kẻ xấu nắm được và vô tình khiến con mình trở nên không an toàn.

Khen tặng, khích lệ con có nhiều cách. Đó có thể là những phần thưởng đúng lúc khi con đạt được thành tích hay kết quả nào đó. 

Và phần thưởng ấy phải mang lại giá trị về tinh thần, thêm công cụ cho con học tập, rèn luyện chứ không nên nặng về vật chất. Tôi nghĩ đến một khóa học hay một chuyến dã ngoại trong tinh thần học thêm những điều bổ ích từ cuộc sống thực bên ngoài.

* Sẽ có những trẻ có khả năng nổi trội, năng khiếu hơn người và thành công sớm. Vậy gia đình của các con cần làm gì để trẻ phát triển đúng hướng, không rơi vào tình huống "sớm nở chóng tàn"?

- Nếu con trẻ thành công sớm, có khả năng nổi trội là điều đáng mừng, nhưng gia đình phải vui chừng mực, không thổi phồng tài năng các con hay đừng mặc chiếc áo quá rộng cho trẻ.

Nếu trẻ thực sự có những năng khiếu đặc biệt thì gia đình nên cho con đến trường lớp phù hợp để phát triển đúng hướng, toàn diện, bao gồm cả năng khiếu, trí tuệ và đạo đức. Theo tôi, dù con người có tài năng bao nhiêu thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là bồi đắp nhân cách và phát triển tổng thể, hài hòa.

Nhấn mạnh vai trò của gia đình là tối quan trọng, bởi đây là chiếc nôi cho mọi tài năng và nhân cách con người. 

Do vậy, phụ huynh cần kiên nhẫn đồng hành cùng con - tôn trọng và lắng nghe con, nhất là tôn trọng bản sắc riêng, cá tính của từng trẻ; kể cả khi con cái có những lệch chuẩn cũng không đao to búa lớn mà cần mềm dẻo; không dùng quyền uy cha mẹ để bắt trẻ tuân thủ theo mình.

Với tôi, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và an toàn. Và nguyên tắc chung trong gia giáo là mềm dẻo - linh hoạt - có định hướng, chứ không thả nổi con muốn làm gì thì làm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC