Nhóm 11 thực tập sinh kỹ thuật người Việt cáo buộc công ty may mặc Koshimizu ở tỉnh Ehime nợ 194.000 USD tiền lương trước khi phá sản.

Các thực tập sinh người Việt ngày 16/11 tổ chức họp báo ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehime, miền tây Nhật Bản, cho biết công ty may mặc Koshimizu tuyên bố phá sản ngày 7/11 trước khi thanh toán cho họ 27 triệu yên (194.000 USD) tiền lương còn nợ.

Theo nhóm 11 thực tập sinh, đây là khoản tiền lương mà công ty phải trả cho khoảng thời gian họ được yêu cầu làm thêm giờ. Trước khi tuyên bố phá sản, công ty hứa hẹn sẽ thanh toán dần cho mỗi người 2,2-2,6 triệu yên, bao gồm khoản bồi thường trả lương chậm.

"Chúng tôi rất buồn vì bị đối xử bất công. Dù chuyện gì xảy ra, họ cũng phải trả tiền cho chúng tôi", Doan Thi Thu Nga, 32 tuổi, một trong những thực tập sinh, phát biểu tại cuộc họp báo.

1 Nhom Thuc Tap Sinh Viet To Cong Ty Nhat No Luong Gan 200000 Usd

Các thực tập sinh người Việt phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Matsuyama, Ehime, ngày 16/11. Ảnh: Kyodo.

Hồ sơ cho thấy các thực tập sinh này thường phải làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng tại công ty Koshimizu ở thành phố Seiyo, tỉnh Ehime. Điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến họ hồi tháng 8 phải tìm đến một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Việt tại Nhật. Jiho Yoshimizu, nhân viên tổ chức, cho biết "sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ quyền của họ".

Nhóm 11 người đã rời công ty Koshimizu ngày 4/11 và sẽ bắt đầu công việc mới tại một công ty dệt may khác ở tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản.

Công ty may mặc Koshimizu được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ký hợp đồng để sản xuất quần áo bảo hộ trong đại dịch Covid-19. Công ty này chưa lên tiếng về cáo buộc của nhóm thực tập sinh Việt Nam, nhưng luật sư của Koshimizu cho biết công ty đang nợ tổng cộng khoảng 60 triệu yên (430.000 USD).

Nhật Bản thành lập chương trình thực tập sinh kỹ thuật năm 1993, nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho các nước đang phát triển, song bị chỉ trích là chế độ "lao động nô lệ", cung cấp vỏ bọc cho các công ty tuyển lao động giá rẻ từ khắp châu Á.

Các hành vi lạm dụng về ngôn từ và thể chất cũng như tình trạng nợ lương là những vấn đề phổ biến với chương trình thực tập sinh kỹ thuật, dẫn đến hàng loạt lao động bỏ trốn.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khi đó là Yoshihisa Furukawa cho biết chính phủ có kế hoạch xem xét toàn diện hệ thống thực tập sinh, trong bối cảnh nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài của chương trình này.

Tính đến cuối tháng 6, khoảng 328.000 người cư trú tại Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật, theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước này, tính đến tháng 6/2021.

Đức Trung (Theo Kyodo News)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC