Nhóm 20 thực tập sinh, du học sinh Việt Nam thành lập công đoàn mới, nhằm giúp đỡ đồng hương lao động ở Nhật.

"Có rất nhiều người Việt không nói được tiếng Nhật và không có người hỗ trợ. Do đó, chúng tôi muốn giúp đỡ những người còn khó khăn, cũng như truyền tải thông tin hữu ích giúp người Việt biết được quyền lợi của bản thân nếu gặp vấn đề ở Nhật", Nguyễn Văn Bảo, 24 tuổi, phó chủ tịch ủy ban điều hành Công đoàn Tomoiki thuộc Liên hiệp Tokyo, nói trong buổi lễ thành lập hôm 18/10 tại thủ đô Nhật.

Theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (JTUC), công đoàn chỉ có thành viên người nước ngoài là "rất hiếm" ở quốc gia này. Công đoàn mới do các thực tập sinh, du học sinh Việt Nam thành lập sẽ tận dụng mạng lưới của JTUC chi nhánh Tokyo để giải quyết nhanh chóng và triệt để hơn các vấn đề mà lao động người Việt gặp phải.

Anh Bảo nói với VnExpress rằng công đoàn mới thành lập có cơ cấu hoạt động và hình thức hỗ trợ tương tự tổ chức phi chính phủ Tomoiki chuyên hỗ trợ người Việt, song tư cách "công đoàn" sẽ giúp việc đàm phán với các công ty và liên kết với JTUC dễ dàng hơn.

"Ngoài hỗ trợ, truyền tải thông tin, công đoàn cũng kỳ vọng đưa ý kiến của người Việt tới chính phủ Nhật, nhằm thúc đẩy sửa đổi luật để cải thiện các vấn đề mọi người hay gặp phải", anh Bảo nói.

1 Nguoi Viet Lap Cong Doan Bao Ve Lao Dong Dong Huong O Nhat

Lễ ra mắt công đoàn mới hỗ trợ người Việt tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản, ngày 18/12. Ảnh: NHK

Công đoàn mới được thành lập trong bối cảnh lượng lao động nước ngoài tăng cao tại Nhật, kéo theo nhiều rắc rối liên quan, như tình trạng nợ lương thực tập sinh hay vô cớ đuổi việc người lao động. Công đoàn hiện hợp tác với Hội hỗ trợ Nhật - Việt Tomoiki, tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ người Việt tại Nhật Bản.

Nhật Bản thành lập chương trình thực tập sinh kỹ thuật năm 1993, nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho các nước đang phát triển, song bị chỉ trích là chế độ "lao động nô lệ", cung cấp vỏ bọc cho các công ty tuyển lao động giá rẻ từ khắp châu Á.

Các hành vi lạm dụng về ngôn từ và thể chất cũng như tình trạng nợ lương là những vấn đề phổ biến với chương trình thực tập sinh kỹ thuật, dẫn đến hàng loạt lao động bỏ trốn.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khi đó là Yoshihisa Furukawa cho biết chính phủ có kế hoạch xem xét toàn diện hệ thống thực tập sinh, trong bối cảnh nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài của chương trình này.

Tính đến cuối tháng 6, khoảng 328.000 người cư trú tại Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật, theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước này, tính đến tháng 6/2021.

Đức Trung

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC