Đại dịch COVID-19, và mới nhất là biến thể Omicron, tiếp tục đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2022 đang khiến các sếp lớn trên khắp thế giới lo bị... mất việc!

1 Ceo Cung So Mat Viec Vi Covid 19

Một khu văn phòng vắng người tại khu tài chính ở thủ đô London, Anh, vào tháng 7-2020 - Ảnh: Reuters

Công ty tư vấn quản lý AlixPartners khảo sát 3.000 giám đốc điều hành (CEO) trong 10 ngành công nghiệp, một nửa có doanh thu hơn 1 tỉ USD, trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương, về nỗi lo này. Kết quả, có tới 72% CEO lo mất việc trong năm 2022.

Lửa thử vàng?

"Đó là tỉ lệ cao ngất ngưởng. Các lực cản như chuỗi cung ứng và thị trường lao động đều có tác động trong đó" - ông Simon Freakley, giám đốc điều hành AlixPartners, nhận định với Hãng tin Bloomberg về con số 72% nói trên.

Dĩ nhiên các sếp lớn luôn lo lắng chuyện mất việc, nhất là ở các công ty đại chúng (đã phát hành cổ phiếu ra công chúng). Nhưng con số trong khảo sát cho thấy nỗi lo đã tăng lên rất đáng kể trong năm nay, so với 52% của năm 2020 vốn đã rất cao.

Trong khảo sát của AlixPartners, các giám đốc điều hành cho biết lo ngại lớn nhất của họ trong năm tới là chuỗi cung ứng, thị trường lao động và kỹ thuật số hóa. Sau khi doanh nghiệp vượt qua năm 2020 đầy sóng gió và sống sót trong năm 2021, các lãnh đạo nhận thấy áp lực của họ không những không giảm mà còn tăng, trong khi đại dịch vẫn dai dẳng và cổ đông đòi hỏi công ty phải tăng trưởng.

"Họ nhận ra các mô hình kinh doanh hoạt động tốt trong những năm qua phần lớn không còn phù hợp" - ông Freakley nói và cho biết nhiều công ty đang gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng từ địa phương/khu vực đến toàn cầu. "Chúng ta đi từ vô số lo lắng về các chu kỳ kinh tế cho tới những hỗn loạn của tất cả các lực cản này" - ông bình luận.

Dù vậy đến nay, những lo lắng vẫn chưa thành sự thật. Tại Mỹ, số giám đốc điều hành nghỉ việc do sa thải, về hưu hay đổi việc đến tháng 11-2021 chỉ tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Công ty Challenger, Gray & Christmas. Một ngoại lệ là lĩnh vực công nghệ có tỉ lệ tăng 17%, với hơn 162 sếp trong các công ty hàng đầu nghỉ việc, trong đó 39 người ra đi chỉ trong hai tháng qua.

Thách thức kéo dài

Lo lắng của các CEO và người lao động khắp thế giới dự kiến sẽ kéo dài trong năm 2022. Các chuyên gia nhận định biến thể Omicron sẽ tiếp tục đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm sau. Với số ca Omicron tăng vọt và nhiều chính phủ siết hạn chế, các hãng logistics trên thế giới, từ lớn đến nhỏ, từ đường bộ đến đường thủy, đều không tìm được đủ nhân công.

"Năm 2022 có thể tiếp tục là năm các chủ hàng phải chịu sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng và chi phí cực khủng" - Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Simon Heaney của Tổ chức nghiên cứu hàng hải Drewry nhận định.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo COVID-19 không chỉ là khủng hoảng y tế mà còn là khủng hoảng lao động và sẽ mất nhiều năm phục hồi. Trong báo cáo tháng 10-2022, ILO nhận định ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên thị trường lao động tồi tệ hơn dự đoán. ILO ước tính dịch làm giảm 4,3% giờ làm của thế giới, tương đương 125 triệu việc làm toàn thời gian, tăng mạnh so với dự đoán 100 triệu việc vào giữa năm. Trước đó, tổ chức này cũng cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2022 sẽ lên đến 205 triệu người, vượt 187 triệu trong năm đầu đại dịch - 2019.

Bên cạnh đó, những thách thức đã có từ trước như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và robot càng khiến sự hồi phục của thị trường việc làm thêm khó khăn. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, 85 triệu việc làm sẽ bị thay thế bằng máy móc trong 5 năm tới. Trong lĩnh vực công nghệ, báo cáo hồi tháng 6-2021 của Bank of America ước tính 3 triệu lao động công nghệ sẽ bị sa thải trong năm sau do tự động hóa.

Trong thách thức luôn có cơ hội

Không phải CEO nào cũng chỉ thấy tiêu cực. Ông Alain Dehaze, CEO của Tập đoàn Adecco Group, cho rằng thách thức cũng tạo ra nhiều cơ hội để các chính phủ, doanh nghiệp đào tạo lại nguồn nhân lực và tạo ra công việc mới.

"Đây là cơ hội để nhấn nút khởi động lại và tạo ra các mô hình mới đáp ứng nhu cầu đào tạo lại và học tập suốt đời" - ông nhận định. Theo ông, chính phủ cần hỗ trợ lao động mất việc, khuyến khích việc học và cải thiện hệ thống đào tạo. Trong khi đó, các doanh nghiệp nên chuyển từ bảo vệ việc làm sang đầu tư, phát triển nhân lực hiện có, chưa kể việc đào tạo lại sẽ tiết kiệm hơn thuê nhân viên mới.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC