Nhà có trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2,5 tuổi, bố nhất định phải biết nguyên nhân tại sao không nên cắt ngang giấc ngủ của con.

Thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời.

Việc thiếu ngủ hoặc ngủ rất lâu nhưng ngủ chập chờn, không ngon giấc đều làm trẻ mệt mỏi. Đồng thời, việc này còn làm cơ thể trẻ tiết ra những chất hoá học gây mất cân bằng như cortisol, progesterone… Hậu quả là trẻ khó chịu, quấy khóc, khó tập trung. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì sẽ làm trẻ chậm phát triển trí não hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Mặt khác, giấc ngủ nếu chất lượng sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao tốt vì trong thời gian ngủ, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều kích thích sự phát triển về thể chất của trẻ.

Do giấc ngủ liên quan trực tiếp đến việc phát triển não bộ nên bố mẹ càng phải thận trọng khi đánh thức con dậy, nhất là với trẻ nhỏ.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, giấc ngủ ở trẻ dưới 2,5 tuổi có vai trò đặc biệt, khác rất nhiều so với giấc ngủ ở lứa tuổi lớn hơn. Theo đó, việc đánh thức trẻ khi đang ngủ là một điều vô cùng nguy hiểm.

42 1 Nghien Cuu Chung Minh Viec Danh Thuc Tre Duoi 25 Tuoi Day La Vo Cung Nguy Hiem

Vì trước hai tuổi rưỡi, giấc ngủ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng não bộ của trẻ. Sau hai tuổi rưỡi và cho đến cuối đời, giấc ngủ sẽ chuyển sang "duy trì và sửa chữa" não bộ.

Thường giấc ngủ chia làm 5 giai đoạn

Giai đoạn 1: Ru ngủ

Giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ tầm 3 - 15 phút tính từ thời điểm bắt đầu đi ngủ. Trong giai đoạn này, ở một số người có thể đột ngột xuất hiện cảm giác chới với giống như bị rơi tự do.

Giai đoạn 2: Ngủ nông

Giai đoạn này chiếm phân nửa tổng thời gian ngủ. Lúc này, mắt ngừng chuyển động và hoạt động của não trở nên chậm hơn.

Giai đoạn 3: Ngủ sâu

Giai đoạn này đóng vai trò chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ rất sâu, chỉ chiếm khoảng dưới 10% tổng thời gian ngủ.

Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu

Đây là giai đoạn cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn và chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Nếu bị đánh thức ở giai đoạn này, chúng ta có thể cảm thấy mất phương hướng thoáng qua trước khi mọi hoạt động ổn định trở lại.

Giai đoạn 5: Ngủ mơ

Giai đoạn ngủ mơ còn được gọi là REM (rapid eye movement), chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Đúng như tên gọi, đây là giai đoạn thường xuất hiện những giấc mơ.

Ở cuối giai đoạn REM, cơ thể thường tạm thức giấc trong vài phút sau đó sẽ lặp lại chu kỳ giấc ngủ.

Theo các nhà khoa học, trước hai tuổi rưỡi, não bộ trẻ phát triển rất nhanh. Đặc biệt ở giai đoạn REM, khi những giấc mơ sống động xảy ra thì cũng là lúc não trẻ xây dựng và củng cố các khớp thần kinh, là cấu trúc kết nối các tế bào não.

Điều đó cũng giải thích tại sao cơ thể trẻ sơ sinh lại dành đến 50% thời gian cho giai đoạn REM. Con số này giảm xuống còn 25% ở trẻ 10 tuổi và tiếp tục giảm dần theo độ tuổi.

Vì một số lý do mà cha mẹ cắt ngang giấc ngủ của trẻ. Đây chính là sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ nếu đánh thức trẻ (nhất là trẻ dưới 2,5 tuổi) trong giai đoạn ngủ REM (dù là ngủ ngày hay ngủ đêm) thì đều làm gián đoạn việc xây dựng cấu trúc não bộ ở con.

Từ hai tuổi rưỡi trở đi, mục đích chính của giấc ngủ sẽ chuyển sang sửa chữa não bộ, duy trì hệ miễn dịch, thúc đẩy sự sinh trưởng. Lúc này, bố cần quan tâm đến cách đánh thức con dậy. Việc đánh thức trẻ nhẹ nhàng sẽ mang đến cho con một khởi đầu sảng khoái, tràn đầy năng lượng. Ngược lại, trẻ bị thức dậy đột ngột, thô bạo dễ làm con căng thẳng, cáu kỉnh cả ngày.

Nguồn: EVA




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC